1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ông lão “mồ côi” mở đường qua chốn sình lầy

(Dân trí) - Để dân làng trong thôn khỏi bị ngã, trơn trợt trong mùa mưa, ông Nguyễn Văn Dục ở thôn Tường Vân (Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị) đã bỏ ra gần 20 triệu đồng mà ông tích cóp được để làm 3km đường đất đỏ.

Thời gian tới, ông dự kiến sẽ làm thêm 100m đường bê tông. Người dân thôn Tường Vân mang ơn ông, nhờ có ông, đường thôn, ngõ xóm... khang trang sạch sẽ hơn; bà con đi lại đỡ khổ hơn.

 

Chuyện xưa của ông lão “mồ côi”

 

Ông dặn tôi ngồi đợi trong căn nhà tình nghĩa do huyện Triệu Phong xây tặng, chờ ông ướp gia vị nồi cá kho, bắc bếp. Sau chén nước rót mời khách, ông nói đùa với tôi rằng bây giờ ông là ông lão “mồ côi” bởi vợ ông mất, con gái thì lấy chồng xa, mọi sinh hoạt hàng ngày ông đều phải tự lo.

 

Trầm ngâm một lúc, ông kể chuyện xưa: Ông tham gia cách mạng rồi được kết nạp Đảng năm 1948. Năm 1949, trong một đợt địch càn quét ráo riết, ông bị bắt, chúng đưa ông sang Đồn Cửa Việt giam một tuần rồi đưa lên đày ở nhà đày Lao Bảo.

 

Ông nhớ như in buổi sáng ngày 17/10/1949 năm ấy, khi xe chở ông và nhiều đồng chí khác đến một ngọn đồi rậm rạp cây rừng, ông nhào ra khỏi xe, lăn xuống đồi và ẩn nấp vào bụi rậm. Bọn địch tưởng ông đã chết nên sau một hồi tìm kiếm đã cho xe chở tù tiếp tục ngược lên Lao Bảo.

 

Chờ đêm đến, ông băng rừng về đồng bằng tìm cách liên lạc với cách mạng. Cứ đêm đi, ngày tìm bụi rậm trốn, hết hai tuần ông mới về được đồng bằng. Sợ bị lộ, ông về huyện Gio Linh làm nghề buôn muối một thời gian để che mắt địch. Đến cuối năm 1949, ông bí mật về lại thôn Tường Vân hoạt động cách mạng.

 

Địch mở nhiều đợt càn quét bắt bớ để lùng bắt ông, chúng đốt phá nhà cửa. Trước tình hình đó, ông được điều về C335 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Triệu Phong), đến năm 1954, ông được tập kết ra miền Bắc. Được một thời gian, ông được cử đi học lái xe và được phân vào đội xe vận chuyển trực thuộc Tổng cục Hậu cần với nhiệm vụ chuyên chở lương thực, vũ khí vào miền Nam.

 

Tháng 9/1964, ông xin về quê hương để tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đảm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND xã Triệu Vân, đến tháng 8/1968, ông bị địch bắt đem giam ở Lao xá Quảng Trị rồi sau đó chúng chuyển ông vào giam ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng rồi Sài Gòn.

 

Mãi đến tháng 3/1973, ông mới được trao trả tại tỉnh Tây Ninh. Đất nước thống nhất, ông lại được bầu làm Bí thư Chi bộ Đảng thôn Tường Vân rồi Chủ nhiệm HTX Tường Vân cho đến ngày nghỉ hưu...

 

Dừng câu chuyện như để nguội bớt dòng ký ức về tháng năm oanh liệt đang cuộn trào trong lòng, ông chậm rãi nói với tôi mà như nói với chính mình, rằng chuyện của ông là chuyện xưa, có thể lớp trẻ bây giờ không thích nghe, nhưng đó là năm tháng ông đã đóng góp máu xương cho quê hương. Bây giờ, nếu làm được việc gì đó dù là nhỏ nhất cho thôn, cho xóm ông cũng tự nguyện làm mà không cần ai phải ghi công hay biết ơn ông.      

 

Tích cóp lương hưu làm đường làng

 

Tôi chuyển hướng câu chuyện sang 3km đường đất đỏ cấp phối ra cánh đồng trồng lúa, nuôi tôm của thôn Tường Vân mà ông đã bỏ tiền túi ra làm, ông cười: Có gì to tát đâu, cũng chỉ là mấy xe đất đỏ rãi ra cho bà con trong thôn đi khỏi ngã về mùa mưa thôi.

 

Đường về thôn thì có Nhà nước làm rồi nhưng khoảng 3 km đường nối con đường đất đỏ chạy về thôn ra cánh đồng trồng lúa, nuôi tôm của thôn trước đây sình lầy nên nhiều người mỗi khi ra đồng thăm lúa, ra hồ tôm cho tôm ăn thường bị ngã do trơn trợt. Thấy thế, ông xin thôn được bỏ số tiền tích cóp từ tiền lương hưu ít ỏi hàng tháng của ông để mua đất đỏ đổ lên.

 

Được thôn đồng ý thế là ông bỏ tiền ra mua hàng chục xe đất đỏ để đổ cấp phối lên con đường lầy lội đó. Đường làm xong, khó mà nói hết niềm vui của người dân trong thôn bởi từ nay họ không còn lo ngay ngáy chuyện rớt xuống ruộng mỗi khi có việc đi qua đoạn đường này. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục làm thêm khoảng 100 đường bê tông qua những nơi thường bị sình lầy về mùa mưa trong thôn.

 

Dẫn tôi đi xem đoạn đường ông làm rồi chỉ cho tôi thấy đồng tôm đang vào vụ tôm mới với vẻ tất bật của người nuôi bên guồng máy xục khí tung nước trắng xóa giữa hồ, ông cứ tủm tỉm cười rồi kể cho tôi nghe chuyện nhiều người mang thức ăn ra cho tôm ăn, mải nhìn đến khi cả xe, cả người rơi xuống ruộng mới biết.

 

Sau câu chuyện vui như để làm quà, ông quay về căn nhà nhỏ của mình nằm ở giữ thôn Tường Vân. Cái dáng lưng cong cong với khuôn mặt phúc hậu khuất dần sau lũy tre, tôi biết ngày mai, ngày kia nữa ông sẽ tiếp tục góp nhặt từng đồng lương hưu của mình để làm thêm nhiều con đường mới qua chốn sình lầy quê ông.

 

Tôn Hiền - Hoài Lương