1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông giám đốc “hoá thần” trong lòng dân vạn đò

Ngày 16/9/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương mới ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông, nhưng ông không những đã anh hùng mà còn “hoá thần” đối với người dân thôn 14, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế từ rất lâu trước đó.

Bởi vậy ngày ông mất đột ngột vì tai nạn, người dân thôn 14 đã lập miếu thờ và coi ông như thành hoàng làng (!). Ông là Phan Thế Phương, nguyên giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên (nay là Sở Thủy sản Thừa Thiên - Huế).

Ông tổ nghề tôm

Phá Tam Giang miệt ngũ điền (6 xã thuộc hai huyện Phong Điền và Quảng Điền) dài hơn 30km, thế mà bắt đầu từ “km số không”, hỏi chuyện “miếu thờ ông Phương” là đã có người chỉ và kể tường tận. Điều này đủ biết ông Phương là người rất nổi tiếng ở vùng này dù ông đã qua đời 12 năm (!).

Chính ông Phạm Việt - người dân ở thôn 14, xã Quảng Công cũng rất ngạc nhiên với sự nổi tiếng của ông Phương. Ông nói: “Lạ thiệt, 12 năm rồi kể từ ngày bác Phương mất, năm mô cũng có một hai đoàn nhà báo về thôn 14 của tui để tìm hiểu viết bài”.

Ông Phạm Việt là một trong những người nuôi tôm đầu tiên, không những ở thôn 14 của xã Quảng Công, mà cả miền Trung. Đưa tôi dạo một vòng quanh căn nhà hai tầng khang trang toạ lạc ở đầu thôn, ông khoe đầy tự hào: “Nhờ tôm, nhờ bác Phương cả đó. Không chỉ riêng tui, mà cả thôn ni ai cũng khấm khá nhờ tôm, nhờ bác Phương”.

“Ngày xưa tụi tui ở đây cực lắm, cực đến trầy vi tróc vảy” - ông Phạm Việt chủ động đưa câu chuyện trở về thời điểm mấy chục năm trước, khi ông và nhiều người khác ở đây còn là cư dân vạn đò lênh đênh trên phá Tam Giang, và bị những người trên bờ gọi một cách đầy miệt thị là dân “nốt rụi” (tức những cư dân sống trên những chiếc đò nhỏ không có của nả gì).

“Sau cơn bão lịch sử năm 1985, tụi tui được chính quyền địa phương vận động lên định cư trên bờ. Lúc đó mỗi hộ dân vạn ở tạm bợ trong căn nhà bằng cọc tre nứa lá, dựng nổi trên mặt đầm phá, làm nghề câu cá, thả lưới, kiếm được bữa nào xào bữa đó. Nhà mô cũng đông con. Cuộc sống ba tháng no, bảy tháng đói, hai tháng đứt bữa. Bây chừ nhớ lại cảnh sống phiêu diêu ngày nớ, bầy tui vẫn còn rùng mình” - ông Việt nói.

Ông giám đốc “hoá thần” trong lòng dân vạn đò - 1
Từ một xóm định cư vạn đò nghèo rớt mồng tơi, thôn 14 đã thay da đổi thịt nhờ nuôi tôm.

Ông Nguyễn Bỉnh - Chủ tịch xã Quảng Công thời gian đó - kể: “Bác Phan Thế Phương khi ấy là Giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Trị Thiên. Sau cơn bão lịch sử năm 1985, chính bác Phương đã về đây bàn bạc cùng địa phương, đưa một số gia đình lên định cư lâu dài tại xã tui, rồi đặt tên là thôn 14 với 36 hộ dân đò”.

“Rồi lại chính bác Phương kiên trì gặp cán bộ xã chúng tôi, gặp cả dân nữa, dạy chúng tôi cách nuôi tôm trên đầm phá. Thay vì việc đánh bắt ăn sẵn lâu nay, bác đề nghị và hướng dẫn cách nuôi tôm trong hồ. Anh không biết chứ bác Phương vốn là Chủ nhiệm khoa Thuỷ sản Trường Đại học Nông nghiệp 1, rồi Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thuỷ sản Hải Phòng, do vậy những điều bác nói về nuôi tôm nghe có lý lắm, bà con đồng tình lắm”.

Ông Phạm Việt nhớ lại: “Từ đó, cứ ngày chủ nhật, là bác về với chúng tôi, xắn quần cùng bà con đào hồ, tháo nước, hướng dẫn kỹ thuật. Mà từ Huế về thôn 14 của tui đâu có gần. Hồi nớ chưa có đường về đến đây như chừ mô. Muốn về đây, bác Phương phải ra bến sông chợ Đông Ba, đi đò chợ mấy tiếng đồng hồ, về bến đò Cồn Gai, sau đó lại đi bộ cả giờ đồng hồ mới đến thôn tui. Rứa mà tuần mô bác cũng về hết. Bác là người ông, người thầy, và cũng chính là người khai nghiệp nuôi tôm cho cả vạn dân đầm phá này.

Trong lời ông Phạm Việt: “Bác Phương là vị giám đốc độc nhất vô nhị mà tui gặp.” Nói đoạn, ông khẳng định một cách giản đơn, dân dã: “Bằng chứng là từ ngày bác Phương mất, tui chẳng thấy có ông giám đốc sở thuỷ sản mô về đây hỏi han chi cả!”.

Ông Nguyễn Bỉnh tiếp lời: “Không những tuần mô cũng về đây, bác Phương còn đi vào Nam, mang ra cho chúng tôi tôm giống. Lúc đầu, chúng tôi nuôi không thành công, bác lại khuyến khích, lại cùng chúng tôi tìm kiếm nguyên nhân thất bại, rồi làm lại. Tui còn nhớ như in năm 1988, ngày vụ tôm đầu tiên thành công với hơn 2ha hồ tôm, bác Phương đã ôm chầm lấy từng người tụi tui mà khóc”.

Miếu thờ ông giám đốc

Từ hơn 2ha hồ tôm năm 1988, một năm sau, số diện tích hồ tôm ở thôn 14 tăng lên 20ha. “Thời điểm đó cả thôn 14 tui như ngủ mơ. Mà ngay cả có nằm mơ cũng chưa bao giờ mơ tới vì từ việc đánh bắt kiếm vài chục ngàn đồng một ngày, bỗng chốc tụi tui đem tôm ra nuôi và  một vụ thu lãi ba bốn chục triệu đồng” - ông Phạm Việt nhớ lại.

Đến năm 1989, sau thắng lợi bước đầu ở thôn 14, ông Phan Thế Phương tổ chức một hội nghị đầu bờ ở xã Quảng Công với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đến từ khắp nơi trong tỉnh. Và sau hội nghị đó, ông về triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm ở thôn 14 xã Quảng Công ra toàn tỉnh.

Phong trào nuôi tôm “bùng phát” rộng rãi khắp TT-Huế từ thời điểm đó và đến bây giờ, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, tổng diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh đến giữa năm 2009 đã lên đến hơn 4.000ha.

Nhiều năm qua, nghề nuôi tôm không những xoá đói giảm nghèo mà còn giúp trở thành triệu phú cho hàng ngàn hộ dân khắp các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc... đồng thời đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh hàng chục triệu USD mỗi năm.

Riêng tại thôn 14 xã Quảng Công, từ một xóm dân vạn đò định cư nghèo đói tả tơi, chỉ sau một vài vụ tôm thành công là người dân không những có của ăn của để mà nhà cửa mọc lên san sát như phố thị.

“Tụi tui có được như ngày hôm ni là nhờ công ơn của bác Phương cả đó. Nếu những năm đó mà bác Phương không về đây, không hướng dẫn cho chúng tôi nghề nuôi tôm thì không biết số phận của mấy chục hộ dân thôn 14 tui chừ ra răng” - ông Phạm Việt nói.

Ông giám đốc “hoá thần” trong lòng dân vạn đò - 2
Miếu thờ ông Phan Thế Phương trong khuôn viên hồ tôm của ông Phạm Việt.

Năm 1991, trong một lần công tác miền Nam, ông Phan Thế Phương đã bất ngờ bị tai nạn ô tô và mất tại tỉnh Bình Thuận. “Tin bác Phương mất về tới thôn 14 như một tiếng sét đáng ngang tai” - ông Phạm Hoá, một trong những người nuôi tôm đầu tiên ở thôn 14 “thời bác Phương” nhớ lại.

“Ngày đó, tui dẫn đầu đoàn thôn 14 đi đưa tang bác Phương. Đám tang bác được tổ chức ngay tại Sở Thuỷ sản tỉnh, người đông đời tui chưa từng thấy” - ông Phạm Việt kể.

Sau đám tang ông Phan Thế Phương, người dân thôn 14 bàn nhau lập miếu thờ ông Phan Thế Phương để có điều kiện thường xuyên hương khói và tưởng nhớ đến công ơn của ông. Miếu được xây ngay tại khuôn viên một trong những hồ tôm của ông Phạm Việt ngay chân phá Tam Giang, dù không lớn nhưng rất trang trọng.

Miếu thờ ông Phương Giám đốc đã trở thành một địa chỉ linh thiêng, để rồi vào ngày lễ tết, ngày giỗ ông Phương, không chỉ người dân thôn 14 xã Quảng Công mà còn có hàng ngàn người dân từ các xã sống nơi đầm phá, có khi tận các huyện Phú Vang, Phú Lộc lũ lượt đi về để được thắp cho ông một nén nhang, lầm rầm một đôi lời tạ ơn khấn nguyện.

Theo Tường Minh
Báo Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm