Thừa Thiên - Huế:
Ông cựu chiến binh “A lô”
(Dân trí) - Ở tuổi xế chiều, ngày ngày ông Hà Văn Vợt (khu phố 6, thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy) vẫn chạy xe máy khắp phường xóm để... “a lô” thông báo với bà con đủ mọi thông tin, từ lịch tiêm phòng, đóng thuế đất đến vận động sinh đẻ có kế hoạch...
Từ tiêm phòng đến sinh đẻ có kế hoạch
Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải Phòng, năm 1955, anh thanh niên Hà Văn Vợt hăng hái xin đi làm công nhân đường sắt tại các tuyến đường sắt huyết mạch đầy khói lửa: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Vinh… Đây là những tuyến đường quan trọng vận chuyển hàng hoá và các phương tiện phục vụ chiến tranh.
Trong chiến tranh đầy khói lửa và bom đạn của giặc những năm 1966-1967, ông Vợt không thể nào quên được chiến dịch Hàm Rồng, Thanh Hoá. “Lúc nửa đêm, cả tiểu đội đang hăng hái san lấp những hố bom giặc Mỹ thả xuống hồi chiều tại làng Đông Cát (Thanh Hoá) thì máy bay địch lại tiếp tục dội bom. Toàn bộ lực lượng lúc đó vừa phải chuyển đá vá đường, vừa cầm súng bắn máy bay. Sau gần 3 giờ chiến đấu, quân ta bị hy sinh hơn 20 người, số người sống sót lại vừa cứu chữa cho những người bị thương, vừa vác đá vá đường đúng thời gian cho chuyến tàu sớm đi qua” - ông Vợt nhớ lại.
Trận đánh tại núi Nhồi (phía nam thành phố Thanh Hoá) là trận đánh đau thương nhất. Khi tiểu đội 315 đang đóng tại khu vực gần đường Yên Thái (Thanh Hoá), giặc Mỹ ném bom bắn phá khiến cả tiểu đội hy sinh; chỉ mình ông sống sót do không chạy vào hầm trú ẩn. Ông đã chết lặng khi chứng kiến cái chết của 65 đồng đội, thấy mình đã mang một món nợ lớn.
Sau chiến tranh, năm 1981 ông Vợt cùng vợ con vào định cư tại tỉnh Thừa Thiên Huế rồi làm cán bộ thông tin tại thị trấn Phú Bài cũ (nay là phường Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ).
Và cái duyên đến với “nghề A lô” của ông cũng thật tình cờ. Ông Vợt nhớ lại: “Hôm đó hai vợ chồng tôi đang ngồi ở nhà thì có hai người bạn làm ở trạm y tế thị trấn đến tìm và nhờ tôi đi thông báo giúp lịch tiêm phòng cho trẻ em tại địa phương. Lúc đầu tôi cũng hơi ngần ngại vì hơi ngượng với công vệc mới này và cũng lo mình không làm được việc. Thử cầm tờ giấy đọc vanh vách cho hai người bạn và vợ tôi nghe, đọc xong thấy mọi người đều vỗ tay nên tôi vui vẻ nhận lời”.
Ngay trong buổi sáng hôm đó, ông Vợt chằng bộ loa cũ rích sẵn có trong nhà lên chiếc xe đạp đi khắp mọi nẻo đường trong thị trấn để thông báo lịch tiêm phòng cho các trẻ nhỏ. Thấy công việc thú vị ông về bàn với vợ lấy tiền tiết kiệm đi mua luôn bộ đồ nghề mới gồm: Một chiếc loa, một bình ắc quy, một bộ âm li và một chiếc micro hết hơn 1 triệu đồng.
Vậy là ngày ngày ông cứ vác xe đạp, chằng bộ loa phía sau đi một vòng khắp thị xã để thông báo lịch tiêm phòng, nộp thuế đất, vận động sinh đẻ có kế hoạch... Ông nhớ mãi lúc chị tổ trưởng tổ phụ nữ của phường nhờ ông đi tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình. “Lúc đó tôi thấy thấy ngượng nhưng rồi cũng nhận lời vì mình không làm thì cũng chẳng ai dám làm. Thế là tôi vừa đạp xe vừa thông báo khiến mọi người cứ nhìn tôi tròn cả hai mắt” - ông Vợt tủm tỉm kể lại.
Đam mê với việc “vác tù và hàng tổng”
Thấy ông Vợt làm tốt công việc “a lô” nên hầu hết các cơ quan trong thị trấn có việc cần thông báo đều nhờ tới ông. Giờ khắp cả thị xã Hương Thuỷ ai ai cũng biết đến ông Vợt với cái tên rất hóm hỉnh “ông Vợt A lô” và số điện thoại của nhà ông cũng được lưu ở các cơ quan trong thị xã.
Nghe mẹ gọi điện kể bố làm “nghề a lô”, 3 đứa con ông ở xa cứ điện về khuyên ông bỏ nghề vì tuổi đã cao, nhưng ông Vợt không nghe. Ông nói công việc này giúp ông rèn luyện sức khoẻ hàng ngày. Thương bố, đứa con út gửi về cho ông chiếc Honda Cub để thuận tiện cho việc đi lại.
Hơn 10 năm đi thông tin cho người dân, ông Vợt chỉ cần nghe qua điện thoại là có mặt; chỉ cần đọc qua thông báo một lượt là đã thuộc làu. Mỗi lần đi thông báo ông được trả công từ 30.000 - 50.000 đồng. “Tôi làm việc này không phải để kiếm tiền mà để rèn luyện sức khoẻ và cũng để giúp dân, trả nợ đời”, ông Vợt tâm sự.
Những ngày này, không khí kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đang rộn ràng khắp nơi, ông Vợt lại lấy những tấm huân, huy chương do nhà nước phong tặng ra lau chùi cẩn thận và nhớ về những ngày chiến đấu cùng đồng đội, nhớ về 65 người đã hy sinh cho mà mình ông được sống. Rồi ông quay sang bên người vợ nói: “Bà nhớ đi chợ chuẩn bị đồ lễ để tôi cúng đồng đội!”.
Ngọc Thụ - Đại Dương