1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Ô nhiễm từ nguồn nước thải Bệnh viện Lao Nghệ An

Rau trồng không ai dám ăn, đem bán không ai mua. Sản phẩm của người dân sản xuất trở thành thức ăn cho lợn và trâu bò. Nguyên nhân của thực trạng này là nguồn nước Bệnh viện lao Nghệ An thải ra.

Những người dân xóm 4, 5, 6 và 7 thuộc xã Nghi Vạn, Nghi Lộc, Nghệ An luôn phải sống chung với nguồn nước thải ô nhiễm của BV Lao Nghệ An.

 

BV này được xây dựng trên một nền đất cao hơn nhiều so với khu dân cư xã Nghi Vạn. Hằng ngày, lượng bệnh nhân tới đây khá lớn nên nước và rác thải từ bệnh viện tuôn ra nhiều. Cánh đồng mênh mông phía tây, từ trước đã được bà con sản xuất lúa và hoa màu, nay chẳng ai mặn mà với sản xuất nữa. Nguyên nhân vì họ sợ mắc bệnh lao.

 

Một số diện tích đất nông nghiệp ở gần khu vực bệnh viện, bây giờ chỉ dành lại cho mấy gia đình nghèo sản xuất. Sau những lần ra ruộng về, người dân thường bị ngứa ngáy, ghẻ lở.

 

Do nước thải tràn vào khu dân cư, một số bà con không dám dùng nước giếng, họ phải khoan sâu 30m để lấy nước mà vẫn còn sợ ô nhiễm. Đó là chưa nói đến khi trời nắng, gió nam cộng với gió nồm, người dân ở các khu vực này đều được ngửi mùi hôi bốc lên do nguồn nước thải từ bệnh viện tuôn ra.

 

Đáng sợ là gần đây ở những xóm này, số người mắc bệnh lao đã tăng lên. Một người dân xóm 5, xã Nghi Vạn cho biết: ở xóm 4 từng có ít nhất 6 người mắc chứng bệnh lao, xóm 5 khoảng 7 người, xóm 6 thì nhiều chưa thống kê được. 

 

Men theo bờ bao phía sau của bệnh viện, chúng tôi thấy nhà vệ sinh, nhà để xác chết... đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống nước và rác thải của bệnh viện chẳng có công nghệ xử lý.

 

Toàn thể nước thải được bệnh viện cho vào cái bể lắng lọc bằng xi măng, nhưng xem ra chẳng ăn thua gì so với lượng nước và rác của bệnh viện tràn ra đồng và khu dân cư mỗi ngày.

 

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Đặng Văn Ba - Giám đốc Bệnh viện lao Nghệ An cho biết: Ô nhiễm môi trường bệnh viện đã biết từ lâu, nhưng lực bất tòng tâm, vì bệnh viện đang thiếu kinh phí xây dựng.

 

Ngày 29/11/1999, tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho xây mới lại bệnh viện, nhưng dự toán kinh phí liên tục phải thay đổi. Ban đầu dự trù kinh phí cho việc xây mới bệnh viện là 14 tỷ đồng, lần cuối sửa lại 17 tỷ (trong đó kinh phí để xây dựng công trình xử lý rác và nước thải là 1 tỷ 340 triệu đồng).

 

Sau khi có quyết định, bệnh viện làm chủ đầu tư xây dựng nhưng do kinh phí dự án trên rót xuống nhỏ giọt (nay mới nhận được 9 tỷ đồng) nên việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình gặp rất nhiều khó khăn.

 

Bác sỹ Ba còn nhấn mạnh: Hiện bệnh viện đang xây dựng hệ thống khu điều trị cho bệnh nhân, khi nào xong và có kinh phí thì mới tính đến chuyện xây dựng hệ thống xử lý rác và nước thải...

 

Cứ với đà này, không biết bao giờ người dân nơi đây mới thoát khỏi cảnh sống chung với nguồn nước thải mang nhiều nguy cơ lây bệnh.

 

Theo Phan Sáng
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm