1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Bí thư Tỉnh ủy thích đi xe máy

Vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ông Huỳnh Văn Be vẫn tự chạy xe máy đi làm. Ba năm làm Chủ tịch UBND tỉnh và những năm làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre, ông vẫn sớm hôm nắng mưa cùng nhân dân qua phà.

Gần gũi dân hàng ngày, ông thường suy nghĩ điều gì?

 

Tôi chú ý lắng nghe dân nói để biết thêm những chuyện không có trong các báo cáo. Chuyện làng chuyện xóm rất cụ thể, qua đó gợi cho tôi những chủ trương đáp ứng nguyện vọng của dân.

 

Chục năm trước ở ấp Đồng Nhơn, xã Lương Qưới (Giồng Trôm) có chàng trai trẻ Lê Thành Thân làm nghề thiến heo. Đi lại trên con đường sình lầy nên bàn với bà con vận động dân góp tiền làm đường xi măng.

 

Dài 400 mét, rộng 6 tấc nhưng là một hình ảnh quá mới mẻ ở nông thôn Bến Tre lúc đó. Làm xong sợ xã bắt lỗi “vận động dân bất hợp pháp” nên đi xin lỗi.  

 

Cán bộ xã kêu lên: “Mừng quá chứ lỗi lầm gì”. Cán bộ huyện biết, kéo về xem, thưởng cho ấp một cái tiệc nhỏ mà vui nổ trời. Điều kiện tự nhiên của Bến Tre rất điển hình cho ĐBSCL, đến nay vẫn bị cách biệt với cả nước bởi những con sông lớn bao quanh. Bí thư Huỳnh Văn Be nhớ lại:  

 

Bàn cãi nhiều mới đi đến quyết tâm không chờ đợi mà vận động dân làm giao thông nông thôn nhưng cách làm lại bàn cãi: Nhà nước quản lý hay để dân tự quản? Để dân tự quản thì sợ thất thoát, lại là tư duy của cán bộ: Tin dân hay không tin?

 

Tỉnh ủy Bến Tre quyết định: Để dân tự quản. Xin Trung ương 20 tỷ đồng làm “vốn mồi” nhen nhóm phong trào và đến cuối năm 2005.  

 

Xứ cù lao chằng chịt sông rạch đã có đường ô tô đến trung tâm 158/160 xã, gần 60% đường lớn nhỏ ở thôn ấp được tráng nhựa hoặc xi măng, trở thành điểm sáng huy động sức dân ở ĐBSCL.

 

Bí thư Huỳnh Văn Be tâm tình: Giữa lúc đói nghèo biệt lập, tổ chức đáp ứng khát vọng nhiều đời của dân nên tập hợp được lòng người. Từ chuyện làm đường tiến đến bàn chuyện làm ăn, tạo dựng con đường cho cán bộ về với dân lo toan công cuộc đổi mới.  

 

Chỉ thời gian ngắn, Bến Tre ra đời hàng nghìn doanh nghiệp dân doanh, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài để có kim ngạch xuất khẩu mỗi năm gần 100 triệu USD.  

 

Bến Tre còn thu hút được hơn 300 kỹ sư thủy sản, kỹ sư xây dựng ở các tỉnh, thành phố khác về công tác.  

 

Cuộc đời hoạt động của ông gắn bó với quê hương Đồng Khởi, từ thuở mới 15 tuổi đi theo cách mạng cho đến nay sau nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy, quê hương cũng đã có nhiều đổi thay, vậy còn điều gì đang khiến ông lo lắng?

 

Lo nhất là lòng dân không yên! Tôi kể nhà báo nghe câu chuyện thế này. Nhiều lần qua phà tôi thấy một bà cụ gánh thuốc nam đi bán.  

 

Một lần, bà đến gần tôi nói: Bà muốn xin một căn nhà tình nghĩa và anh em lái phà chỉ cho đến gặp tôi. Tôi thật bàng hoàng, hóa ra bà là mẹ liệt sỹ đã 82 tuổi ở xã Thạnh An (Mỏ Cày) đang sống rất nghèo khổ. Đấy, có cả hệ thống chính trị tận cơ sở mà vẫn thiếu sót như thế. Chưa kể những khuất lấp dễ làm dân bất bình.

 

Ông lấy vợ năm 1970 khi bà là cô tiểu đội trưởng súng cối xinh đẹp 18 tuổi. Hòa bình thì bà phục viên, lo việc nhà cho ông công tác. Bà nuôi heo giỏi có tiếng ở Mỏ Cày, mỗi năm xuất chuồng hơn chục tấn heo thịt và có tiền là bà gương mẫu đóng góp vào các chương trình xã hội do ông khởi xướng.  

 

Bà lẫn giữa những người phụ nữ giỏi giang của quê hương Đồng khởi cũng như căn nhà mái ngói cũ kỹ của ông bà không hề nổi trội ở địa phương. Con trai, con gái của ông bà đều chăm chỉ học tập, lớn lên tự lập và đều phương trưởng.

 

Ông đã phóng xe máy hòa vào dòng người đông đúc, tôi nhìn theo không còn phân biệt được Bí thư Tỉnh ủy với người dân trên con đường rợp bóng dừa.  

 

Khi ông chạy xe máy thì cán bộ của cả tỉnh không ai dám dùng xe công đưa rước hàng ngày. Có vị Phó chủ tịch UBND tỉnh nhà ở dưới huyện xa cơ quan gần hai chục cây số vẫn tự chạy xe máy đi làm. Một lần tôi được nghe ông bộc bạch:

 

Bến Tre còn nghèo quá, mỗi cán bộ gắng tiết kiệm một ít để có cái lo cho dân, làm cuộc Đồng khởi mới.

 

Lẽ vì dân cụ thể, giản dị. Đó cũng là mục tiêu cao cả của các cuộc Đồng khởi xưa lẫn nay, hiển hiện sinh động trong cuộc sống thường ngày mà làm nên kỳ tích. 

Theo Sáu Nghệ
Tiên Phong