1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông cụ 77 tuổi rong ruổi khắp đường phố xin quần áo cho người nghèo

(Dân trí) - Hơn 3 tháng nay, nhiều người dân Đà Nẵng đã khá quen thuộc với hình ảnh một ông già đi xe máy kéo theo một cái thùng nổi bật với dòng chữ: “Cũ cho - sạch cho. Người cần dùng lấy dùng”. Đó là ông đang đi gom quần áo cũ cho những người nghèo.

Ông là Nguyễn Công Long (77 tuổi, trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Với quan niệm “cũ người, mới ta”, hàng ngày, ông cụ rong ruổi trên những tuyến đường gom quần áo cũ cho người nghèo, như một chiếc cầu nối gắn kết tình thương yêu giữa người cho và người nhận.

Ông Long cho biết, trước đây ông làm tài xế xe tải. Sau này già yếu, không đủ sức khỏe nữa nên ông xin làm bảo vệ ban đêm cho một công ty tư nhân.

Hàng ngày, ông Long đi khắp các tuyến đường để xin quần áo cho người nghèo
Hàng ngày, ông Long đi khắp các tuyến đường để xin quần áo cho người nghèo

Không phải lúc về già rồi ông mới nghĩ đến chuyện làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Trước đây, khi làm tài xế, ông cũng cùng vợ mình thường xuyên đi phát cơm từ thiện tại các bệnh viện và giúp đỡ trẻ em bị bệnh tật.

"Bây giờ già yếu, làm không ra tiền như trước nữa nên tôi mới nghĩ ra cách này để đi kêu gọi quyên góp giúp đỡ cho người nghèo", ông Long trải lòng.

Từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có quần áo mặc, trong khi đó nhưng gia đình có điều kiện lại bứt vỏ những đồ còn dùng được. Ông đã nghĩ ra cách này để những thứ đồ còn dùng được không bị vứt bỏ lãng phí mà những người nghèo lại có quần áo tốt để mặc.

Với quan niệm cũ người, mới ta, ông Long là cầu nối gắn kết yêu thương giữa người cho và người nhận
Với quan niệm "cũ người, mới ta", ông Long là cầu nối gắn kết yêu thương giữa người cho và người nhận

Ông quyết định bỏ tiền sắm chiếc xe kéo rong ruổi khắp đường phố gom quần áo cũ rồi chở đến các gia đình, các địa phương còn nghèo khó (chủ yếu là tỉnh Quảng Nam) hay các trung tâm bảo trợ xã hội để trao tận tay cho những người cần.

Mỗi ngày ông đi vòng qua nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng và cứ đến một địa điểm cố định như phía đuôi cầu Rồng, Công viên 29/3, đầu đường Phan Chu Trinh thì ông dừng lại khoảng 30 phút để chờ các nhà hảo tâm mang áo quần đến. Nếu ai có áo quần cũ ủng hộ cho người nghèo nhưng không mang đến được, chỉ cần gọi điện là ông lập tức đến tận nơi để nhận.

Một người dân đến góp quần áo cũ
Một người dân đến góp quần áo cũ

Sợ người nhận mặc cảm nên quần áo sau khi thu gom về, ông Long đều giặt giũ sạch sẽ rồi xếp cẩn thận vào những chiếc túi ni lông trước khi đưa đến tay họ. Những đồ nào quá cũ không mặc được nữa thì ông bỏ ra.

“Người nghèo họ cũng có lòng tự trọng của họ. Mình tặng quần áo cũ nhưng phải làm như thế nào để khi nhận, họ cảm thấy vui, họ không thấy tự ti”, ông Long nói.

Theo ông Long, trước khi chở quần áo đến các địa phương, ông sẽ đi “tiền trạm” trước đó một ngày để khảo sát xem bà con cần bao nhiêu bộ đồ, loại gì, kích cỡ thế nào, độ tuổi, giới tính… Sau khi gom đồ, ông sẽ chọn những bộ theo yêu cầu của họ để khi ông mang đồ đến, mọi người sẽ lấy hết. "Chứ lấy không hết, bỏ tùm lum thì tôi buồn lắm", ông nói.

Nụ cười hạnh phúc của ông Long khi giúp được những người nghèo
Nụ cười hạnh phúc của ông Long khi giúp được những người nghèo

Công việc này như một niềm vui của ông ở tuổi già nên cả vợ và các con ông đều đồng tình ủng hộ. Những lúc cần, con cái ông cũng phụ giúp ông chuyển quần áo đến cho người nghèo. Với đồng lương bảo vệ ít ỏi 3 triệu đồng/tháng, ông trích hơn một nửa để đổ xăng, sửa xe.

Việc làm của ông, tấm lòng của ông ngày càng nhiều người biết và lan tỏa nên nhiều người đã tìm đến ông để góp quần áo.

Mỗi ngày ông đi vòng qua nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng và cứ đến một địa điểm cố định, ông lại dừng lại khoảng 30 phút để chờ các nhà hảo tâm mang áo quần đến
Mỗi ngày ông đi vòng qua nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng và cứ đến một địa điểm cố định, ông lại dừng lại khoảng 30 phút để chờ các nhà hảo tâm mang áo quần đến

“Nhìn hình ảnh ông cụ chạy xe trên các tuyến phố để xin quần áo cho người nghèo thật là ấm lòng, mình cũng muốn góp. Nhà mình cũng không giàu có gì nhưng có một số đồ cũ không dùng đến nên hôm nay đưa ra đây để ông cụ chuyển đến những người cần dùng”, chị Nguyễn Phương Thảo (trú quận Hải Châu) chia sẻ.

Với mong muốn tấm lòng trao đi, nụ cười ở lại, ông Long hy vọng không chỉ là người nghèo mà bất kỳ ai thiếu đều có thể đến đây để lấy quần áo.

Chia sẻ về thời gian sắp tới, ông cụ cho hay: "Chừng này tuổi rồi không biết còn sống được bao lâu nữa, nhưng hễ còn người nghèo cần quần áo và còn có người cho quần áo thì tôi vẫn tiếp tục việc làm của mình cho đến khi nào không đi nổi nữa mới thôi”.

Khánh Hồng