O bế làm hỏng cán bộ được quy hoạch
(Dân trí) - “Vừa qua, chúng ta đã quá o bế một số trường hợp cán bộ trong quy hoạch. Quy hoạch không phải để nâng đỡ hết mức mà chỉ tạo điều kiện để người được nhắm chọn rèn luyện, cống hiến để bộc lộ mình”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão trao đổi.
Kết luận mới đây của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, điều chuyển cán bộ đang được kỳ vọng sẽ đột phá về quan điểm trọng dụng trí thức trẻ. Nội dung kết luận lần này, theo ông, có điểm gì khác và mới so với thực tế thời gian qua?
Cái mới lần này là Bộ Chính trị đã đề cập mạnh mẽ và khá cụ thể đến công tác đào tạo cán bộ trẻ. Coi trọng việc tạo nguồn từ những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và đạt chất lượng toàn diện được cử về cơ sở rèn luyện và giao cương vị để trưởng thành trong phong trào, từ đó chọn lọc, quy hoạch cán bộ lâu dài. Tôi cho rằng, đây là một chủ trương khá mới mẻ, mà là đúng đắn và cần thiết. Nếu làm được việc này đến nơi đến chốn sẽ đem lại kết quả tốt.
Việc đưa thẳng những sinh viên mới ra trường về cơ sở làm Phó Chủ tịch xã đã trở thành hiện thực, các đồng chí lãnh đạo cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ để họ được phát huy và làm tròn trách nhiệm được giao. Chủ trương đưa trí thức trẻ về xã nghèo là rất hay. Việc làm thí điểm là mạnh dạn nên khó nói đến sự hoàn mỹ.
Có thể phân tích sâu thêm để có cách nhìn và cách làm toàn diện. Trong số những người đưa về làm Phó Chủ tịch thì sinh viên mới ra trường nên chiếm một tỷ lệ hợp lý chứ không phải là tất cả. Vì bên cạnh tế mạnh của các em là trẻ trung, sôi nổi, nhiệt tình, lạc quan thì cũng có những nhược điểm, có nhiều bỡ ngỡ với thực tiễn cuộc sống.
Ngoải ra, cần tạo sự hài hòa giữa cán bộ tại chỗ mà họ đã lăn lộn ở cơ sở bấy lâu nay với các sinh viên trẻ được tăng cường về cơ sở. Độ “vênh” trong tương quan về chế độ chính sách đối với hai loại cán bộ dễ tạo ra tâm lý bì tị, so sánh. Vậy nên, công tác cán bộ phải làm rất cẩn trọng, tỉ mỉ, công phu, tránh kiểu làm ào ạt.
Ông có kiến nghị hướng gì “gỡ vướng” trường hợp này?
Theo tôi, cán bộ đưa về làm Phó Chủ tịch xã nên chọn cả 3 loại. Loại thứ nhất là các bạn trẻ đã kinh qua công tác ở tỉnh từ 2 năm đến 3 năm để có thể nắm được nguyên tắc tổ chức hệ thống chính trị, công tác quản lý, thủ tục hành chính… Tôi quan tâm đến cách làm của Cao Bằng, chọn những cán bộ trẻ, là sinh viên ra trường đã về công tác tại các sở của tỉnh được 2 đến 3 năm để đưa xuống làm Phó Chủ tịch xã. Tôi ưng cách này hơn vì dù sao, cán bộ đó ra trường cũng có thời gian hoạt động ở cấp tỉnh (tầm trung mô) rồi mới đưa về cơ sở (vi mô). Đây là đối tượng tôi tâm đắc và nghĩ nên được quan tâm. Số cán bộ thuộc nhóm này nên chiếm ít nhất 50%.
Loại thứ hai là chọn sinh viên mới ra trường, tốt nghiệp loại giỏi, đạo đức tốt như đang triển khai. Số cán bộ thuộc nhóm này nên chiếm tỷ lệ khoảng 20% đến 30%.
Loại thứ ba là chọn những người đã và đang làm việc ở xã và cả ở huyện mà chưa được quy hoạch. Họ là những cán bộ lâu năm ở cơ sở, trong đó có người đã tốt nghiệp đại học. Đây là những nhân tố tự nhiên cần được quan tâm. Số cán bộ này nên chiếm tỷ lệ khoảng 20% đến 30%.
Làm được như thế, sẽ tạo nguồn cán bộ phong phú và chất lượng. Đó là sự hài hòa trong quy hoạch.
Nhưng làm cách nào khắc phục mặt trái, thiếu sự “trong sáng” kiểu có ý đồ ngay từ đầu khi lựa chọn, quy hoạch cán bộ như ông phân tích ở trên?
Vấn đề là có quy hoạch thì cũng không o bế, phải để tự thân vận động. Vừa qua, có trường hợp đã quá o bế cán bộ trong quy hoạch. Có quy hoạch không phải để nâng đỡ hết mức mà chỉ tạo điều kiện để người được nhắm chọn được lăn xả vào cuộc sống, từ đó bộc lộ mình. Ngoài ra, bên cạnh công tác cán bộ, phải tạo điều kiện cho hoạt động tranh cử để tuyển chọn một cách khách quan. Kiểu o bế, định sẵn vị trí này cho người mà mình mong muốn, không muốn dành vị trí ấy cho người khác. Họ lập luận rằng, chẳng ai hơn được anh ta.
Thực tế bây giờ, có một tỷ lệ rất lớn các thành viên Ban chấp hành tỉnh ủy hay thành ủy khóa này không còn đủ tuổi để làm tiếp khóa tới. Có những tỉnh có đến 80% ủy viên tỉnh ủy không còn tuổi , có những nơi chỉ có 2 ủy viên thường vụ còn tuổi làm khóa tiếp theo. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ rõ ràng là việc đã rất cấp thiết?
Đấy là một khuyết điểm, một bất cập, một vấn đề không thể chấp nhận được trong công tác cán bộ thời gian qua. Thực tế, ở cấp tỉnh bây giờ, tìm cán bộ dưới 40 tuổi khó lắm. Ngay cấp TƯ cũng vậy. Vừa qua, trong tổng số 30 ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, số cán bộ dưới 40 tuổi chỉ một vài người. So với tổng số hơn 200 ủy viên TƯ, tỷ lệ cán bộ trẻ chỉ 1-2%. Theo tôi, số vào TƯ dưới 40 tuổi đáng ra ít nhất phải chiếm 10%, nghĩa tối thiểu phải được 20 người.
Tôi nhớ, khi bắt đầu tham gia tỉnh ủy Quảng Ninh, tôi mới 32 tuổi. Tôi không phải người ở địa phương, vốn là một cán bộ giảng dạy ở Trường đại học Thủy lợi, về tỉnh công tác hơn 1 năm thì tham gia tỉnh ủy. Lúc ấy tôi cũng bất ngờ, không nghĩ mình có thể tham gia tỉnh ủy được nhưng chính các đồng chí lãnh đạo cấp trên lại tin dùng. Tự nhìn lại quá trình hoạt động của mình, tôi thấy thế là đúng. Vấn đề đặt ra, trẻ nhưng phải có tri thức, có trí tuệ. Tôi nghĩ, cách nhìn nhận của các đồng chí lãnh đạo Quảng Ninh khi đó rất đúng. Quảng Ninh có truyền thống đào tạo cán bộ trẻ. Kinh nghiệm này cần được tổng kết và phát huy.
Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ thay thế đã là chuyện“nhãn tiền”, việc gì cần làm ngay?
Việc cấp thiết là cần có 1 tầm nhìn, nhận thức. Vấn đề không phải là không có nguồn. Sẽ có nguồn ngay nếu ta có cách nhìn nhận đúng và tin dùng. Quan trọng nhất là phải dân chủ. Việc giới thiệu, chọn lựa không phải chỉ một mà một số người và tạo điều kiện cho hoạt động tranh cử. Không có tranh cử như vừa qua, không thể chọn ra người đích thực có tín nhiệm. Không có tranh cử không tìm ra được người tài.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)