1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông Bộ trưởng kỹ trị

Hơn 20 năm trước, tại trường Đại học Kỹ thuật Ilmenau (Cộng hòa dân chủ Đức), một nghiên cứu sinh Việt Nam dù chưa hoàn thành luận án vẫn được tất cả mọi người gọi là Tiến sĩ, nghiên cứu sinh đó khi ấy trở thành thần tượng của tất cả những lưu học sinh tại Đức. Hai mươi năm sau...

1/ Nhìn bề ngoài, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá trông giống một thầy giáo hơn là một chính khách. Trong Chính phủ, ông Tá là một trong số hiếm hoi những bộ trưởng được đào tạo chính quy tại một trường đại học kỹ thuật danh tiếng trên thế giới với bằng Tiến sĩ khoa học.

Ông cũng là một bộ trưởng đặc biệt khi trước đó chính ông là người được giao xây dựng đề án đưa một tổng công ty 91 (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) lên thành một bộ quản lý ngành trên cả nước. Năm 2004 ông Tá còn “nổi tiếng” là một bộ trưởng có những phát biểu “không giống ai” và gây ra nhiều tranh cãi.

Vào lúc vấn đề thanh tra tại Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (những việc từ thời ông Tá còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) nóng bỏng nhất, khi một nhà báo phỏng vấn ông Tá rằng: "Vì sao ông biết là sai quy định (việc chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp tới 47,8% tổng giá trị các gói thầu) nhưng vẫn để cho cấp dưới làm sai có hệ thống?”, ông Tá vẫn trả lời: "Chúng tôi thấy sai quy định nhưng vẫn cứ làm bởi vì việc phải làm như vậy, không nên làm khác, không thể làm khác”.

Thế nhưng đó không phải là câu nói duy nhất kiểu đó ông Tá phát biểu, ông Tá còn nói nhiều câu khác khiến nhiều người phải giật mình. Một người bạn của ông Tá thì chép miệng, bình luận: "Đó đâu phải là những câu nói của một bộ trưởng, đó là câu nói của một ông thầy giáo kỹ thuật”. Ông này kết luận: "Các vấn đề chính trị rất khác với các vấn đề kỹ thuật nhưng...”.

2/ Trước khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, từ thời còn làm phó tiến sĩ tại trường Đại học Kỹ thuật Ilmenau (Cộng hòa dân chủ Đức), ông Tá đã nổi tiếng là sinh viên số 1 của trường. “Lý thuyết về tai biến trong các hệ thống động” là đề tài cho luận văn tiến sĩ khoa học của ông Tá  từ năm 1981-1985. Đây cũng là điểm khiếm khuyết trong cuốn sách giáo khoa đã được tái bản tới 9 lần của vị giáo sư hướng dẫn ông Tá.

Ông Tá nhận định, trong bất kỳ một hệ thống nào đều có các giá trị ổn định và các giá trị không ổn định và có một vùng ranh giới. Chỉ cần lựa chọn một tham số không đúng thì hệ thống sẽ từ vùng ổn định sẽ chuyển sang vùng không ổn định (vùng nhiễu). Ông Tá tin rằng mình có thể chứng minh được và vẽ được đường ranh giới bằng đồ thị. Thế nhưng khi làm thí nghiệm thì kết quả có lúc đúng với nhận định của ông Tá, có lúc lại đúng với sách của ông thầy.

Để làm sáng tỏ vấn đề, ông Tá lao vào nghiên cứu thêm về Toán. Suốt 2 năm trời ông đọc bất cứ sách về Toán nào mình gặp có liên quan đến vấn đề nghiên cứu và lao vào làm thí nghiệm như một người điên. Trường Đại học Kỹ thuật Ilmenau lúc đó chỉ có duy nhất một máy tính cỡ lớn mà tối nào cũng bị “thằng ta” chiếm giữ tới tận 2h sáng để tính toán.

Vào thời gian đó, ông Tá bị đề tài ám ảnh đến mức mọi người tưởng ông Tá bị điên. Cho đến ngày ông Tá tìm ra mô hình và vẽ được đồ thị mọi ngưới mới tin “thằng Tá” đúng.

Trong một hội nghị khoa học tại Bungari, ông Tá dù không được tham dự vẫn quyết định gửi đề tài nghiên cứu của mình công bố tại hội nghị về một mô hình lý tưởng (về toán học) nhưng không có ứng dụng lý tưởng (về kỹ thuật). Tại hội nghị đó, Giáo sư Kavami – một giáo sư toán học hàng đầu tại Nhật Bản của Trường Đại học Tổng hợp Tokyo - đã chỉ trích công trình của ông Tá dữ dội.

Thế nhưng, sau khi về nước và nghiên cứu lại, Giáo sư Kavami có một cách nhìn nhận khác. Cũng chính vì lý do này mà Giáo sư Kavami đã sang tận Đại học Kỹ thuật Ilmenau quỳ xuống để xin lỗi ông Tá (theo kiểu Nhật) về sự thiếu hiểu biết do chưa học về kỹ thuật mà chỉ biết về toán học.

Giáo sư Kavami đã quyết định về Nhật học thêm bằng đại học về kỹ thuật điện để sửa chữa sai lầm. Tại Đại học Tổng hợp Tokyo, người ta đã được chứng kiến một chuyện lạ đời khi một giáo sư về Toán học lại quyết định đi học lấy bằng đại học về kỹ thuật điện.

Vào thời kỳ đó, ông Tá là thần tượng của các lưu học sinh tại Đức. Mỗi khi cãi nhau không được với các sinh viên Đức, các lưu học sinh bí quá cứ lấy “thằng Tá” ra so sánh. Hội chứng “thằng Tá” lan ra khắp nơi cả tới những nơi ăn uống, bán hàng. Ông Tá được mọi người gọi là Tiến sĩ Tá dù chưa bảo vệ luận án.

Bà bán hàng gần nơi ông Tá ở rất quý ông, bà luôn để sẵn thịt ngon, gạo ngon để gọi và đưa cho ông Tá từ sáng sớm chứ không bắt ông Tá phải xếp hàng như những người khác. Vào thời kỳ đó, tại Cộng hòa dân chủ Đức, gần như mọi thứ vẫn phải mua bằng chế độ tem phiếu và phải xếp hàng như ở Việt Nam thời bao cấp.

Trước khi xảy ra “sự cố” tại VNPT, ông Tá luôn cho rằng cách nhìn đúng khi xử lý một sự việc là đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Thế nhưng sau khi gặp không ít chuyện phiền phức, ông Tá mới nhận ra rằng điều đó chỉ đúng khi ông là một nhà kỹ thuật mà thôi.

Một điều thú vị khác là ông Tá đã được vinh danh tại Đức với luận án “Lý thuyết về tai biến trong các hệ thống động” nhưng khi trở thành Bộ trưởng thì lại gặp “tai biến” ở VNPT...

3/ Khi còn đi học không bao giờ ông Tá nghĩ mình sẽ làm trong ngành bưu điện. Năm 1965, trong khi vừa làm vừa học để chuẩn bị thi đại học thì Nhà nước bỏ thi đại học, ông Tá nộp đơn vào Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp. Có lẽ do luôn học giỏi môn Sử ở trường phổ thông nên ông Tá được nhận vào Khoa Sử Đại học Tổng hợp và theo học môn Khảo cổ học.

Thế nhưng mới học được vài ngày thì Trường Đại học Thông tin liên lạc lúc đó mới được thành lập lại sau mùa tuyển sinh, không có sinh viên nên xin mỗi trường vài sinh viên về học trong đó tình cờ lại có Đỗ Trung Tá.

Khi nghe tin loáng thoáng là Tá sẽ học bưu điện, mẹ Tá nhất quyết không cho đi học. Nguyên nhân là ông bưu tá ở xã là người xấu nhất làng lại rất hay đánh vợ, nhiệm vụ là đi đưa thư thì không đưa mà giấu thư của người ta hàng tháng trời mới đưa đến nỗi suýt bị đi tù. Trong con mắt của bà mẹ Đỗ Trung Tá, “bưu điện” là cái bọn không ra gì, không nên học.

Nhưng rồi ông Tá cũng tìm cách nói dối mẹ để nhập học và chính thức trở thành sinh viên phổ thông đầu tiên của Trường Đại học Thông tin liên lạc, các sinh viên cùng thời với Tá lúc đó đều là cán bộ đi học.

4/ Nhìn ông Tá, không ai nghĩ trước đây ông đã từng là nông dân. Thế nhưng ông Tá đã từng là nông dân thật mà còn là người nông dân xuất sắc. Năm 1964, trong thời gian chờ thi đại học, ông Tá về nhà làm ruộng và nổi tiếng là một nông dân làm việc chăm chỉ.

Thậm chí ông có được Bí thư Trung ương Đoàn lúc đó là ông Vũ Quang tặng bằng khen “Kiện tướng làm phân” về thành tích làm phân xanh – một vinh dự rất lớn đối với một thanh niên như ông Tá thời kỳ đó:  khắp nơi trong làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Đông) chỗ nào cũng có ụ phân xanh của “thằng Tá”.

Cho đến tận bây giờ ngồi nói chuyện với người thân hoặc bạn bè, khi cao hứng ông Tá vén áo đến sát nách và quần lên tận bẹn dù trời thì không nóng chút nào...

Năm 1970, khi mới tốt nghiệp đại học, ông Tá được cử đi thi nghiên cứu sinh ngay. Hiệu trưởng trường Đại học thông tin liên lạc thời đó phê trong hồ sơ: "Đây là đối tượng cần được bồi dưỡng sớm”. Hơn 3 tháng trời lên Hà Nội ôn thi thì có tới gần 1 tháng ông Tá phải nằm liệt giường trên gác xép ở nhà của một cô cháu gái cạnh nhà xác ngõ Vạn Kiếp của bệnh viện Cuba  vì bị kiết lị.

Hơn 2 tháng còn lại, trong giờ thì ông Tá học ở thư viện, trưa và tối thì học ở công viên hoặc ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội hiện nay). Sáng nhịn đói, trưa chỉ ăn một đĩa lạc và một cốc chè tươi; 10 giờ tối, ông Tá mới về nhà ngủ bởi ở gác xép trên có mái tôn rất nóng.

Thế nhưng đến khi đi thi nghiên cứu sinh, ông Tá vẫn đỗ cao nhất miền Bắc dù môn Toán chép nhầm đề nên chỉ được 8,5 điểm. Cho đến tận bây giờ, chè tươi vẫn là món yêu thích của ông Tá vì ông tin rằng đây là loại chè có lợi cho trí óc.

5/ Năm 1995, khi ông Tá lên giữ chức Chủ tịch  Hội đồng quản trị VNPT, khi về thăm quê, ông Tá có tặng ông Chủ tịch xã đã về hưu một gói mực khô (quà ông Tá mới đi Quảng Ninh về). Ông Chủ tịch xã bỏ mực ra, vuốt cẩn thận lại tờ báo bọc mực để cất đi, hỏi ra mới biết ở làng không có báo đọc nên ông mới quý tờ báo như vậy. Mỗi lần về quê thăm nhà, ông Tá đều biếu sách báo cũ cho bà bán quán nước gần nhà.

Hàng tháng sau, ông Tá về vẫn thấy sách báo còn đó, bà chủ quán bảo để đó để cho mọi người đọc bởi ở đây đâu có sách báo gì. Ông Tá nghĩ: "Tại Hà Tây mà người dân còn lạc hậu về thông tin như vậy thì trên các vùng sâu vùng xa khác, bà con nông dân còn bị thiệt thòi đến mức nào?”.

Sau đó, ông Tá cùng bàn với Ban cán sự VNPT thành lập các điểm Bưu điện Văn hóa xã trên toàn quốc tại các xã đặc biệt khó khăn giúp cho người dân có thể được đọc sách, báo, tạp chí, tra cứu các văn bản miễn phí. Bưu điện văn hóa xã cũng là nơi tập trung các sinh hoạt văn hóa của dân cư tại xã, đồng thời cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ người dân.

Thế nhưng trước khi chủ trương này được thông qua và các bưu điện văn hóa xã chính thức được thành lập năm 1997, không ít ý kiến cho rằng đây là một hành động “ném tiền qua cửa sổ”. Cho đến nay, khi số điểm bưu điện văn hóa xã đã lên tới có số hàng nghìn trên toàn quốc với doanh thu hàng tháng trung bình là 2 triệu đồng đảm bảo đủ bù đắp chi phí và đem lại những lợi ích xã hội vô cùng to lớn, người ta mới có cái nhìn nhận thực sự đúng đắn về mô hình này.

6/ Chuyển từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT sang Bộ trưởng BCVT, cuộc sống chính trị của ông Tá có sự thay đổi lớn: từ chỗ quản lý một tổng công ty 91 sang quản lý một ngành kinh tế trên cả nước. Sự thay đổi với ông Tá dường như quá khó khăn đặc biệt là việc cân đối giữa lợi ích riêng của ngành Bưu chính viễn thông và lợi ích chung của toàn xã hội.

Tòa nhà 18 Nguyễn Du, biểu trưng cho quyền lực tuyệt đối của VNPT trước đây trở thành biểu tượng chung cho quyền lực của cả Bộ BCVT (cơ quan quản lý nhà nước) và VNPT (công ty độc quyền nhà nước).

Điều thú vị là Ban cán sự của VNPT trước đây được tách làm 2 (Bộ BCVT và VNPT) nhưng lại vẫn ngồi chung trong tòa nhà 18 Nguyễn Du (VNPT hiện đã chuyển trụ sở khỏi 18 Nguyễn Du). Thậm chí những vị trí chủ chốt nhất như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT và Tổng giám đốc đều ngồi chung một tầng trong tòa nhà.

Khi chúng tôi hỏi ông Tá: "Trước đây nhiều năm ông đã làm ở VNPT nay sang Bộ nhưng lại vẫn ngồi cùng một nhà với VNPT, liệu ông có thể công bằng trong các quyết định của mình không?”, ông Tá trả lời: "Cái đó cũng là một suy nghĩ bình thường thôi, ai cũng nghĩ như vậy.

Nói về mặt tình cảm thì ai cũng có cơ quan đầu tiên của mình nên việc có tình cảm thì không thể nói là không có. Nhưng mà các cụ xưa đã nói rồi: "Thương em anh để trong lòng còn việc quan thì cứ phép công anh làm”. Cũng vì thế mà không phải những việc mình làm khi sang Bộ, VNPT đều thích cả nhưng đã trở thành người cầm cân nảy mực thì phải theo pháp lệnh mà làm thôi”.

Một người trong ngành nhận xét: "Trái tim, lý trí của ông Tá từ lâu đã thuộc về VNPT, khi làm Bộ trưởng thì lý trí của ông Tá thuộc về Chính phủ. Nhưng ông Tá hành động theo tiếng gọi của con tim hay lý trí thì phải xem những việc ông Tá làm mới biết được”. Còn bạn, thưa bạn đọc, bạn nghĩ sao?

Theo Hoàng Ly
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm