1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Ông trùm” quạt cổ đất Hà thành

(Dân trí) - Mắt đeo kính lão, miệng phì phèo điếu thuốc, mỗi ngày ông xoay như chong chóng với mấy cục sắt gỉ. Tưởng là dân đồng nát chính hiệu hóa ra không phải. Đấy là ông Phúc “quạt cổ” trong những phút cao hứng, đang “thổi hồn” vào những chiếc quạt có tuổi đời mấy trăm năm.

Nhà là một kho sắt vụn

 

Phố Tạ Hiện (Hà Nội) vốn nổi tiếng với những bar, nhà hàng rộn rã, sầm uất, hút mắt du khách nước ngoài. Lọt thỏm giữa bao nhiêu “mùi vị” dịch vụ của thời hiện đại, ngôi nhà của ông là chốn đi về của hàng tá linh kiện quạt từ mấy chục năm nay.

 

Khởi nghiệp, ông cũng chỉ là một tay làm nghề sửa chữa động cơ. Một lần, được một người hàng xóm bán rẻ cho chiếc quạt nhãn hiệu Marelli của khách sạn Metropole, ông mang về chữa lại. Sau, thứ đồ cổ có cánh tạo được làn gió êm ru này được một vị khách du lịch người Anh mua với giá cao gấp 20 lần so với giá gốc. Đêm đó nằm bắt tay lên trán, ông tặc lưỡi: “Việc phục chế quạt cổ cũng cho cơm áo trong khi mình đã về hưu”.

 

Để công việc này có thể thành một nghề mưu sinh, ông kết thân với dân buôn đồng nát. Cứ gặp chiếc quạt từ đời “tám hoánh” nào người ta “thải”, ông dặn họ mua về bán lại cho ông. Cục sắt gỉ trong trạng thái “chết”, ông dùng kiến thức cơ học, điện, vật lý để “bắt bệnh” cho nó. Rồi ông trổ hết vốn hiểu biết về thẩm mỹ màu sắc ra mà đánh bóng nó lên. “Ngon lành”, đẹp mắt, hết chiếc quạt này đến chiếc quạt khác cứ theo chân du khách mà từ biệt ông.

 

Đã gần 30 năm trôi qua, ông đã làm cái nghề mà mọi người vẫn thường gọi một cách mỹ miều là thổi hồn vào những chiếc quạt. Nghe có vẻ “nghệ sĩ đáo để”. Ông bảo, mỗi chiếc quạt như một thân phận, mình thấy yêu thích thì cứ thế mà mày mò phục chế lại. Trong ngôi nhà chật chội mà gia đình ông đang cư trú có không biết bao nhiêu “thân phận” quạt đang chờ bàn tay chủ nhân hồi sinh.

 

“Từ giờ đến “ngày tận thế”, tôi dành toàn bộ thời gian để làm cái việc “trả lại tên cho em” cũng chẳng hết!”, ông cười khề khà. Nguồn vui của tuổi già đâu có cạn!

 

“Đối thoại” với quạt cổ

 

Không tiếc công sức, bỏ thời gian ra nghiên cứu, sưu tập, đến nay ông đã sở hữu không ít các hãng quạt nổi tiếng thế giới một thời. “Em (ông lại hài hước gọi quạt là “em” - PV) Emy có gốc gác từ xứ hoa tuy-líp Hà Lan, em Eole, Calo xuất thân từ kinh đô nước hoa châu Âu đó, em Marelli cùng quê với “cái thằng” hậu vệ xuất sắc, mặc áo đội tuyển quốc gia Ý 126 lần từ năm 1988 Paolo Maldini đó. Còn Xanghai ở Trung Quốc, nghe nói có từ thời Từ Hy Thái Hậu…”, ông hài hước khoe bộ sưu tập có một không hai của mình.

 

Mỗi loại quạt cổ có nhiều đời. Trong tay ông bây giờ có cả những chiếc quạt cổ nhất - thuở mà loài người mới có điện dùng; đời thứ hai được sản xuất cách đây đúng 100 năm; đời thứ ba sản xuất năm 1920; đời thứ tư có mặt năm 1930. Đặc điểm của các thế hệ quạt cổ, theo ông, gió mạnh, tự nhiên, không hút xoáy sâu vào người như quạt đời mới. Nó cứ quay đều, quay đều tạo cho con người cảm giác dích dắc thoảng gió.

 

Cái đẹp của những “máy gió” này nằm ở các kiểu dáng, họa tiết, đường cong cách điệu nhẹ nhàng. Khi phục chế, ông thường “mặc áo” vàng bóng, đen nhức cho “các em” bằng cái nhìn tạo độ tương phản màu sắc như một hoạ sĩ có nghề.

 

“Chơi quạt cổ là cái thú cần có văn hoá nhưng không cần bằng cấp”, ông Phúc tâm sự. Khách hàng tìm đến mua quạt của ông chủ yếu là người nước ngoài. Mỗi lần nhớ những hồn quạt đã lang thang theo ai về nơi xa, ông lại ngồi lần giở lại một album đựng “cạc-vi-dít” của khách. “Nhờ cái duyên với quạt cổ mà tôi được bắt tay với các đại sứ quán, tham tán liên minh châu Âu, đại diện của Microsoft, mấy vị tiến sĩ ngoại quốc”, ông khoe mà không giấu nổi niềm tự hào. Những vị khách quốc tế đã ghé thăm nhà ông để mua cho kỳ được một kỉ vật mang dấu ấn thời gian đang được bảo lưu trong lòng Hà Nội.

 

Ông cho biết mình là cháu bên ngoại đời thứ ba của cụ Đề Thám. Thỉnh thoảng, ông lại ngược lên Yên Thế (Bắc Giang) để viếng thăm tổ tiên, góp sức lo công tác đúc tượng cho vị tướng tiền nhân vang tiếng một thời. Sau những chuyến đi xa ấy, ông mới ngẫm ra, tình yêu với quạt cổ đã ngấm vào mình lúc nào không hay. Một ngôi nhà ấm không khí gia đình là một nhẽ, nhưng những chiếc quạt chỉ có ông mới “gọi hồn” được lại là một nhẽ khác. Với ông, phần đời còn lại có lẽ chỉ là để “bán linh hồn” cho những chiếc quạt.

 

Tiễn tôi ra về, ông chỉ tay vào một chiếc quạt đứng ở góc tường, bảo: “Cái nậm rượu hãng Genteur (Anh) này đã được người ta đặt giá hơn 1.000 USD rồi. Nó cũng chuẩn bị có một cuộc chia ly với tôi”. Mắt ông đang hiện hữu một nỗi buồn rất thật.

 

Sang Anh