Ông bộ trưởng đầu tiên “xúi” dân đi kiện
Ông Mai Ái Trực là Bộ trưởng đầu tiên “xúi” dân đi kiện. Ấy là kiện những công chức ngành Tài nguyên môi trường nào mà sách nhiễu, hoạnh họe dân...
Ông kêu gọi: “Hãy kiện họ thay vì đút tiền cho họ”. Ông cũng là thành viên Chính phủ có vóc dáng nhỏ bé nhất nhưng quản lý lĩnh vực rộng lớn nhất: Đất, nước và không khí.
Hồi cuối năm 2003, khi đến dự lễ ra mắt Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội có một chuyện làm chúng tôi thắc mắc. Ở bãi đậu xe, bên cạnh chiếc BMW thế hệ 3 láng cóng của một Phó Ban giải phóng mặt bằng thành phố là chiếc Camry 2.2 cũ mà Bộ trưởng Mai Ái Trực vừa bước xuống - ông mới nhận chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được hơn một năm. Nhưng có lẽ chúng tôi cũng quên đi chuyện ấy nếu không tình cờ nhìn thấy, đến tận giờ ông vẫn đang đi chiếc xe đó.
Vẫn tiếp chuyện về xe, ông kể: “Bộ Tài chính đã cấp tiền mua xe nhưng mình bảo thôi vì thấy xe cũ vẫn còn đi tốt”. Chúng tôi càng thắc mắc: “Ông quyết làm thế thì làm sao anh em cấp dưới dám đi xe mới, đẹp hơn xe của ông ?”. Ông Trực đáp : “Mình bảo anh em cứ xe đúng tiêu chuẩn mà đi. Từ ngày mình còn làm Bí thư cũng vậy”.
Nhiều cán bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, gặp Bộ trưởng rất dễ, rất thoải mái nhưng “ngán” nhất khi ông sửa văn bản và nghe báo cáo công việc. “Bộ trưởng kỹ tính lắm”, một chuyên viên nhận xét.
Phòng làm việc của Bộ trưởng Mai Ái Trực chính là phòng của Tổng cục trưởng Địa chính (cũ) đã nghỉ hưu. Nó gần như hoàn toàn không có thay đổi gì kể từ cách bài trí đến các vật dụng, ngoại trừ chiếc máy tính được đặt gần bàn làm việc luôn online và cái giá sách chật chội hơn.
Bản tính “đơn giản” nhưng “kỹ” của ông Trực có lẽ vì ông vốn là một giáo viên, mà lại là giáo viên dạy Văn, rồi là một nhà báo chuyên nghiệp. Ông Trực tâm sự: “ Hồi học trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông bây giờ), mình học ban toán. Tốt nghiệp phổ thông gặp lúc ta đang cần đào tạo cấp tốc giáo viên cho vùng giải phóng (năm 1965), do nhiều anh em ngại đăng ký dạy Văn nên mình nhận”.
Các nhà báo “khoái” phỏng vấn ông không chỉ vì lĩnh vực ông quản lý lúc nào cũng “nóng bỏng tay” mà còn vì “khoái” cách trả lời của ông, lúc nào cũng thẳng thắn và đầy trách nhiệm.
Lần đầu tiên đề nghị ông trả lời phỏng vấn về Luật Đất đai (đang soạn thảo) khi ông vừa mới về “tiếp quản” Bộ Tài nguyên - Môi trường, chúng tôi nghĩ có thể ông sẽ từ chối như cách của những người tiền nhiệm đã làm “vì vấn đề quá nhạy cảm”. Thế nhưng, ông đã mau chóng nhận lời. Và cuộc đối thoại đã “bày” trên mặt báo tất cả những gì được gọi là nóng bỏng nhất về đất đai lúc đó, thậm chí cả câu chuyện nhạy cảm như vấn đề sở hữu đất đai.
Có lẽ ông cũng là Bộ trưởng đầu tiên đã xuống tận phường, xã nghe ý kiến của từng người dân góp ý cho dự thảo Luật Đất đai. Ông Trực cũng là Bộ trưởng đầu tiên “xúi” dân đi kiện. Ấy là kiện những công chức ngành Tài nguyên môi trường nào mà sách nhiễu, hoạnh họe dân. Ông kêu gọi: “Hãy kiện họ thay vì đút tiền cho họ”. Ông muốn lập lại kỷ luật hành chính trong lĩnh vực đất đai vốn gắn nhiều với quyền lợi người dân mà cũng đang có không ít tai tiếng này.
Tại kỳ họp cuối năm vừa rồi, không ít đại biểu Quốc hội đã “cướp” diễn đàn khen ngợi sự quyết liệt của Luật Đất đai, Nghị định 181 và cá nhân ông Trực. Thế mà ông vẫn chưa thật vui vì “còn nhiều việc phải làm lắm để Luật Đất đai đi vào cuộc sống”.
Cũng có người cho rằng, ông dùng “liệu pháp sốc” quá sớm, họ lấy sự nguội lạnh của thị trường bất động sản hiện tại ở nơi này, nơi khác để đổ lỗi cho Nghị định 181 mà ông là người chủ trì soạn thảo. Ông bảo: “Muốn giá đất chững lại và giảm xuống mức hợp lý thì đó là sự hạ nhiệt cần thiết và thị trường bất động sản sẽ phải đi dần vào thực chất. Hàng hoá khác bán không được thì hư hỏng, còn đất đai thì không sao, vẫn còn đó. Người dân không có gì phải lo. Có lo chăng chỉ là những anh đang đầu cơ đất đai mà thôi”.
Hộ khẩu đòi nhà đất, nhà đất đòi hộ khẩu - hiện trạng này ở một số thành phố lớn đã được bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khái quát một cách hình ảnh tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, rằng đó là hai đường thẳng song song, không bao giờ gặp nhau được cả.
Quy định như thế thực ra là để đánh đố người dân. Đại biểu Quốc hội chất vấn, ông Mai Ái Trực quả quyết: “Bộ Tài nguyên - Môi trường không hề có văn bản nào quy định như vậy”.
Ông Mai Ái Trực phân tích rằng, thực tế cho thấy không hạn chế được dòng người nhập cư. Hạn chế người nhập cư phải bằng nhiều biện pháp đồng bộ như xây dựng đô thị vệ tinh, công nghiệp hoá nông thôn, giải quyết việc làm tại các địa phương...mà những vấn đề này, riêng Hà Nội thì không thể giải quyết được.
Cuối cùng, ông Trực yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai. Câu chuyện nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà đã có lối ra. Ngay sau đó, một tờ báo đã giật một tít lớn như reo vui: “Làm người thành phố đã dễ hơn”.
Ông Trực là như vậy, đơn giản trong cuộc sống và thật khó tính trong công việc. Tất cả những ai muốn trao đổi công việc, thậm chí tố cáo một cán bộ thuộc quyền ông quản lý đều có thể liên lạc được với ông. Bởi lẽ, ông cũng là một trong số ít bộ trưởng công khai địa chỉ email của mình: mtruc@monre.gov.vn để tiếp nhận tất cả thông tin mà mọi người phản ánh.
Theo An Nguyên
Báo Tiền phong