1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông Nguyễn Sinh Hùng làm Phó thủ tướng thường trực

(Dân trí) - Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ thay mặt Thủ tướng chủ trì và điều phối hoạt động chung của Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ đi vắng hoặc được Thủ tướng ủy quyền; chủ trì các cuộc họp của Ban Cán sự đảng Chính phủ theo sự ủy nhiệm của Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ.

Quyết định 1009/QĐ-TTg phân công công việc của Thủ tướng và các Phó thủ tướng như sau:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ sẽ chỉ đạo, điều hành và quản lý chung mọi hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng là người trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Thủ tướng sẽ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin, Ủy ban Dân tộc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo theo các lĩnh vực có liên quan.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng thời giữ chức Phó Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, làm nhiệm vụ Phó Thủ tướng Thường trực.

Ông Nguyễn Sinh Hùng sẽ theo dõi và chỉ đạo các cơ quan: Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Công nghiệp, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Ủy ban Thể dục Thể thao, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội, các Tập đoàn kinh tế lớn, các Tổng công ty 91. Chủ tịch các Hội đồng quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo theo các lĩnh vực có liên quan.

Ông Phạm Gia Khiêm trực tiếp làm nhiệm vụ Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời được phân công phụ trách các lĩnh vực công tác sau: Ngoại giao và quan hệ đối ngoại (bao gồm cả đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân).

Lĩnh vực kinh tế đối ngoại, bao gồm: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ; Hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Quan hệ với các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Công tác biên giới, biển Đông - Hải đảo, bao gồm cả kinh tế biển; Các vấn đề về nhân quyền...

Thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó thủ tướng Khiêm chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan theo khối công việc có liên quan.

Ông Trương Vĩnh Trọng trực tiếp làm nhiệm vụ Phó thủ tướng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được phân công phụ trách các lĩnh vực công tác sau: Chuyên trách công tác phòng, chống tham nhũng; Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng, chống tội phạm; Cải cách tư pháp gắn với tăng cường pháp chế, kỷ cương; Công tác đặc xá; Phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội; Phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Ban Bí thư Trung ương đảng; giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Theo dõi và chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ theo khối công việc có liên quan. 

Trần Đức