Ông Võ Văn Thưởng: Phát huy hào khí cố đô, xây dựng Ninh Bình giàu đẹp
(Dân trí) - Kỷ niệm 200 danh xưng và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tin tưởng, Ninh Bình sẽ phát huy hào khí cố đô, xây dựng tỉnh phát triển bền vững, trở thành tỉnh giàu đẹp.
Tối 27/3, tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (01/4/1992- 01/4/2022). Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nêu rõ, Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây hơn 30.000 năm. Từ thời kỳ nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn Tây Sơn, vùng đất này đã qua nhiều tên gọi, trong đó năm Gia Long thứ 5, đổi thành đạo Thanh Bình. Tới năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình. Tên gọi Ninh Bình với hàm ý là vùng đất an toàn, vững chãi, bình yên có từ đó.
Ngày 27/12/1975, tỉnh Ninh Bình được hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Đến ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.
Sau 16 năm hợp nhất, ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết, sau 30 năm tái lập và phát triển, quy mô nền kinh tế của tỉnh Ninh Bình (số liệu tính đến hết năm 2021) đạt hơn 72.000 tỉ đồng, gấp 105 lần so với năm 1992; GRDP bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng, gấp 85 lần so với năm 1992; thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt hơn 22.000 tỉ đồng (gấp trên 500 lần so với năm tái lập tỉnh), trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách Nhà nước từ năm 2022.
Đến hết năm 2021 toàn tỉnh Ninh Bình có 117/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 huyện, thành phố được công nhận chuẩn nông thôn mới...
Với những thành tích đã đạt được, Ninh Bình vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3 lần được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 79 tập thể, 29 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 1.274 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 30 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh.
"Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã phát huy cao độ nội lực, khát vọng vươn lên, đoàn kết, đồng lòng, chung sức đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, thúc đẩy Ninh Bình phát triển về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay vượt bậc trên quê hương Cố đô Hoa Lư" - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư mong muốn: "Phát huy truyền thống quê hương Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến và những thành tựu sau 30 năm tái lập tỉnh, tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khơi dậy, phát huy hào khí cố đô, chủ động, sáng tạo, với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết tâm mới, xây dựng Ninh Bình phát triển bền vững, trở thành tỉnh giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh"".