“Ông Thanh còn nợ chúng tôi bữa rượu”
Anh Lê Đức Tịnh, người được mệnh danh là anh cả của đội xe ôm săn bắt cướp ở ngã tư cầu vượt Hòa Cầm, nói vui: “Ông Nguyễn Bá Thanh vẫn còn nợ anh em đội xe ôm ở đây một cuộc rượu”.
Đó là điểm sáng, cần phải được biểu dương. “Lúc nào rảnh rỗi, tui xách rượu đến uống với mấy ông xe thồ ni, ra khối chuyện” – ông Thanh nói tại cuộc họp HĐND.
“Thú thật là nhiều khi ông Thanh phê bình hơi khó nghe, chỉ đạo quá rát, quyết liệt, nhưng ai cũng hiểu, tất cả ông nói chỉ vì cái chung nên sau đó cán bộ nào cũng phải cố gắng hơn thôi”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng. |
Nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh sắp tới ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, anh Tịnh tâm sự: “Nói thiệt là có cảm giác hụt hẫng, hiếm có lãnh đạo nào gần dân, sâu sát cơ sở được như ông. Đặc biệt, mỗi lần nghe ông nói trên ti vi, sướng tai”.
Còn bà Âu Thị Khiêm -Tổ trưởng tổ dân phố 157, phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà), thành thật: Ông Thanh để lại quá nhiều dấu ấn tốt đẹp với người dân và bất kỳ ai đặt chân đến Đà Nẵng.
Nói đâu xa, như phường Nại Hiên Đông gần cuối tuyến “quận Ba” một thời nhếch nhác, lạc hậu nay đã khang trang, phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh. Hàng loạt khu chung cư, dự án cao ốc, khu căn hộ cao cấp được đầu tư tạo bộ mặt mới cho mảnh đất này.
Nếu không có chính sách nhìn xa, trông rộng và quan trọng hơn là tầm nhìn chiến lược cho một đô thị năng động, chắc chắn Đà Nẵng rất khó có được như ngày hôm nay. Bây giờ, ông Thanh đi, dẫu mừng nhưng dân chúng tôi cũng có phần tiếc.
“Tàu đã chạy trên ray”
Ông Trần Văn Sơn – Phó GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng, nói: Phải thành thật mà nói đối với cá nhân tôi cũng như nhiều cán bộ khác có phần hụt hẫng khi ông Nguyễn Bá Thanh rời Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới.
“Làm việc với ông Thanh quả thật phải rất nhiệt huyết, cứ cà tàng cà tàng là không xong với ổng. Sau này, ông không trực tiếp chỉ đạo, vắng đi một Bí thư đầy lửa, đối thoại, chỉ đạo chan chát như thế kể cũng buồn. Mấy năm đương chức, đúng là ông Thanh đã truyền lửa cho cán bộ Đà Nẵng”.
Theo ông Sơn, vì đã được truyền lửa, có sẵn nhiệt huyết nên bây giờ, dù ông Thanh có chỉ đạo trực tiếp hay theo dõi từ ngoài trung ương thì cán bộ Đà Nẵng vẫn cứ thế mà làm.
“Cái đó đã thành lệ rồi, tạo nên một phong cách riêng, thương hiệu riêng của công chức thời ông Thanh. Đà Nẵng bây giờ như con tàu đã chạy trên đường ray, cứ thế mà chạy tới, cứ thế mà phát triển” – ông Sơn nói.
Còn bà Nguyễn Thị Vân Lan – Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cho hay, ông Nguyễn Bá Thanh dù ra Hà Nội nhưng vẫn đương chức Chủ tịch Hội, vì thế, mọi công việc của Hội vẫn do ông chỉ đạo.
Bà Lan kể, nhiều lần trực tiếp làm việc với Bí thư, đội ngũ cán bộ cấp dưới thấy được thái độ làm việc thẳng thắn, bộc trực, quyết đoán và cả tính nhân văn.
Ví như chuyện xây bệnh viện ung thư, sau khi đi thăm quan cơ sở Bệnh viện Ung thư ở TP Hồ Chí Minh, ông Thanh thấy người nhà phải nằm chờ, chăm sóc bệnh nhân la liệt ngoài hành lang.
Ai cũng thấy hình ảnh này mỗi ngày nhưng có lẽ chỉ ông là người duy nhất đưa ra chủ trương xây thêm khu ký túc xá ăn và ở miễn phí cho cả người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Với tinh thần làm việc vì cái lợi chung của đất nước, nhân dân, tôi tin tưởng rằng dù bất kỳ cương vị nào, ông Thanh hoàn thành và để lại ấn tượng tốt đẹp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Điểu - một trong những cán bộ bị ông Nguyễn Bá Thanh “chì chiết” nhiều nhất trong những lần họp HĐND, bày tỏ: Ông Thanh không còn chỉ đạo trực tiếp, hỏi tiếc không? Đương nhiên là có, nhưng Đà Nẵng có thuận lợi là ông Thanh cùng các lãnh đạo đã vạch ra một chiến lược dài hơi, bây giờ, cứ thế mà thừa hưởng, mà làm thôi.
Thêm một thuận lợi nữa là ông Thanh ra Hà Nội, chắc chắn vẫn luôn theo dõi sự phát triển cũng như sẵn sàng ủng hộ những quyết sách ở Đà Nẵng.
Theo Nam Cường – Nguyễn Huy
Tiền Phong