Hà Nội:
Ông lão người Lào 20 năm “cướp cơm” Thủy Thần
Những ngày này, bãi Long Biên ào ào bước vào mùa gió chướng. Ông lão nhăn nheo thu mình trong chiếc thuyền xiêu vẹo. Lão bảo, đến tận bây giờ lão vẫn không thể quên những lần đầu “cướp cơm” của Thủy Thần.
Lão có cái dáng đi cổ quái, lúc nào cũng chúi về phía trước. Mỗi lúc lão cười, hàm răng chỉ còn độc vài chiếc khấp khiểng lại hềnh hệch đua ra hớn hở.
Người đàn ông đó có cái tên Việt là Nguyễn Văn Thành, nhưng thực ra là người dân tộc Thổ và đến từ xứ sở Triệu Voi, đã hàng chục năm vớt xác người trôi sông tại bãi Long Biên.
Người đàn ông đó có cái tên Việt là Nguyễn Văn Thành, nhưng thực ra là người dân tộc Thổ và đến từ xứ sở Triệu Voi, đã hàng chục năm vớt xác người trôi sông tại bãi Long Biên.
Ông lão người Lào 20 năm vớt xác dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)
Cả đời phiêu dạt, dừng chân chốn gầm cầu
Đến tận bây giờ, người đàn ông 73 tuổi vẫn không nhớ được ngày tháng nào mình phiêu dạt sang Việt Nam. Vốn ở tận Sầm Nưa, do chiến tranh, lão đã di tản sang đất Việt. Giờ, trong ký ức mờ nhòe của lão, bóng dáng của mảnh đất Triệu Voi kia gần như không còn. Để ghi nhớ, lão phải khắc những con số đáng nhớ của đời mình lên cánh tay nhăn nheo.
Ngày 26/9/1969, lão chính thức có gia đình. Câu chuyện như cổ tích thời hiện đại. Vợ lão nhớ lại: “Ngày ấy ông to cao hơn bây nhiều. Làm gì cũng làm được, chỉ tội cái nói tiếng Lào, không ai nghe nổi. Bà thương quá, về ở với ông ấy cho vui…”
Đến nay đã gần được 40 năm. Bây giờ, nhìn ông không còn một chút cao to nào nữa, chỉ thấy cái lưng đã oằn đi vì nhặt rác nhiều và khuôn mặt xạm đen góc cạnh. Tay vò mái tóc ngắn cũn, ông nói: “Ngày chạy đói từ Sầm Nưa về Việt Nam, chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi có vợ. Có lẽ, đó là duyên phúc lớn nhất”.
Hồi đầu ông bà từng lặn lội mãi ở Sông Ngưu để mò từng bát men vỡ, nhặt những cuộn sắt xây dựng người ta ném đi. Nhặt 20 năm trời, lòng bàn chân đã thủng lỗ chỗ, sâu hoắm và chai như miệng giếng. Nhặt 20 năm trời, cũng chỉ đủ cho ngày 2 bữa ăn chỉ toàn cơm không và mắm. Tính chi li mỗi tuần, tiền bán nilon, giấy và sắt ông bà thu được 50.000 đồng.
Sau hai thập niên sống trong cảnh ngủ hiên, ngủ hè, năm 1987, ông dẫn vợ về khu Long Biên. Ban đầu, toàn bãi Phúc Xá chỉ lác đác vài ba con thuyền, nước và lau sậy mênh mông. Đất trên cạn nhiều nhưng không có tiền dựng lán, ông bà làm căn nhà không có móng đầu tiên trên bãi.
Nhưng, điều đáng kể nhất của lão lại là cuộc đấu tranh suốt 20 năm không nghỉ với thủy thần.
“Cướp cơm” thủy thần
Sông Hồng đang mùa gió chướng, đứng sát mép sông từng cơn gió thổi tung bay từng tấm nilon rác vụn lên trời. Ông Thành chỉ tay về khúc cua ngay giữa sông, nơi con sông tách dòng, và bảo rằng mỗi mùa mưa bão phải có tới vài xác người trôi dạt về...
Năm 1987, lúc mới chuyển về bãi được vài tháng, cơn lũ lớn trên thượng nguồn đổ về đã kéo theo một xác người chấp chới giữa sông. Khi ấy, cả bãi chỉ lác đác vài nhà sống bằng nghề chài lưới, nhưng không ai dám nhảy xuống cướp lễ vật của thủy thần. Cái xác thì cứ như người sống, tay chân dang rộng, xoay xoay, mãi giữa dòng nước đục ngầu.
Không kịp nghĩ nhiều ông lao mình xuống dòng nước, hai cánh tay bươn bải ngụp lặn. Phải mất hơn 30 phút giành giật trong dòng nước xiết ông mới đưa được người vào bờ…
“Mùa đông năm ấy, nước lạnh như dao cứa vào da. Nước tiểu mãn cuộn lên đẩy xác người ra xa. Cứ kéo được vào gần một chút, xác lại hụp sâu xuống dòng nước đỏ ngầu. Tôi thấy người rã ra, mùi xác xộc lên tận óc. Chỉ muốn buông tay mà bơi một hơi vào bờ,” lão ngậm ngùi nhớ lại.
Khi đưa được người lên bờ thì toàn thân ông lão đã cứng đơ, lạnh toát. Quần áo trên người xấu số cũng tả tơi. Ông Thành cứ vậy vác ngang cái xác trên vai về trước thuyền mình. Mắt người phụ nữ đã bầm dập dưới nước, và vẫn còn trừng trừng nhìn ông…
Từ đó tới nay, mỗi năm ông lại vớt vài xác người trôi sông như vậy. Con số người được ông vớt được đánh dấu bằng vết dao cứa trên thành chiếc lều thuyền cũ nát. Tới nay đã có tới 40 linh hồn được ông cứu giúp.
Vớt được xác, nhưng công việc vẫn chưa kết thúc. Ông lão lại lẩn mẩn lấy túi nilon bọc tay lại, thay quần áo mới cho nạn nhân và báo cho công an giải quyết.
“Mỗi xác chết trước đều là một con người sống. Nên lúc này, họ cũng cần quần áo, hương đèn để sống tiếp,” ông nói.
Kể về chuyện “tranh cơm Thủy Thần,” lão bảo điều nhức nhối nhất trong suốt 20 năm qua là lão đã chẳng thể cứu được chính đứa con nuôi của mình.
Cách đây 3 năm, khi chương trình lập lớp học cho trẻ em xóm bãi đang thành hình, các tình nguyện viên xuống bãi rất đông và thường tụ họp trên thuyền của ông. Trong số đó có người tên Sơn quê ở Quảng Ninh. Quý chú sinh viên ngoan ngoãn, ông nhận Sơn làm con nuôi.
Một lần, sau giờ dạy, Sơn cùng các bạn xuống sông tắm. Mùa cạn, nước chỗ sâu nhất cũng chỉ chừng ngang cổ. Sơn lại là người miền biển, nên ông cũng không lo gì. Nhưng bất ngờ một con nước lớn ào lên cuốn Sơn vào vụng xoáy.
Nhìn cánh tay chới với của đứa con nuôi, lão hoảng hồn, nhảy tùm xuống dòng sông ngầu đỏ. Nhưng Thủy Thần đã nuốt trọn Sơn vào lòng. Lão đành thuê người đến giăng câu mà rà khắp đáy. Mãi một ngày sau, thi thể của người thanh niên xấu số mới được tìm thấy.
Thì ra, cái nghề của chính mình lại không thể cứu, không thể an ủi cho linh hồn người gần mình nhất. Ông lão lặng thinh, và trong đôi mắt đỏ hoe hình như không còn nhìn thấy tôi nữa.
Nhưng sau cái ngày khủng khiếp ấy, ông vẫn không ngừng cứu những linh hồn trôi dạt. Giờ, lão đã già. Làn da hằn sâu thành rãnh, nhăn nheo như đất nẻ. Tai lão cũng đã ù đặc vì lặn sâu nhiều. Riêng có đôi mắt vẫn tinh anh, vẫn ngày ngày dõi ra dòng sông cuộn đỏ đợi “giành” miếng ăn trên miệng Thủy Thần.
Theo Sơn Bách
Vietnam+
Vietnam+