Ở vùng sâu vùng xa, chuyện thoát nghèo còn rất xa vời

(Dân trí) - “Hiện nay tình trạng di cư tự do trở nên báo động, bởi số lượng rất lớn và gây ra nhiều hậu quả cần phải giải quyết cấp bách, trở thành gánh nặng cho địa phương có dân di cư tự do đến…” - Đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) cho biết.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay (8/6), đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, di cư tự do là một vấn đề đã cũ nhưng luôn mang tính thời sự đối với địa bàn Tây Nguyên. Toàn tỉnh Đắk Nông số liệu về di cư tự do từ năm 2005 đến nay là gần 5.000 hộ, với gần 23.000 nhân khẩu.

Theo đại biểu này, hiện nay tình trạng di cư tự do trở nên báo động, bởi số lượng rất lớn và gây ra nhiều hậu quả cần phải giải quyết cấp bách, trở thành gánh nặng cho địa phương có dân di cư tự do đến, như: Tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tràn lan, gây ra cháy rừng, tác động mạnh đến biến đổi khí hậu. Gánh nặng ngày càng tăng về an sinh xã hội, về giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, trật tự an toàn xã hội bị phá vỡ, xáo trộn, rất khó khăn trong công tác quản lý.

“Lo cho từng đó hộ, từng đó nhân khẩu ổn định cuộc sống, định canh, định cư quả là gánh nặng, Chính phủ đã có một số chương trình hỗ trợ như Chương trình 135, Chương trình 755, các dự án định canh, định cư… Nhưng kinh phí bố trí so với nhu cầu thực tế thì rất thấp, thực tế chuyển cho địa phương so với kinh phí bố trí đó lại quá ít, chuyển kinh phí cho địa phương rất chậm” - đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh cho hay.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 8/6 (Ảnh: Ngọc Châu)
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 8/6 (Ảnh: Ngọc Châu)

Nữ đại biểu đề đạt nguyện vọng lên Chính phủ thời gian tới cần quan tâm hơn, giải quyết thật căn cơ vấn nạn này, cần xử lý sớm những tồn đọng hiện có ở các địa phương và làm sao để di dân tự do trở thành di dân có tổ chức, thuận lòng dân, nhưng không gây khó cho địa phương tiếp nhận.

Cũng đại diện cho khu vực miền núi nêu lên vấn đề của đồng bào dân tộc, đại biểu Nông Thị Bích Liên (đoàn Hà Giang) cho rằng, mặc dù thời gian qua nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ đã dành sự quan tâm đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và có thể nói sự hỗ trợ đầu tư cho phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay đã làm cho nông thôn vùng mía cao có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nên cuộc sống của đồng bào các tỉnh phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng còn rất nhiều những khó khăn.

Nữ đại biểu nêu lên khó khăn của chính địa bàn tỉnh Hà Giang, với đặc thù là tỉnh vùng cao núi đá biên giới, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt, hiểm trở; điều kiện sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, thiếu đất, thiếu nước; vị trí địa lý của tỉnh nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn; nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, phụ thuộc chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ, ngân sách Trung ương.

Đại biểu Nông Thị Bích Liên đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn và tăng nguồn lực cho các chương trình chính sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, có cơ chế đặc thù về y tế, giáo dục cho vùng khó khăn. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, lớp học, nhà công vụ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa: Viết Hảo)
Cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa: Viết Hảo)

“Ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được nâng dần lên. Tuy nhiên, khó khăn còn nhiều, đường giao thông, cơ sở vật chất, trường học, trạm y tế vẫn là những điều cử tri trăn trở mong muốn được chia sẻ, đơn cử như khi đường giao thông đi lại không thuận lợi và còn rất nhiều khó khăn thì sản phẩm nông sản của bà con làm ra cũng không thể đến được nơi cần tiêu thụ. Vì vậy, câu chuyện thoát nghèo còn rất xa vời, chưa nói đến thoát nghèo bền vững” - đại biểu Nông Thị Bích Liên.

Nữ đại biểu tỉnh Hà Giang cũng nhấn mạnh đến vấn đề nhiều thôn vùng biên hiện nay vẫn chưa có điện, trong khi đó người dân nơi đây đang ngày đêm góp phần quan trọng trong việc gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng, phên giậu của Tổ quốc trước những diễn biến phức tạp và khó lường. Đại biểu đề nghị Chính phủ dành ưu tiên đầu tư trọng điểm cho vùng biển, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo.

Châu Như Quỳnh