1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông tổ nghề khoá kéo ở Hà Nội

(Dân trí) - Lọt thỏm giữa những gian hàng thời trang lung linh, rực rỡ trên phố Hàng Đường là một khoảng không gian nhỏ của “đệ nhất phéc mơ tuya” - chuyên gia chữa khoá kéo Nguyễn Hữu Khang. Đồ nghề của ông rất đơn giản và gọn nhẹ: một chiếc kìm và một chiếc bàn con.

Ông tổ nghề chữa khoá kéo

 

“Đó là cái nghề được sinh ra vào buổi khốn khó nhưng vẫn được người đời nay trọng dụng”, ông Nguyễn Hữu Khang vẫn nói vui về cái nghề bấy lâu mình đeo đuổi như thế. Tuy cùng thời với mấy nghề đặc trưng thời bao cấp như lộn cổ sơ mi, bơm mực ruột bút bi, gia công bánh quy gai xốp… nhưng nghề chữa khoá kéo của ông Khang lại mang phận hẩm hiu hơn.

 

“Tôi chọn nghề này từ những năm 60, khi đó chưa có ai làm. Chính quyền cấp cho tôi giấy đăng ký kinh doanh nghề chữa phéc mơ tuya. Tôi cứ mày mò dần dần, rồi tìm ra cách chữa cho từng “bệnh nhân” của mình. Thời chiến tranh đó, hầu hết mọi người chỉ dùng cúc cài, ai khá giả một chút mới có đồ dùng khoá phéc mơ tuya. Cả ngày lêu vêu được vài vị khách, sống cũng lay lắt lắm…”, ông Khang nhớ lại.

 

Nghề chính không đủ nuôi thân, ông xoay sang đủ thứ nghề phụ. Có thời ông đi khắc bút dạo, rồi chữa máy vô tuyến, khoá cửa, sửa kính. Có dạo ông còn ngao du tới tận Nghệ An, Hà Tĩnh hành nghề. Người Hà Nội về quê làm ăn, dân quê thấy lạ, cũng muốn thử xem sao, nên ông cũng kiếm được.

 

Đến đầu năm 80, ông không lang bạt nữa, làm một cái tủ con con rồi hành nghề ngay đầu ngõ nhà mình ở 61 Hàng Đường cho đến bây giờ. 

 

Chữa khoá kéo có bảo hành

 

Theo thời gian, thợ khắc bút bên hồ Gươm, thợ hàn nồi, hàn dép nhựa, bát đĩa, lộn cổ áo sơ mi… lùi dần vào quá vãng. Cũng có dăm ba thứ nghề “bao cấp” còn tồn tại được sau một quá trình tự cải tiến theo “công nghệ cao”. Duy có cái nghề chữa phéc mơ tuya thì vẫn cổ lỗ như mấy mươi năm trước. Chiếc túi của ông có tới 70 ngăn nhỏ, đựng hơn 100 chi tiết linh kiện sửa chữa, nhiều cái ông phải nhờ người đi nước ngoài mang về, còn lại ông tự chế. Chỉ cần sờ tay, không cần nhìn, ông cũng biết đâu là kim mũi nhỏ, mũi to, đâu là búa, bộ mở, ổ khoá…

 

Thực ra, ở phố Hàng Da, Hà Trung hàng chục năm nay vẫn có người làm công việc tỉ mỉ này nhưng chỉ có qua đây, người ta mới thấy đầy đủ dư vị của một nghề đích thực. Cũng không hẳn bởi vì ông Nguyễn Hữu Khang là “ông tổ” của nghề. Mà nhiều người mê mẩn cái tài của ông bởi không hiểu sao, khoá đã gãy đến chục cái răng rồi mà qua tay ông lại lành lặn như thường. Kéo cái khoá trơn tru mà ấm lòng… Theo lời ông, ưu điểm của nghề này là nhanh, rẻ, tiện lợi và tuyệt nhiên không bao giờ phải tháo chỉ hay máy lại.

 

“Nhiều người nói rằng tôi gàn, thời buổi này người ta mua quần áo mới như đi mua mớ rau ngoài chợ, mấy ai chịu mang cái khoá áo, khoá quần đi sửa. Nhưng tôi lại nghĩ thế này, mình giúp người ta giữ một kỷ niệm thời chiến hoặc cái túi đang “phát tài phát lộc” là một việc đáng làm lắm chứ”, ông Khang tâm sự.

 

Hình như cái lý ông đưa ra cũng đúng, vì khách khứa ra vào “cửa hiệu” tuềnh toàng của ông rất đông, “áp đảo” hẳn mấy cửa hàng thời trang bên cạnh. Khách đến phải đứng dưới lòng đường mà ngóng vào đợi ông làm, người sau xếp hàng chờ người trước, như thời bao cấp. Mỗi cái khoá, ông chỉ hí hoáy năm phút là xong, tiền công vài nghìn là đồ lại như mới.

 

Có những ngày đông lạnh, nhiều người với xe cứ xếp thành hàng dài dưới đường, ông phải từ chối khá nhiều khách “để mấy anh trật tự không tuýt còi”.

 

“Không giấy tờ, không tem phiếu, căn cứ vào đâu mà bảo hành cho khách những ba năm. Sao chú liều thế?” - “Cái đó là bí quyết của riêng mình chú. Nhưng từng mắt khoá của chú làm thì không lẫn đi đâu được”, ông Khang vừa trả lời, vừa tỉ mẩn làm công việc mà rồi có lẽ cũng không còn ai nối nghiệp…

 

Phúc Hưng