Ông nông dân biến chất thải lợn thành điện... thu bộn tiền
(Dân trí) - Thay vì chịu đựng mùi hôi thối của chất thải từ đàn lợn, người đàn ông ở Mỹ đã tìm được cách biến chúng tạo ra điện nhờ quá trình thu khí mê-tan.
Cách đây 20 năm, khi ông nông dân Tom Butler (Mỹ) chuyển từ trồng thuốc lá sang nuôi 8.000 con lợn, nỗi kinh hoàng với ông là chất thải từ đàn vật nuôi.
Trải qua thời gian hơn 10 năm, cuối cùng ông cũng tìm ra cách giảm lượng khí mê-tan thải ra và mùi hôi thối bằng cách biến phân lợn thành điện rồi bán lại cho hợp tác xã phân phối điện ở địa phương.
Năm nay, ông Butler 77 tuổi song vẫn đang nỗ lực biến nông trại của mình sạch hơn nhờ kết nối với hợp tác xã điện.
Theo Daily Beast, từ các trang trại nuôi lợn có thể giải phóng lượng lớn khí mê-tan vào bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn 25 lần so với CO2. Ngoài ra, trang trại còn tác động lên các cộng đồng da màu có thu nhập thấp gần trang trại cũng như những người nông dân như Butler.
Nếu được thực hiện đúng cách, việc biến phân gia súc thành khí sinh học có thể giúp giảm thiểu những tác động đó.
Ông Tom Butler - người đi đầu trong phương pháp đổi mới này thừa nhận: "Chúng ta sai lầm lớn khi nghĩ chất thải chỉ là chất thải". Trên thực tế, nhiều người nuôi lợn trữ chất thải của lợn trong các bể chứa, phân và nước thải có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí.
Khi nhận thấy có thể biến khí mê-tan thu được từ các bể chứa chất thải của lợn thành điện, Tom đã xin tài trợ để mua các thiết bị cần thiết và bắt đầu vận hành từ cuối năm 2011.
Toàn bộ hệ thống được lắp đặt với tổng chi phí hơn 1 triệu USD, dù được hỗ trợ nhiều, song ông vẫn phải chi thêm 50.000 USD kèm với chi phí nhân công và bảo trì. Song lợi ích ông nhận lại được là khoản tiền 8.000 USD - 10.000 USD/tháng nhờ bán điện năng.
Phía dưới lớp phủ trên cùng là bể phân hủy, nhờ quá trình hoạt động của vi sinh vật bên trong sẽ thu được khí mê-tan.
Chúng bay lên rồi theo đường ống dẫn đến nơi có đặt máy phát điện. Khí mê-tan thu được sẽ trở thành nhiên liệu chạy máy để tạo ra điện, còn phần bã rắn được dùng làm phân bón..
Ngoài ra, ông còn lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để góp phần sản xuất điện. Chúng không chỉ tạo ra điện đủ để vận hành cho trang trại mà còn dư thừa để bán nhằm thu tiền về.
Ông hi vọng có một ngày trang trại của mình sẽ là hình mẫu và sẵn sàng chia sẻ kiến thức và ý tưởng của mình với người khác. Nông trại của nông dân này thường đón các du khách và có một tour du lịch để mọi người tham quan.
Các nhóm sinh viên đại học dành thời gian ở trang trại để làm các thí nghiệm. Nhiều chính trị gia, khách quốc tế hay người làm ở các tổ khác nhau cũng đến tham quan mô hình của ông Tom Butler. Ông hi vọng một ngày nào đó sẽ có nhiều trang trại ở khắp Bắc Carolina và các bang khác ở Mỹ sẽ áp dụng công nghệ tương tự.