Ông Trần Sỹ Thanh đắc cử chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước
(Dân trí) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Sỹ Thanh đắc cử Tổng Kiểm toán nhà nước tại Quốc hội sáng nay, 7/4.
Nghị quyết công nhận kết quả phiếu bầu ông Trần Sỹ Thanh làm Tổng Kiểm toán nhà nước được Quốc hội thông qua tại hội trường bằng hình thức bấm nút biểu quyết. Nghị quyết nhận được sự tán thành của cả 462 đại biểu tham gia biểu quyết (tương đương 96,45% tổng số đại biểu Quốc hội), có hiệu lực thi hành ngay sau khi được thông qua.
Đây là vị trí thứ 13 ông Thanh đảm nhiệm trong 17 năm công tác.
Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê Nghệ An, là Ủy viên Trung ương khóa XI (dự khuyết), XII, XIII.
Năm 2004, khi 33 tuổi, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, và 3 năm sau, trở thành Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Năm 2008, khi 37 tuổi, ông Thanh trở thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.
2 năm sau, ông trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Năm 2012, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang.
Gần 3 năm sau (tháng 2/2015), ông được bầu bổ sung vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đến tháng 10/2015, ông được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn.
Đảm nhiệm vị trí Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn 2 năm, đến tháng 12/2017, theo phân công của Bộ Chính trị, ông Trần Sỹ Thanh về làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong khoảng thời gian 3 tháng.
Tháng 8/2020, ông được điều về làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đến nay được đề cử, bầu vào vị trí công tác mới là Tổng Kiểm toán Nhà nước thay ông Hồ Đức Phớc vừa được miễn nhiệm.
Nguyên Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc chia sẻ kỳ vọng người kế nhiệm về tinh thần độc lập, liêm chính, khách quan, chuyên nghiệp. Theo ông Phớc, đó là những điều cần có để hoàn thành nhiệm vụ Tổng kiểm toán.
"Bí quyết để hoàn thành nhiệm vụ ở Kiểm toán nhà nước là trong bất cứ tình huống nào cũng phải tôn trọng sự thật, chấp hành đúng quy định của luật và làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Đưa ra kết quả công bằng, khách quan là hết sức quan trọng, đòi hỏi người làm kiểm toán phải có đủ bản lĩnh" - ông Phớc nhắn nhủ.