1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Ông Tây thiết kế xe điện cho người khuyết tật

(Dân trí) - Là một chuyên gia động cơ điện nhưng từ khi cộng tác với tổ chức Rotary Club (Lyon, Pháp), Philippe Metzinger có một công việc hết sức “thú vị”: thiết kế xe lắc tay điện cho người khuyết tật (NKT).

Ông Tây thiết kế xe điện cho người khuyết tật - 1
Chị Trân, Philippe, anh Chiến bên hệ thống được lắp đặt vào các xe lắc tay do Philippe sáng chế.
 
Với mong muốn cải thiện cuộc sống cho một bộ phận NKT Việt Nam, tổ chức Rotary Club tại Lyon thí điểm thực hiện chương trình cải tiến xe lắc tay cho những NKT hành nghề bán vé số và các nghề khác có sử dụng xe lắc tay làm phương tiện đi lại. Do mô hình này chưa hề có nên Rotary Club đã giao cho Philippe công việc này.
 
Philippe cho đây là một công việc hết sức “thú vị” vì nó không giống như thiết kế xe đạp điện, có cấu tạo hết sức đơn giản. Thiết kế xe lắc tay điện từ những chiếc xe lắc tay của NKT Việt Nam khá phức tạp vì hầu như mỗi chiếc đều có những chi tiết “độ” khác nhau, các bộ phận có thông số kỹ thuật khác nhau… Vả lại, các xe này có các thiết bị cũ mới không đồng đều.
 

Các bạn khuyết tật có nhu cầu cải tiến xe lắc tay, xe đạp ba bánh… thành xe điện có thể liên hệ với chị Lưu Thị Ánh Loan, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật TPHCM (số 5 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM) hoặc Công ty Phi Trân (123 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) để đăng ký.

Philippe đã từng sáng chế một hệ thống bao gồm một túi đựng bình ắc-quy, hệ thống kết nối điện rời rất an toàn và động cơ lắp trực tiếp trên bánh xe. Với hệ thống này, trong vòng 10 phút anh có thể biến bất kỳ một chiếc xe đạp bình thường nào thành xe đạp điện.
 
Tuy nhiên, khi anh áp dụng nó vào việc cải tiến xe lắc tay thành xe lắc điện cũng không dễ dàng chút nào. Để hoàn thành cải tiến mỗi chiếc xe, anh cùng cộng sự là anh Nguyễn Minh Chiến phải bàn bạc từng chi tiết xem độ chịu lực của gắp trước có chịu nổi không, các chi tiết của xe còn đủ chất lượng không, thiết kế phần điều khiển sao cho phù hợp với thể hình từng NKT…
 
Anh Chiến cho biết: “Đa số xe NKT đem đến cải tiến đều là xe cũ nên khá phức tạp, phải mất cả buổi mới làm xong một chiếc. Vì phải tháo các chi tiết có sẵn đã bị hàn cố định trên xe, lắp đặt thiết bị rồi lắp ráp hoàn chỉnh trở lại…”.
 
Anh Trần Kim Phước, NKT hành nghề bán vé số đầu tiên được cải tạo xe lắc tay thành xe lắc điện, cho biết: “Sử dụng chiếc xe này cũng rất đơn giản. Tôi đi bán vé số 4 ngày mới phải sạc điện 1 lần. Khi nào hết điện thì mình đẩy bằng tay như bình thường, không phiền phức gì cả”.
 
Ông Tây thiết kế xe điện cho người khuyết tật - 2
Anh Trần Kim Phước thử chiếc xe lắc tay vừa được cải tiến của mình.
 
Philippe cho biết: “Hệ thống dây điện được thiết kế rất an toàn để tháo lắp dễ dàng mà không bị rò điện khi ngâm trong nước. Tuy nhiên, vì kinh phí có hạn nên chúng tôi phải sử dụng túi ắc-quy gồm 3 bình ắc-quy do Việt Nam sản xuất, nặng đến 8kg. Trong bộ hoàn chỉnh do tôi thiết kế cho các xe ở Pháp thì chỉ dùng một bình ắc-quy nặng 2,5kg”.
 
Theo anh thì bình ắc-quy chất lượng cao mà anh dùng ở Pháp dù chỉ nặng 2,5kg nhưng chứa điện năng bằng 12 bình cùng loại do Việt Nam sản xuất. Nó vừa nhẹ, vừa tốt hơn bình Việt Nam rất nhiều nhưng giá của mỗi bình lên đến 200 Euro (hơn 5 triệu đồng).
 
Còn trong chương trình này, Philippe sử dụng bình Việt Nam, kể cả các chi tiết khác thì trị giá thiết bị lắp đặt ước chừng chỉ 4 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, đây cũng là một món quà lớn cho các bạn khuyết tật tại TPHCM, vì đối với họ, đó là số tiền không nhỏ. Vả lại, thiết bị này lại rất tiện dụng cho công việc và sinh hoạt của họ.
 
Anh Phước cho hay: “Kể từ ngày cải tiến chiếc xe này, công việc của tôi khỏe hơn rất nhiều. Đi cả tháng nay cũng không có trục trặc gì”.
 
Chị Phan Thị Nam Trân, Giám đốc công ty Phi Trân, đơn vị hỗ trợ công cụ, phương tiện cho Philippe cải tiến xe lắc tay, cho hay: “Hiện chúng tôi liên hệ với Hội Thanh niên khuyết tật TP nhờ giới thiệu giùm các hoàn cảnh NKT khó khăn để giúp họ cải tiến phương tiện đi lại. Nếu bất kỳ NKT nào có nhu cầu cũng có thể liên hệ với chúng tôi để đăng ký”.
 
Theo chị Trân thì hiện chương trình chỉ có 10 suất nhưng tổ chức Rotary Club tại Lyon đang cố gắng vận động các mạnh thường quân để mở rộng chương trình này. Đối tượng ưu tiên là các bạn khuyết tật còn trẻ, vì họ còn có cơ hội để phát triển tương lai.
 
Tùng Nguyên