1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ô tô “diễn xiếc” trên đường cao tốc, CSGT khó “tuýt còi”!

(Dân trí) - Đoàn xe đám cưới gần 30 ô tô “hồn nhiên” dừng giữa đường cao tốc để… chụp ảnh; xe khách dàn hàng ngang chiếm đường; xe chạy quá tốc độ uy hiếp an toàn giao thông… Những vi phạm này diễn ra nhan nhản trên đường cao tốc nhưng việc “tuýt còi” xử lý của lực lượng chức năng lại chưa triệt để.

“Diễn xiếc” trên đường cao tốc!

Hồi đầu tháng 6/2018, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cả đoàn xe đưa dâu với gần 30 chiếc ô tô các loại đã “hồn nhiên” dừng đỗ giữa đường cao tốc để chụp ảnh. Sự việc diễn ra trên đoạn đường nơi các xe chạy với tốc độ 60 -120 km/h, việc dừng đỗ là vô cùng nguy hiểm, đe dọa tới sự an toàn cho các phương tiện đang lưu thông và cho chính phương tiện dừng đỗ.

Đoàn xe đám cưới dừng đỗ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để... chụp ảnh
Đoàn xe đám cưới dừng đỗ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để... chụp ảnh

Một sự việc khác diễn ra vào trung tuần tháng 7/2018 khi ba chiếc xe khách biển Hà Nội dàn hàng ngang lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, suốt quãng đường dài 2km. Đáng nói, dù nhiều xe phía sau xin vượt nhưng 3 chiếc xe khách vẫn cố tình di chuyển với tốc độ “rùa bò” và chiếm dụng hết cả 3 làn đường, cản trở lưu thông trên cao tốc.

Vào đầu tháng 3/2018, đoàn siêu xe của hành trình xuyên Việt “Car & Passion” chạy với tốc độ chóng mặt trên đường cao tốc tại khu vực Hà Nội và liên tục lấn làn, thậm chí đi vào làn đường khẩn cấp (làn đường chỉ được sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố và dành cho xe ưu tiên - PV). Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi một số hành động thiếu ý thức, coi thường pháp luật như việc người dân “phá rào” hành lang an toàn đường cao tốc để mở quán cơm, bán hàng nước, xe khách dừng đỗ sai quy định để bắt khách...

Các đơn vị quản lý đường cao tốc cho hay, hình ảnh của các phương tiện vi phạm được hệ thống camera giám sát ghi lại, sau đó được gửi tới cơ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) để làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, theo các đơn vị quản lý đường cao tốc, các trường hợp xe đám ma, đám cưới việc xử lý lại khá… “tế nhị”.

Xe khách dừng đỗ trên cao tốc để đón khách (ảnh: Quân Đỗ)
Xe khách dừng đỗ trên cao tốc để đón khách (ảnh: Quân Đỗ)

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an - thừa nhận về tình trạng vi phạm giao thông trên đường cao tốc hiện nay. “Những hành vi vi phạm nhiều nhất là tốc độ, khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, dừng đỗ và đi vào làn đường khẩn cấp… Ở đây, lỗi do sự tuỳ tiện của người dân và lỗi của lái xe.” - Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình nói.

Lãnh đạo Cục CSGT cho biết, với các trường hợp vi phạm, khi nhận được thông tin từ đơn vị quản lý đường cao tốc, thông thường cơ quan CSGT sẽ áp dụng hình thức phạt “nguội”, bằng việc gửi giấy mời chủ phương tiện (theo tên đăng ký biển số xe - PV) đến giải quyết vi phạm. Tuy nhiên, số người đến cơ quan CSGT giải quyết vi phạm còn rất ít so với giấy mời phát đi, nguyên nhân là do bất cập về chế tài xử phạt, tính cưỡng chế chưa cao, chưa thực hiện nghiêm về quyền sở hữu phương tiện khi trao tặng, cho phương tiện…

Đề cập tới những hạn chế trong xử lý vi phạm trên đường cao tốc, Đại tá Đỗ Thanh Bình thẳng thắn: Từ trước tới nay, CSGT vẫn thực hiện công tác tuần lưu để kiểm soát vi phạm giao thông, đây là hình thức rất thủ công và không đạt được kết quả cao.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT

“Trong điều kiện áp dụng khoa học công nghệ hạn chế, Cục CSGT đang hướng đến việc tăng cường lực lượng tuần lưu để phát hiện vi phạm, nhưng kiểm soát xử lý tại 1 điểm nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường xử phạt “nguội”. Thực hiện phạt “nguội” với những lỗi vi phạm cơ bản, khi ra quyết định xử phạt phải xác định được lỗi vi phạm thông qua việc thiết lập bằng chứng cứ hình ảnh, thông tin đo tốc độ và các phương thức nghiệm vụ khác. Quan điểm của Cục CSGT là xác định phục vụ người dân trước, xử lý vi phạm sau cùng.” - Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.

Nói về “năng lực” giám sát hình ảnh để phạt “nguội” của CSGT hiện nay, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: Hiện thông tin về dữ liệu giám sát hành trình của phương tiện và hình ảnh camera giám sát do Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị quản lý khai thác đường cao tốc nắm giữ. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm giao thông chủ yếu thuộc thẩm quyền của CSGT, nhưng CSGT không được kết nối trực tiếp với hệ thống dữ liệu này, nói cách khác là CSGT “bị động” trong việc tiếp cận hình ảnh vi phạm.

“Ở nước ngoài, dữ liệu thông tin qua giám sát hành trình và hình ảnh camera trên tuyến đường phải được đưa vào Trung tâm chỉ huy của CSGT. Cùng đó, các trạm thu phí ngoài việc thu phí thì đây cũng chính là nơi kiểm tra, kiểm soát về an toàn giao thông, là trụ sở của CSGT. Dữ liệu giám sát hình ảnh được trích xuất hàng tháng và CSGT căn cứ vào đó để xử lý vi phạm.”- Đại tá Đỗ Thanh Bình dẫn chứng.

Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, phải có những quy định cứng, yêu cầu bắt buộc khi đưa tuyến đường vào khai thác thì nhà đầu tư phải đảm bảo đồng bộ cả hệ thống giám sát hình ảnh và cần có sự chia sẻ thông tin trực tiếp giữa đơn vị quản lý tuyến đường với cơ quan CSGT về hệ thống này.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Cục CSGT, phải có tầm soát quản lý phương tiện kinh doanh vận tải qua hệ thống giám sát hành trình (hộp đen), hình ảnh camera. Hệ thống giám sát phải có tiêu chí rõ ràng, phải là quy định, điều kiện để tham gia giao thông. Tất cả dữ liệu sẽ được coi là căn cứ nhằm xác lập bằng chứng trong xử lý vi phạm, chứ không phải chỉ là căn cứ để quản lý phương tiện và thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải như hiện nay.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm