1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ôm nợ vì đá “lạ”

Sau nhiều tháng thu mua rầm rộ, khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, thương lái Trung Quốc ngừng “ăn hàng” khiến một số đầu mối buôn đá “lạ” người Việt như ngồi trên lửa.

Cách đây khoảng 3 tháng, bắt đầu có một số thương lái người Trung Quốc trực tiếp mang mẫu một loại đá, sau này được lái buôn gọi là đá mềm hay đá phấn, tới 2 huyện Ngọc Hồi và Đắk Glei, tỉnh Kon Tum để đặt mua hàng.

 

Đưa hàng trái phép từ Lào về

 

Tại địa phương không có đá mềm theo mẫu nên các thương lái người Việt Nam sang Lào khai thác, thu mua sau đó vận chuyển về nội địa bán lại cho thương lái Trung Quốc. Rầm rộ nhất là tại huyện Ngọc Hồi vì có cửa khẩu Bờ Y giáp với Lào - Campuchia.

 

Một số mẫu đá do thương lái tên N. mang cho phóng viên xem Ảnh: VĂN HOÀNG

Một số mẫu đá do thương lái tên N. mang cho phóng viên xem Ảnh: VĂN HOÀNG

 

Thương lái tên là N. (ngụ thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) - đang làm ăn bên Lào, thường xuyên mang đá về Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y bán sang tay cho thương lái Trung Quốc - cho biết khi thu mua tại Lào, tùy vào chất lượng của đá mà có giá bán khác nhau, dao động từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng/kg.

 

Một lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Bờ Y xác nhận tình trạng thương lái người Việt vận chuyển hàng qua cửa khẩu Bờ Y về bán cho thương lái Trung Quốc là có thật. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, lực lượng chức năng bên Lào truy bắt gắt gao nên đã tạm thời lắng xuống. N. cho biết thêm: “Trước đây, chỉ cần mua gom đá xong, thuê người Lào vận chuyển là không bị bắt. Nay thì có thuê người Lào vận chuyển cũng bị bắt, tịch thu đá. Còn người Việt thì không những bị tịch thu mà còn bị tạm giữ người”.

 

Từ khi phía Lào xử lý gắt gao, thương lái Trung Quốc hạn chế mua đá loại lớn, chuyển sang mua những loại đá dạng sỏi với giá cao hơn rất nhiều. Một cục đá dạng sỏi chất lượng tốt giá bán có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

 

Không chỉ tại huyện Ngọc Hồi, tại xã biên giới Đắk Blô, huyện Đắk Glei, thương lái Trung Quốc cũng tìm đến tận nơi đặt hàng người Việt thu mua đá theo mẫu.

 

Theo các thương lái người Việt, đá mềm có chất lượng tốt, khi dùng đèn pin soi vào thì ánh sáng có thể xuyên qua. Bên trong hòn đá nếu không vẩn đục hay bị nứt thì sẽ được giá cao. Những viên đá sỏi cũng có cách định giá tương tự.

 

Trắng tay

 

Trong vai người mua đá, phóng viên Báo Người Lao Động được N. dẫn xem những viên đá mềm đủ các kích cỡ, màu đỏ, đang được giấu kín trong góc nhà. “Phải giấu, khi nào có khách hỏi mới dám mang ra xem, nếu không sẽ bị tịch thu mất” - N. nói và cho biết số đá này nặng hơn 1 tạ, cách đây nửa tháng được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 700.000 đồng/kg nhưng N. chưa đồng ý bán. Nay, thương lái Trung Quốc ngừng mua, N. đang khẩn trương tìm mối để bán nhằm thu hồi vốn. “Em xem mua được thì mua giúp cho anh. Giá thấp hơn một chút cũng được, miễn sao thu hồi được vốn” - N. nài nỉ tôi.

 

Đây là lần thứ ba anh đưa đá mềm từ Lào về Việt Nam để bán. Hai lần trước thăm dò, lần này đánh quả đậm bằng toàn bộ số vốn tích trữ được, nào ngờ thương lái Trung Quốc “lặn không sủi tăm”.

 

Bi đát hơn trường hợp anh N. là bà N.T.T (ngụ tổ dân phố 6, thị trấn Pkei Kần), người đã bỏ hơn 1 tỉ đồng thu mua được gần 1 tấn đá mềm, khi đang trên đường vận chuyển từ Lào về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Lào bắt giữ. Bà T. coi như mất trắng, hiện phải đi trốn nợ vì trước đó đã vay “nóng” từ nhiều người để làm vốn buôn đá.

 

Các lái buôn đều khẳng định không biết thương lái Trung Quốc thu mua loại đá này để làm gì.

 

Theo Hoàng Thanh
 Người lao động