1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông “Nhất Thước” - Người lính chiến trên nghị trường (kỳ 2)

(Dân trí) - Một đại biểu Quốc hội như Tướng Thước luôn là người châm ngòi cho những phiên chất vấn quyết liệt nhưng chân thành, thẳng thắn. Với ông, ăn cơm của dân, mặc áo của dân mà không làm hết trách nhiệm với dân tức là... ăn gian, ăn quỵt.

Chẳng biết từ đâu mà tại nghị trường Quốc hội nhiệm kỳ trước đây lại xuất hiện câu “thành ngữ”:  Nhất Thước - Nhì Trân - Tam Lân... (Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng... Khoá này được đổi lại thành “Nhất Ngoạn - Nhì Trân - Tam Lân - Tứ Quốc”). Đây là những người châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Quốc hội không dân chủ thì làm gì có ở cử tri?

 

Có tiếng chuông điện thoại réo, ông xin lỗi tôi phải dừng ngang câu chuyện rồi đi vào nhà trong. Nói qua điện thoại nhưng giọng ông vẫn cứ oang oang, sang sảng. Khi ông từ nhà trong bước ra, tôi không khỏi giật mình.

 

Đã nhiều lần gặp ông ở Quốc hội, lại từng chụp ảnh, phỏng vấn ông nhưng không hiểu sao tôi cứ đinh ninh rằng ông có vóc dáng cao to nhưng thực ra cơ thể ông có phần mảnh mai, nhỏ nhắn. Càng ngỡ ngàng hơn khi liên tưởng đến một vị tư lệnh “thét ra lửa” nơi trận mạc cùng những bài phát biểu dậy sóng nơi nghị trường.

 

Khi tôi hỏi về chất lượng các phiên chất vấn ở Quốc hội, giọng ông lại sang sảng:

 

“Cái điều khiến tôi phân vân là những đại biểu chuyên trách trong các Uỷ ban của Quốc hội lại ít phát biểu nhất. Đáng lẽ các vị ấy phải là người đầu tiên phát hiện ra vấn đề, rồi đề xuất những giải pháp thì mới đúng tầm cỡ quốc gia chứ.

 

Tôi không biết họ có sợ không, có vấn đề gì đằng sau không nhưng chuyện nể nang chắc chắn là có. Mà nể nang kiểu ấy là hỏng, là không làm tròn trách nhiệm với cử tri. Tôi cũng mừng là gần đây, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn có cao hơn nhưng thật tình thì kết quả cũng rất, rất khiêm tốn.

 

Cái được nhất theo tôi đã có không khí dân chủ trong Quốc hội nhưng cần phải phát huy hơn nữa. Không có dân chủ trong Quốc hội thì làm gì có dân chủ ở cử tri? Tôi già rồi, bị thương nhiều lần, báo tử một lần. Cái thằng đã một lần chết thì chẳng còn gì phải sợ mà chỉ buồn và lo thôi. Vừa rồi, tôi có viết một bài gửi cho một tờ báo nhưng không thấy đăng cũng chẳng thấy trả lời”.

 

Nội dung bài viết của bác đề cập đến vấn đề gì?

 

Tôi đòi hỏi sự công bằng ngay tại Quốc hội. Ví dụ cụ thể là trong mỗi kỳ họp, phía Chính phủ đều có báo cáo do đích thân Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng thường trực trình bày. Đáng lẽ phần phản biện phải do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội đọc thì lại giao cho Chủ nhiệm các Uỷ ban. Như vậy về nguyên tắc là thiếu tôn trọng và về cải cách hành chính là không đúng. Nó vừa thiếu tập trung, vừa không xứng tầm. Tóm lại, cách làm này lý không đúng mà tình thì không được.

 

Vận động không xấu nếu động cơ tốt

 

Nếu còn là đại biểu Quốc hội, kỳ họp này bác sẽ chất vấn điều gì?

 

Tôi cũng sẽ chất vấn về công tác cán bộ. Đây là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Thất thoát, tham nhũng, lãng phí đều bắt đầu từ sự yếu kém trong quản lý đầu tư. Rồi việc một loạt cán bộ cao cấp phải ra hầu toà thời gian qua cũng là vấn đề nhức nhối.

 

Sinh thời, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ rất rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ. Bây giờ, khâu này lơi lỏng quá. Nếu sự việc xảy ra ở đơn vị tôi khi tôi còn công tác, tôi sẽ trị đến cùng.

 

Nhìn lại suốt 15 năm là đại biểu, bác đã làm gì cho cử tri?

 

Ít lắm. Tôi chỉ mới làm được mấy việc như tất cả mọi nguyện vọng của cử tri đều được tôi thẳng thắn báo cáo, giải trình hoặc tranh luận với Quốc hội. Tôi chủ yếu chỉ mới làm được có thế. Còn nhiều việc tôi chưa làm được hoặc làm dang dở. Có mỗi cái điện cho nông thôn là có hiệu quả cuối cùng, nhưng đây là công sức của nhiều đại biểu suốt 2 nhiệm kỳ Quốc hội.

 

Điều tôi mong muốn à? Đó là làm thế nào để cải tạo một cách tích cực sự dân chủ trong Quốc hội để từ đó nâng cao quyền lực của nhân dân. Người dân phải là chủ thể thật sự của đất nước này. Nói thật, cái việc bỏ phiếu tín nhiệm thành viên Chính phủ mà phải đủ 20% lại không được vận động thì không bao giờ đạt được nên đề ra thì đề ra thôi. Mà vận động cũng có xấu đâu nếu với động cơ tốt? Đại biểu Quốc hội cũng được vận động khi bầu cử cơ mà?

 

Trong hàng ngũ tướng lĩnh, ai là người khiến bác kính phục nhất?

 

Người tôi coi như bậc thầy cả về tài lẫn đức là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ông sâu sắc, quyết đoán và rất giàu nhân cách.

 

Nói đủ rồi. Làm đi...!

 

Ngay sau khi Đại hội Đảng X kết thúc, tôi đã đến gặp tướng Thước. Ông có vẻ hi vọng nhưng hình như vẫn ẩn chứa những băn khoăn.

 

Là người tham dự 4 kỳ Đại hội Đảng, theo Trung tướng, kết quả Đại hội lần này như thế nào?

 

Trong tình hình hiện nay, kết quả Đại hội là chấp nhận được. Nhưng vấn đề là có hành động kiên quyết không, có hiệu quả không. Nói nhiều rồi, đủ rồi, có nghị quyết, có đường lối rồi, bây giờ nói ít thôi, bắt tay vào làm đi để 6 tháng, rồi một năm kết quả như thế nào báo cáo với Đảng, với dân. Lúc đó mới nói thành công hay không thành công tốt đẹp. Giờ mới chỉ là thành công tốt đẹp ở hội nghị, ở chủ trương thôi.

 

Hai mươi năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thắng lợi hết sức cơ bản, nghĩa là đã thắng trận đầu then chốt. Lúc này cần đột phá vào trận then chốt thứ hai, cao hơn, hiệu quả hơn trận then chốt đầu.

 

Quá trình diễn ra Đại hội, đã thấy một không khí khá dân chủ ngay trong nội bộ Đảng. Đặc biệt là cam kết chống tham nhũng...?

 

Xu thế hiện nay, muốn hay không cũng không được. Không thể bịt mồm, bịt mắt, bịt tai người dân. Ví như vấn đề tham nhũng thì không phải là chống hay không mà không thể không chống tham nhũng nếu muốn tồn tại.

 

Việc toàn bộ số người được đề cử và tự ứng cử đều không trúng ủy viên TƯ và ngược lại, tất cả 160 ủy viên TƯ trúng cử đều do Ban chấp hành TƯ khoá IX giới thiệu, điều này có thể sẽ tạo sự e ngại đối với việc ứng cử và đề cử ở những khóa sau. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

 

Tôi nghĩ việc đề cử và tự ứng cử sẽ khó trúng vì các đại biểu thiếu thông tin về nhau. Muốn thực hiện tốt, cần phải có quy trình vận động từ trước đó để có thời gian tìm hiểu. Việc BCH khoá IX giới thiệu có chất lượng vì đã trải qua quá trình tìm hiểu kỹ dựa trên các cơ sở Đảng.

 

Việc một số Bộ trưởng đương nhiệm được TƯ giới thiệu nhưng vẫn trượt. Trong khi đó, trước khi bầu cử họ đã có những phát biểu khá thẳng thắn, cởi mở và có xu hướng “cấp tiến”. Ông có nghĩ...

 

Tôi không được tham gia Đại hội nên không biết tại sao. Nhưng nếu ông Tuyển đã được TƯ giới thiệu và tôi được quyền bỏ phiếu thì qua những việc ông ấy đã làm cả trước và trong Đại hội, ông ấy là một trong những người tôi tín nhiệm đầu tiên.

 

Với vợ, tôi chỉ là anh tiểu đội phó

 

Chợt trong nhà có tiếng húng hắng ho. Ông lập cập chạy vào. Một lúc sau, ông quay ra bảo tôi: “Nhà mình bị gãy cột sống nên mình phải xin nghỉ để đỡ đần công việc gia đình. Cả một đời bà ấy vất vả vì chồng, vì con. Có thời kỳ hơn 30 năm mà mình ghé qua nhà được có đúng 4 lần. Giai đoạn lâu nhất là từ năm 1965 đến tận năm 1980 mình mới về nhà. Khổ nhất là đoạn mình bị báo tử nhầm”.

 

Tính bác nóng nảy thế, khi về nhà có bao giờ bác là “ông tướng” không?

 

Không. Với vợ, mình chỉ dám nhận là anh... tiểu đội phó thôi.

Chợt nhớ có lần ông kể về dự định sẽ ra “tranh cử” chức tổ trưởng dân phố hoặc chi hội trưởng Hội cựu chiến binh xóm. “Nếu được bầu, không biết mình có hoàn thành nhiệm vụ không” - Ông bảo.

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh năm 1926 tại Nghi Lộc – Nghệ An.

Năm 18 tuổi, tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên Cứu quốc. Trong cách mạnh tháng 8, ông tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Từ năm 1946 đến 1949, ông công tác đoàn và làm Bí thư huyện đoàn Nghi lộc. Giữa năm 1949, ông gia nhập quân đội.

Kháng chiến chống Pháp, ông chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên. Kháng chiến chống Mỹ, 10 năm liền ông lăn lộn ở chiến trường Tây Nguyên. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Từ 1997 đến 2002, ông là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá VI. Đại biểu Quốc hội các khoá VIII, IX và X.

Đã từng được thưởng Huân chương Độc lập hạng II. Huân chương Quân công hạng nhì, ba. Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhì. Huân chương chiến công nhất, nhì, ba và nhiều huân huy chương khác.

 

Kỳ 1 

Bùi Hoàng Thiên Vân