1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nuối tiếc một Sa Pa

(Dân trí) - Du lịch đã làm cho Sa Pa trở nên giàu có. Cô gái Mông, Dao đang làm quen với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng thanh niên phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ thay vì rít khói điếu cày… Sự “Kinh hóa” đang xâm lấn thị trấn hiền lành này.

Trên độ cao khoảng 1.500m (so với mặt nước biển), Sa Pa nằm lọt trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, thị trấn là một thiên đường du lịch khi nó hội tụ rất nhiều yếu tố tự nhiên có giá trị.
 
Du lịch đã làm cho Sa Pa trở nên giàu có, cuộc sống đổi thay. Cô gái Mông, Dao đang làm quen dần với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng thanh niên phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ thay vì rít khói điếu cày. Đôi khi, hiếm gặp nét thật thà trên khuôn mặt thiếu nữ, đức tính nhường nhịn vốn có của người dân tộc vùng cao.
 
Các bản Cát Cát, Sín Chải, Tả Phìn, Bản Hồ, Tả Van là những điểm du lịch vệ tinh của thị trấn. Ở đây, trai làng, gái bản, người già, trẻ thơ các dân tộc người Dao đỏ, Mông, Tày... dù chất phác đến mấy cũng không thoát khỏi những cám dỗ vật chất mà du lịch đem lại cho mảnh đất này. Người ta hướng về Sa Pa, để gia nhập nó, trong không khí nơi kẻ chợ ồn ào, mánh lới.
 
Sa Pa thành “phố”, con người đã thay đổi, không còn giữ nguyên giá trị vốn có, sự “Kinh hóa” đang xâm lấn thị trấn hiền lành này.
 
Nếu để tìm về với thiên nhiên hoang dã, vui trong cảm giác được đối diện với con người mộc mạc vùng núi cao, hoặc muốn thoát khỏi những lời mời mọc đeo bám nhan nhản chốn thành thị thì Sa Pa bây giờ không phải là nơi như thế.
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 1

Phố Cầu Mây - khu trung tâm thị trấn Sa Pa
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 2

Cách đó không xa, người ta đang bạt núi bán đất
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 3

Ở Cầu Mây, nhiều nhà hàng, quán rượu mọc lên nhắm tới khách du lịch nước ngoài, nhưng những thanh niên bản xứ cũng không bỏ lỡ cơ hội để tham gia
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 4

Các cô gái ở đây nói tiếng Anh khá tốt nhưng tiếng Kinh thì lơ lớ khó nghe
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 5

Hai người nói chuyện oang oang, cô gái Mông trên tay cầm chai rượu đang uống dở cùng khách du lịch vừa bước ra từ một quán rượu, họ đang say...
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 6

Trong toa-lét của một ngôi nhà ở xã Bản Hồ. Ở đây đang rất phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trong đó có hình thức du lịch homestay (ăn, nghỉ tại nhà của người dân tộc)
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 7

... những đứa trẻ Mông tóc xoăn, mũi lõ cũng không hiếm gặp ở thị trấn Sa Pa
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 8

Trẻ nhỏ rong chơi cả ngày, với trên tay vài thứ đồ lưu niệm làm vội, một ngày cũng kiếm được đôi ba chục nghìn, cách bán hàng của chúng còn tinh quái hơn trẻ miền xuôi. Đêm muộn chúng mới đi bộ về nhà cách đó từ 3 đến 7km.
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 9

Người Dao đỏ buôn bán ở đây sành sỏi và khôn ngoan, họ biết cách mời chào, đeo bám dai dẳng, thậm chí có những cách ứng xử mà khi nghe phải sửng sốt: “Chụp ảnh mà không mua hàng là đánh nhau đấy!”
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 10

Cách tiếp cận du khách với số đông, đeo bám để bán hàng của người Dao ở bản Tả Phìn
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 11

Những cô gái Mông sắc sảo thường được trọng dụng để làm hướng dẫn viên du lịch. Công việc này làm họ thay đổi, bộ áo truyền thống mặc trên người chỉ là cách ăn mặc để thu hút sự chú ý.
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 12

Bộ quần áo của người Dao đỏ với đầy đủ các chi tiết truyền thống trong cửa hàng lại là một thứ “chuẩn” nếu so sánh với những bộ đồ đang mặc trên người những cô gái Dao ở Sa Pa
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 13

Vị trí bán hàng của người bản xứ là những góc phố, vỉa hè, chạy rong theo khách
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 14

Những người đàn ông ở đây lại tỏ ra thờ ơ với nhịp sống mà du lịch mang đến, họ bình thản mà không tất tưởi bon chen 
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 15

Quán xá mọc như nấm chứng tỏ giá trị của du lịch thu hút những dịch vụ đi theo nó, nhưng nó đang làm lạc lõng chính những con người sinh ra từ mảnh đất này
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 16

Những người vẫn gắn bó với núi rừng thì tỏ ra dè dặt, rụt rè khi xuống “phố”, vào chợ
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 17

Hai mẹ con cô gái Mông ở thị trấn Sa Pa
 
Nuối tiếc một Sa Pa - 18

Từ Sa Pa nhìn về đỉnh Phan Xi Păng sừng sững, mong ước cho những cốt cách người Mông, người Dao, người Tày... còn mãi bền vững với núi rừng Tây Bắc
 
 
Hữu Nghị