1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nườm nượp chợ biên giới xứ Lạng

(Dân trí) - Bất chấp nhiệt độ ngoài trời xuống tới dưới 10 độ C, hai ngày cuối tuần vừa qua chợ biên giới Lạng Sơn đông nghịt khách. Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối năm là người dân các tỉnh phía Bắc lại đổ dồn lên đây mua sắm.

Quốc lộ 1: xe nối xe

Sáng thứ bảy 19/1, theo một đoàn xe du lịch lên xứ Lạng, chúng tôi bắt đầu khởi hành từ lúc 5 rưỡi sáng. Miền Bắc đang vào những ngày cuối năm, trời rét đậm.

Mưa phùn càng khiến cho tiết trời trở nên lạnh buốt. Tuy nhiên, đã có rất nhiều “đoàn” trên những chiếc xe du lịch 16 chỗ nối đuôi nhau qua cầu Chương Dương, vòng sang đường 5 rồi thẳng hướng quốc lộ 1.

Lái xe tên Lợi cho hay: gần nửa tháng nay, ngày nào anh cũng có khách thuê chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn trong ngày. Từ giờ tới tết Nguyên đán, khách cũng đặt xe lên Lạng Sơn kín lịch rồi.
 
Nhìn dòng xe nối đuôi nhau phía trước, anh Lợi cho biết: “Hôm nay như thế này là còn vắng, có những hôm xe đông quá, tắc đường không đi nổi”.
 
 
Nườm nượp chợ biên giới xứ Lạng - 1

Trời mưa nhưng xe lên Lạng Sơn mua sắm vẫn xếp thành hàng dài.

Xe đi đến một hàng phở gà đồi nổi tiếng ở Bắc Giang thì dừng nghỉ. Đã có hàng chục xe lớn nhỏ các loại đỗ la liệt ở đây, khách khứa vào ăn sáng có tới hàng trăm người. Nhà hàng đông khách qúa nên yêu cầu khách “mua phiếu đổi phở”.

Chợ đông như nêm cối

Chúng tôi đi thẳng lên chợ cửa khẩu Tân Thanh. Chợ Tân Thanh nằm gọn lỏn trong một thung lũng, ba bề là núi đá. Mới có hơn 9 giờ sáng nhưng xe tải, xe khách đã nằm ngổn ngang vô thiên lủng ở khắp các bãi đỗ, biển số đủ các tỉnh: từ Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… đều có.
 
Có lẽ do báo chí phản ánh “rát” quá nên tình trạng xe biển xanh đi chơi chợ năm nay hầu như giảm hẳn.

Nườm nượp chợ biên giới xứ Lạng - 2

Dòng người chen chúc ken đặc trong chợ.
 
Chật vật lắm bác tài mới kiếm được một chỗ đậu xe. Trời mưa rét, xung quanh toàn núi đá, nhiệt độ ở đây thấp hơn Hà Nội tới 2-3 độ. Dòng người vẫn đội mưa, đội rét tấp nập ra vào chợ như mắc cửi. Khi vào tay không, khi ra khệ nệ bê vác. Thiên hạ hồ như muốn khuân cả chợ Lạng Sơn về nhà.
 
Chợ Tân Thanh đông tới mức không thể đông hơn. Tất cả các lối đi trong chợ đều luôn trong tình trạng lúc nào cũng gần như tắc nghẽn. Người chen người, hàng chen hàng. Ở chốn “thiên đường mua sắm này” đông nhất vẫn là các quầy hàng bán đồ điện tử, chăn ga và quần áo.
 
Tất nhiên là gần như 100% là hàng Trung Quốc từ bên kia cửa khẩu mang sang. Tiếng nhạc nện thuỳnh thuỵch phát ra từ mấy chiếc loa của các hàng đầu đĩa đứng bán ở cửa chở khiến không khí trở nên sôi động, xua tan cái u ám của tiết đông.
 
Tiếng cười nói xen lẫn cả người Hoa lẫn Việt tạo nên tạp âm đặc trưng mà chỉ chợ biên giới mới có. Mấy tay bán “hàng nóng, hàng lạnh” đứng thập thò ở cửa chợ, thấy khách nào dáng vẻ dân chơi từ miền xuôi lên là sáp lại gạ gẫm.
 
 
Nườm nượp chợ biên giới xứ Lạng - 3
 
Đông nhất vẫn là các hàng điện tử, điện dân dụng.

Đầu DVD, TV, bếp lẩu từ, nồi cơm điện, ấm điện siêu nhanh… xếp chồng chất như kiêu gạch; Các loại hàng USB, thẻ nhớ, máy nghe nhạc cầm tay… la liệt khắp nơi; Chăn chiếu, quần áo, vải vóc ngồn ngộn chợ... chẳng riêng gì chị em, ngay cả cánh đàn ông nếu lỡ sa chân vào thì cũng khó lòng thoát ra khỏi nếu chưa “quần thảo” đôi tiếng trong chợ.

Giá nào cũng bán

Sở dĩ chợ biên giới đông như thế là vì các mặt hàng vừa đa dạng vừa rất rẻ. Đầu DVD loại tốt: 500.000đ (chủ hàng đập tay bồm bộp lên đầu đang vận hành, quảng cáo tính năng chống rung và cho biết sẽ bảo hành 2 năm với phương thức 1 đổi 1); bếp từ: 250.000đ, ấm siêu nhanh: 100.000đ, lò vi sóng loại tốt 1,2 triệu… đều là giá rất dễ chịu so với thời giá tương đương tại Hà Nội. Tuy vậy, giá cả trong chợ không tuân theo một chuẩn chung nào, cứ thuận mua vừa bán là xong.

 
Một chiếc áo giả da được quảng cáo là “áo da trâu rừng bán thanh lý” ở cổng chợ rao bán với giá 150.000đ/chiếc thì khi vào sâu bên trong, nó chỉ còn khoảng 90 đến 100.000đ/chiếc. Lần theo cầu thang cuốn lên tầng 2, đi sâu hơn nữa, vẫn chiếc áo da “trâu rừng” ấy, có chỗ chỉ bán với giá 150.000đ/2 chiếc, tức là rẻ còn một nửa.
 
Ngay chuyện quảng cáo thuộc tính của da cũng là câu chuyện nực cười. Có chỗ quảng cáo là da trâu rừng, rồi bò rừng, da cá sấu… thậm chí da báo biển (?!). Chung quy lại chỉ là giả da mà thôi.
 
 
Nườm nượp chợ biên giới xứ Lạng - 4
 
Áo giả da bán mỗi chỗ một giá, đều cực rẻ.

Nhắc đến gian hàng điện tử nhà Chí Oanh có lẽ tiểu thương trong chợ không ai lạ lẫm, vì vợ chồng anh này người Thanh Xuân, Hà Nội lên xứ Lạng làm ăn. Ngày quần quật trong chợ, tối về ở trọ gian phòng với giá 200.000đ/tháng, hai vợ chồng còn rất trẻ.

Anh Chí cho hay: “Vì chợ giáp tết đông quá nên bọn em giá nào cũng bán luôn, chỉ cần lãi chút ít thậm chí có những món hàng bán hoà vốn”.

***

Đến trưa, trời mưa mau hạt hơn. Nhưng dòng người đổ về vẫn không giảm chút nào. Chỉ còn nửa tháng nữa là đến tết. Hình như ai cũng tranh thủ, hấp hoải bê vác về nhà tất cả những gì có thể. Xe nào rời chợ Tân Thanh cũng lặc lè hàng hoá.

Bảo Trung