Ông “soi mói” ở Dung Quất
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn, phụ trách an toàn của KCN Dung Quất được công nhân đặt cho biệt danh “ông soi mói”. Ông từng làm náo động cả công trường khi mời một vị lãnh đạo cấp cao ra khỏi khu vực công trường vì chưa thực hiện đủ các yêu cầu về an toàn.
Ông "soi mói" Nguyễn Ngọc Sơn (phải) luôn miệt mài kiểm tra những chi tiết nhỏ nhất.
Trên công trường nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong lúc mọi người bận rộn, háo hức đón đợi những dòng dầu đầu tiên thì có một người hằng ngày vẫn lặng lẽ kiểm tra từng mối nối, từng sợi dây xích và không ngừng nhắc nhở những công nhân trên công trường phải mang đủ dụng cụ an toàn khi làm việc. Ông là kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn, 56 tuổi, người được cánh công nhân ở đây đặt biệt danh “ông soi mói”. Công việc chính của ông là phụ trách an toàn của khu công nghiệp trọng điểm này.
Thà mất việc, không để mất an toàn
Chúng tôi gặp ông Sơn trên công trường Dung Quất trong không khí hối hả chuẩn bị đón dòng dầu dầu tiên. Chỉ tay về phía nhà máy, ông Sơn bảo: “An toàn trong lao động là rất cần thiết, đặc biệt trong ngành xăng dầu còn quan trọng gấp nhiều lần. Sai một ly, đi cả vạn dặm chứ chẳng bỡn”. Người đàn ông mập mạp, nước da sạm đen bởi nắng gió miền Trung này trong lúc vồn vã giới thiệu với nhà báo về nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn không quên nhiệm vụ “soi mói” của mình.
Sinh ra ở Hà Nội, ông Sơn đi bộ đội năm 1973, công tác tại Ban liên hợp Quân sự 4 bên ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hòa bình, ông ra quân rồi học tại khoa Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội). Sau một thời gian, ông chuyển về phục vụ ngành dầu khí, ấy là chuyện từ những năm 1990. Theo điều động của Tập đoàn Dầu khí, ông Sơn về công tác tại Quảng Ngãi từ năm 2000. Ông cũng là một trong những người góp sức lực vào công cuộc xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ khi san nền, làm móng (năm 2005).
Bốn năm qua, ông Sơn đã cùng anh em trong tổ giám sát phải yêu cầu dừng lại nhiều công trình đang thi công do không bảo đảm an toàn, buộc các nhà thầu phải làm lại hoặc đợi đúng thời điểm. Ông đã từng yêu cầu dừng lắp ráp thiết bị 1503, nặng 600 tấn (thuộc khối thiết bị để chuyển từ dầu hỏa sang xăng phản lực). Thiết bị này yêu cầu không được hàn dưới trời mưa trong khi ở thời điểm lắp ráp (năm 2007) trời có mưa và dự báo 2 trận bão liên tiếp. “Sau khi cương quyết, chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu phải dừng lại, đợi trời quang mây tạnh mặc dù biết làm như thế, nhà thầu sẽ tốn khoản chi phí không nhỏ, bởi tiền thuê cần cẩu 1.250 tấn mỗi ngày tới 45.000 đôla,” ông Sơn nói.
Nổi tiếng trên công trường với cái tên “soi mói,” ông Sơn từng làm náo động cả công trường khi từng mời một vị lãnh đạo cấp cao ra khỏi khu vực công trường vì chưa thực hiện đủ các yêu cầu về an toàn. Và, chỉ khi vị quan chức nọ thực hiện đúng quy định, ông mới đưa đi thăm nơi công nhân làm việc. Nhiều người nghĩ ông già “soi mói” này “liều lĩnh” vì dám bắt bẻ cả cấp trên.
Là người cực kỳ nguyên tắc trên công trường nhưng ông Sơn cũng lại là một người rất cởi mở trong cuộc sống. Cũng bởi thế, ông được nhiều công nhân yêu mến. Nhiều người ban đầu “ngán” ông “quân phiệt,” nhưng sau cùng lại rất hiểu và thông cảm bởi nhờ những người như ông mới bảo đảm được sự an toàn của một công trình.
Dạy con học qua… điện thoại
Gia đình, vợ con ở Hà Nội, ông Sơn thuê một ngôi nhà 200m2 tại thành phố Quảng Ngãi, cách nhà máy Dung Quất hơn 30 km. Tại đây, ông sắm đủ các vật dụng bếp núc không chỉ để phục vụ sinh hoạt của mình mà còn để thi thoảng mời anh em liên hoan khi rảnh rỗi. Ông khoe, đã có lần, nuôi được 2kg dế theo đúng quy trình kỹ thuật rồi mời anh em đến nhà thưởng thức.
Ông bảo, mỗi năm mình về Hà Nội với vợ con được 3-4 lần, mỗi lần cũng chỉ dăm ba ngày rồi lại phải vào công trường gấp. Sống ở công trường, thiếu thốn nhất với ông Sơn chính là tình cảm gia đình. Bởi vậy, chiếc điện thoại luôn kè kè bên ông như người bạn thân thiết nhất. Ông bảo, nhờ nó mà nhất cử, nhất động ở Hà Nội ông đều biết và liệu bề khu xử hợp lý.
Hai con ông, đứa lớn đang học đại học ngoại thương và đứa bé mới học lớp 8. Toàn bộ việc trao đổi với gia đình, thậm chí cả việc dạy học của con cái đều nhờ qua điện thoại và email. “Nhiều hôm, đứa con gái đọc đề toán khó, tôi phải tắt máy, nghĩ xong lời giải mới gọi lại và giảng bài cho con,” ông Sơn nói. “Có nhiều cái tết ở công trường, vui thì vui thật, nhưng nhớ vợ con mà không cầm được nước mắt,” ông Sơn nhớ lại.
Nín lặng trước giọt dầu đầu tiên
Là một trong những người đầu tiên có mặt tại công trường này, ông Sơn tự hào là người đã chứng kiến biết bao đổi thay của khu đất xưa kia chỉ là những vạt đồi, giờ đã mọc lên một nhà máy hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ngày 14/2, khi được thông báo giọt dầu đầu tiên đã chảy ra thành công và an toàn, ông Sơn mừng khôn tả. Lúc đó, ông chui vào góc phòng, lấy điện thoại gọi về gia đình, chia sẻ với người thân niềm vui khôn tả.
Bây giờ, khi ngày lễ trọng đại (22/2) đón mừng dòng sản phẩm đầu tiên của nhà máy đang đến gần, ông Sơn vẫn miệt mài kiểm tra sự an toàn của các hệ thống vận hành. Mới đây, ông đã nhận được sự điều động của tập đoàn để sang xây dựng nhà máy nhựa và cũng phụ trách về an toàn.
Công việc rồi lại bộn bề hơn, trong khi tuổi tác đã ngày một cao, nhưng ông “soi mói” còn nhiệt thành lắm: “Tôi là người lính cụ Hồ, làm theo lệnh, đi theo tiếng gọi của trái tim chứ không hề tính toán, so đo thời gian và công việc”.
Những cống hiến của ông Sơn đã được Tập đoàn Dầu khí ghi nhận, chỉ trong 2 năm 2007 - 2008, ông đã nhận được 5 bằng khen của Tập đoàn về thành tích công tác. Nhưng nói về những thành tích ấy, ông vẫn bảo, nếu không có sự đồng lòng, kiên quyết của đội giám sát, vì sự an toàn của nhà máy, thì mình ông cũng không làm nổi…
Theo Trung Hiền - Xuân Quảng
Vietnam+