1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ở nơi đàn bà quanh năm… phê thuốc

Nằm vắt vẻo qua QL12B, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) bốn mùa chìm trong sương mờ và giá lạnh. Có lẽ, để xua đi cái rét buốt và nỗi buồn bủa vây mà mấy chục năm nay, rất nhiều người đàn bà lam lũ nơi đây thường vùi mình trong những cơn say... thuốc lào.

Mải say, quên hết sự đời

 

Người già ở Ân Nghĩa kể rằng, truyền thống nghiện thuốc lào của phụ nữ Mường ở đây bắt nguồn từ mấy chục năm trước. Khi thực dân Pháp còn cai trị vùng này, chúng bắt đồng bào phát nương, phát rẫy, lập đồn điền trồng cây thuốc lào, thuốc phiện. Cuộc đời phu phen lấm láp, đói khát rạc rày, nhìn quanh quất chỉ một màu xanh rợn ngợp của hai loại cây gây nghiện, gây ảo giác.

 

Đói quá, một vài người hút thử mấy điếu thuốc lào, tự nhiên thấy cảm giác sướng khoái lan tỏa, cơn đói dịu đi. Thế là dần dà, số người nghiện thuốc lào ngày càng tăng. Chả mấy chốc gần như cả bản, cả vùng, bất kể trai gái, từ thiếu nữ đương xuân hay bà già răng rụng, đều có thể vục mặt vào ống điếu rít lên sòng sọc vài “miếng” rồi nhả ra thứ khói bảng lảng như sương chiều.

 

Giờ đây, ở cái xứ Mường này, gần như gia đình nào cũng có người hút thuốc. Người ta còn nói vui với nhau rằng, nhà có thiếu thốn đi vay bát gạo, đấu ngô còn khó, chứ thiếu thuốc lào thì chỉ cần xé rào dợm bước sang hàng xóm có thể xin được cả nắm, đủ cho đại gia đình “phê” đến vài ngày.

 

Thuốc lào dễ kiếm hơn… rơm.

 

Đến ngay như chợ Ré, tuần họp vài phiên, đồng bào bày bán sản vật núi rừng thì ít mà thuốc lào thì nhiều. Toàn những thúng, những mẹt thuốc ngồn ngộn vàng óng như tơ trời, tỏa hương ngào ngạt từ đầu đến cuối chợ. Đàn bà, con gái ra chợ gặp nhau trước hết cứ tụ tập làm vài “bi” cho “cái đầu ngất ngư, đôi chân lâng lâng” rồi mới tính đến chuyện bán mua.

 

Những người phụ nữ tụ tập truyền tay nhau hút thuốc ngay chốn đông người

Những người phụ nữ tụ tập truyền tay nhau hút thuốc ngay chốn đông người

 

Ở phiên chợ Ré, có đến 4, 5 hàng bán thuốc như thế này…
Ở phiên chợ Ré, có đến 4, 5 hàng bán thuốc như thế này…

 

Có bà lão tóc bạc da mồi, chân dậm sợi dây thừng đầu kia buộc theo con chó nhỏ chưa kịp bán, ngồi vắt vẻo rít thuốc ầm ào rồi nhả khói mớ ba mớ bảy, gương mặt mơ màng, sướng khoái. Đến khi bà tỉnh cơn say, chú chó nhỏ đã tuột dây chạy đâu mất tự lúc nào.

 

Cũng có cô bé, cậu bé trường làng, giờ ra chơi trốn thầy, trốn cô dấm dúi rủ nhau lên đồi vắng rít lấy rít để vài “bi” rồi nằm quay đơ ngủ quên trời, quên đất bên lối mòn sim mua.

 

Những câu chuyện như thế, người dân Ân Nghĩa có thể kể cho khách lạ cả ngày không hết. Họ cứ hỉ hả, hồn nhiên nói về “hút sách” như thể nhu cầu ăn uống hàng ngày, như thể họ chưa từng nghe lời cảnh báo từ những cán bộ làm công tác y tế của địa phương. Những “lời vàng, ý ngọc” ấy, họ nghe rồi quên nhanh như nắng hắt sau mưa, họ vẫn hồn nhiên ôm ống điếu rồi đốt lên vài đốm lửa cụm xòe quanh chiếc nõ nhét đầy thứ thuốc vàng óng ả.

 

“Văn hóa thuốc lào” dường như đã ngấm sâu vào tầng lớp các thế hệ đồng bào Mường ở nơi rừng xanh núi đỏ này, và nó cũng không hề có chiều hướng thuyên giảm. Trong mọi sinh hoạt từ lên nương rẫy đến hội hè, đám ma, đám cưới ở Ân Nghĩa đều có hình bóng của những chiếc điếu được chặt đẽo công phu từ thân cây bương, cây luồng, cây tre. Bên cạnh đó là những túi, những âu thuốc được nhập về từ các vùng đất mà tên tuổi của nó đã vang danh trên toàn quốc như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

 

… Và luôn đông khách đàn bà
… Và luôn đông khách đàn bà

 

Bà Xa Thị Huỳnh, 71 tuổi đời thì có đến gần 60 năm tuổi “nghiện”
Bà Xa Thị Huỳnh, 71 tuổi đời thì có đến gần 60 năm tuổi “nghiện”

 

Nghiện thuốc “từ thuở mười ba”

 

Ở Ân Nghĩa, nói đến các “cao thủ ôm điếu” không thể không kể đến bà Xa Thị Huỳnh, 71 tuổi, nghiện thuốc lào “từ thuở mười ba”. Tính sơ sơ thì bà lão da dăn deo, dáng người hiu hắt này cũng đã có thâm niên tới gần 60 năm… đốt thuốc. Sức hút của bà lão “thất thập cổ lai hy” cũng đáng để các đấng mày râu phải nể phục. Lúc còn trẻ, bà đã từng “bắn” liên tục 7-10 điếu, mà điếu nào tiếng rít cũng long lên sòng sọc, chói gắt, rền vang như đạn xé gió, khói tỏa ra từ khuôn miệng của bà ngút ngát như nồi cơm sôi vừa kịp mở vung.

 

Bà bảo, lúc nhỏ thấy người lớn hút thì bà cũng tò mò, tập tành cho biết. Mấy lần đầu say đứ đừ, nôn thốc nôn tháo, ruột gan như lộn hết cả lên, đầu óc váng vất nhưng mà bà thấy… khoái. Thử nhiều đâm nghiện. Có lần bố mẹ đi vắng, cô bé Huỳnh 13 tuổi ngồi tựa bậu cửa ôm “súng” “bắn” liền 3 điếu, chả biết ngất ngư, lay lắt kiểu gì mà lăn nhào xuống dưới chân cầu thang, đau ê ẩm.

 

Giờ bà trở thành “con nghiện” lâu năm, thành “dân chuyên nghiệp”. Sáng bảnh mắt bà đã phải “ăn sáng”, “tráng miệng” vài “bi”, hôm nào thiếu thấy nó nhạt mồm, người uể oải, chả làm gì được. Mỗi tháng, bà nhét đến vài lạng “tơ trời” vào trong cái ống điếu còn to hơn ống chân khẳng khiu, già nua của mình. Hỏi 60 năm bà đốt hết bao nhiêu, bà chỉ mơ màng, không nhớ nữa, chắc nhiều như cây rơm đầu vụ!

 

Bác sỹ Nguyễn Văn Bình, người có thâm niên gần 20 năm công tác trên địa bàn huyện Lạc Sơn, nói đùa, chắc không loại máy X-quang hiện đại nào trên thế giới có thể chụp rõ được mấy cái phổi đen nhóng nhánh của những người đàn bà Ân Nghĩa. Bởi, nó đã được “hun” bằng khói thuốc lào qua mấy chục năm!

 

Họ có thể hút đứng, hút ngồi, thậm chí vừa đi vừa hút
Họ có thể hút đứng, hút ngồi, thậm chí vừa đi vừa hút

 

Tính trên toàn xã Ân Nghĩa, những “con nghiện” có thâm niên tới vài chục năm đốt thuốc như bà Huỳnh có lẽ cũng cả trăm người. “Tre già, măng mọc”, giới trẻ ở đây hình như cũng đang “cố gắng” tiếp nối cái truyền thống kỳ lạ mà cha ông họ để lại. Không khó để bắt gặp những thiếu nữ trăng tròn, tay ngọc dáng ngà ve vuốt, vân vê từng sợi thuốc thả vào bụng lửa rồi ngửa mặt đê mê nhìn đời qua tang khói.

 

Và, mặc dù giá thuốc lào cũng không hề rẻ (30 - 40.000 đồng/lạng) nếu đem so với thu nhập của mỗi gia đình ở đây, đồng thời, người ta cũng biết nó là tác nhân của nhiều căn bệnh nan y nhưng họ vẫn hồn nhiên “truyền nghề” cho nhau, hồn nhiên hút và hồn nhiên đón nhận cả những túng thiếu đời thường.

 

Chợt nghĩ, những gót chân chai sần đồng ruộng, những mái tóc khét nắng, những bàn tay thoảng mùi bùn non của các bà, các chị, các em ở cái xứ Mường heo hút này, họ xứng đáng được hưởng những gì tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ để giấu đời mình trong những cơn say.

 

Theo Nguyễn Trung Thành

Báo Công lý