1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ô nhiễm hóa chất, "làng ung thư" có nguy cơ bùng phát

Tại Hải Dương, Hải Phòng, nơi có nhiều khu công nghiệp lớn, mỗi ngày có hàng nghìn m3 nước thải đầy hóa chất độc hại được thải ra từ hàng trăm nhà máy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Và nguy cơ về những làng ung thư như Thạch Sơn (Phú Thọ), Thống Nhất (Hà Tây) là một điều không xa.

Chỉ lướt qua QL 5A cũng đã nhận thấy ngay những thay đổi từng ngày về tốc độ phát triển các dự án đầu tư trên địa bàn Hải Dương. Sự phát triển nhanh chóng trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã được cảnh báo là sẽ gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường. Và điều đó đã xảy ra.

 

Đất bị bỏ hoang vì ô nhiễm

 

Chỉ trên địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang đã có tới 24 công ty, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Trong đó, 3 công ty quy mô lớn gồm Công ty TNHH Đông Hải, Công ty TNHH Việt Trung và đặc biệt là Công ty TNHH Omic Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân trong xã.

 

Công ty Omic (sản xuất, gia công, kinh doanh các sản phẩm gia dụng bằng thép không gỉ, nhựa và gỗ) tọa lạc trên mảnh đất rộng gần 23.000m2, giáp QL 5A. Toàn bộ nước thải độc hại với các chất tẩy rửa công nghiệp cực mạnh như NaOH, H2SO4, H3P04, HF của Omic không hề qua quá trình xử lý theo quy định mà xả thẳng vào hơn 20.000m2 đất canh tác của xã.

 

Từ khi Omic đi vào hoạt động (năm 2003), hầu hết bà con nông dân thôn Phượng Độ ở gần đó mắc phải loại bệnh rất lạ: mỗi khi ra đồng là bị mẩn ngứa, lở loét, rụng lông chân, tay, khó thở, tức ngực.

 

Đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế địa phương thì được xác định là bệnh ngoài da, nhưng chữa mấy cũng không khỏi. Không còn cách nào khác, bà con thôn Phượng Độ đành bỏ hoang ruộng từ 5 vụ mùa nay vì sợ nhiễm bệnh. Đặc biệt, kể từ khi có thông tin về “làng ung thư”, nỗi lo sợ hoang mang lại càng ám ảnh người dân nơi đây.

 

Sở Tài nguyên - Môi trường Hải Dương cũng đã lập đoàn thanh tra và xác định nguyên nhân gây ô nhiễm vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn này là do nước thải của Công ty Omic. Lượng nước thải này chứa hàm lượng TSS cao gấp 11 lần, hàm lượng đồng cao gấp 5,5 lần còn chỉ tiêu PH lại thấp hơn 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

 

Từ kết quả này, Đoàn thanh tra đã xử phạt hành chính đối với Omic số tiền 28 triệu đồng và yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ. Sở cũng ra quyết định yêu cầu Omic xây dựng các hạng mục xử lý chất thải theo dự án được phê duyệt.

 

Nếu đến cuối tháng 6 này chưa thực hiện xong, Sở sẽ kiến nghị đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi đất của Công ty Omic.

 

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhân dân, đến nay đã gần hết thời hạn quy định nhưng Công ty Omic vẫn chưa có một động thái nào gọi là khắc phục hậu quả.

 

Thi nhau gây ô nhiễm

 

Tại Hải Phòng, hiện có tới 12.300 cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng thành phần hoá chất làm dung môi, phù liệu, trong đó có 14 cơ sở sản xuất hóa chất.

 

Chỉ tính trên 30 cơ sở lớn, mỗi ngày đã thải vào hệ thống cống rãnh thành phố hàng nghìn m3 nước thải mà nồng độ PH và chỉ số BOD trong đó đủ để gây ô nhiễm nặng cho môi trường. Trong quá trình sản xuất, rất ít đơn vị nào lưu tâm đến việc xử lý chất thải trước khi đổ ra hệ thống sông ngòi tự nhiên.

 

Điểm đáng chú ý là hầu hết các dự án sản xuất công nghiệp đều được bố trí nằm dọc các dòng sông gắn chặt với đời sống và sinh hoạt của người dân Hải Phòng như sông Rế, sông Cấm, sông Lạch Tray...

 

Tiếc thay, cho đến nay, chính quyền mới chỉ quan tâm đến việc thu hút dự án đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nhưng rất ít chú trọng đến công tác quản lý, xử lý, ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư nếu để xảy ra hậu quả về môi trường. Và những “nạn nhân” đầu tiên lại chính là người dân địa phương.

 

Theo Lê Minh Triết

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm