1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nuôi lợn rừng ở... thành phố

Thời gian gần đây, nhiều người dân ngoại thành TP Hồ Chí Minh đã tận dụng diện tích đất vườn để xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng.

Đây là mô hình chăn nuôi mới để chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong điều kiện đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp.

 

Nuôi lợn rừng ở TP Hồ Chí Minh

Mô hình chăn nuôi lợn rừng lai đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi ngoại thành TP.HCM (ảnh tư liệu của Tổ hợp tác xã lợn rừng Phú Hữu cung cấp).

 

Nằm cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng hơn chục cây số về hướng đông, Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn rừng Phú Hữu (quận 9) đang chăn nuôi theo quy trình bán hoang dã khoảng hơn 150 con lợn rừng giống Thái Lan để nhân giống và bán lấy thịt.

 

Lợn rừng đã và đang được nuôi tại một số nước lân cận Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Lào… Tại nước ta, chăn nuôi lợn rừng nhen nhóm từ năm 2002 và bùng phát từ năm 2005 tới nay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có ít nhất 50 trang trại nuôi lợn rừng theo kiểu bán hoang dã. Sự phát triển nhanh chóng đó cho thấy chăn nuôi lợn rừng thực sự đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và phù hợp cho những vùng ngoại thành muốn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi do quá trình đô thị hóa.

 

Anh Huỳnh Hồng Sơn, đại diện Hội Nông dân phường Phú Hữu cho biết: Trang trại nuôi lợn rừng Phú Hữu (quận 9) đã xây dựng được một “thương hiệu” trên thị trường thành phố và trên cả nước. Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi thành công của phường, thậm chí cả thành phố. Nhờ có mô hình chăn nuôi này mà nhiều người chăn nuôi, thương lái các tỉnh biết đến Phú Hữu. Lợn rừng nái và lợn thịt từ đây được xuất bán đi các tỉnh miền Tây, miền Trung, thậm chí ra tới miền Bắc.

 

Với diện tích khoảng 6.000 m2, trang trại lợn rừng Phú Hữu được đầu tư vào chuồng trại khoảng 1 tỷ đồng. Trại lợn được chia làm nhiều khu với khoảng 30 chuồng nuôi, mỗi chuồng được thiết kế những khoảng sân trống, rộng để lợn rừng được nuôi theo kiểu bán hoang dã. Mỗi chuồng là một cỡ lợn khác nhau như chuồng chuyên nuôi lợn giống con, nhỡ, sắp đẻ, đang cho bú, hay khu dưỡng lợn bệnh… Tất cả các khu đều được bố trí cách ly nhằm dễ quản lý và kiểm soát từng loại. Ngoài ra còn có các hệ thống đường nước ngầm được lắp đặt xung quanh các dãy chuồng nuôi.

 

Ông Phạm Văn Nhân, một trong những thành viên trong Tổ hợp tác Chăn nuôi lợn rừng Phú Hữu cho biết: Chăn nuôi lợn rừng là hình thức đầu tư an toàn vì lợn rừng có sức đề kháng bệnh tật rất tốt. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là rau cỏ nên chi phí cho thức ăn cũng không cao. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 30 phút cho ăn, dọn dẹp chuồng trại, đến cuối năm có thể thu về hàng triệu đồng.

 

Hiện thị trường đầu ra của lợn rừng khá nhiều, với giá cả cũng khá cao, dao động từ 150.000 - 300.000 đồng/kg. Trang trại lợn Phú Hữu thường xuyên có người đến đặt mua lợn rừng thịt và lợn giống nhưng không đủ nguồn để đáp ứng. Ông Nhân cho biết thêm: “Để có được mô hình nuôi lợn rừng như hôm nay, chúng tôi đã dày công tham khảo các mô hình chăn nuôi ở các nơi và tìm hiểu nhiều tài liệu để nghiên cứu.

 

Do chưa có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi lợn rừng, nên lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau thời gian nuôi thực tế, chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Đến nay chúng tôi có thể tự lai giống để chủ động nguồn con giống cho trang trại và cung cấp cho thị trường. Chúng tôi chuyên cung cấp giống cho các tỉnh miền Tây, miền Trung và miền Bắc. Còn về thịt thì cung cấp cho người dân TP Hồ Chí Minh. Tùy theo nhu cầu của khách, trang trại có thể cung cấp lợn rừng loại từ 10 - 80 kg/con. Trung bình, nếu thuận lợi có thể cho thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm”.

 

Không chỉ duy trì và phát triển trang trại chăn nuôi lợn rừng của mình, Tổ hợp tác xã lợn rừng Phú Hữu còn cung cấp, hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn cùng phát triển và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động tại địa phương.

 

Anh Huỳnh Hồng Sơn cho biết: Địa phương có 2 mô hình nổi trội trong thị trường TP Hồ Chí Minh là mô hình nuôi lợn rừng và trồng mai kiểng. Đối với mô hình chăn nuôi lợn rừng, tổ hợp tác xã này luôn gắn bó với vai trò của địa phương từ trao đổi kỹ thuật đến hỗ trợ con giống. Tổ hợp tác xã còn giúp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ nông dân chăn nuôi lợn rừng trên địa bàn và giải quyết việc làm cho 5 - 6 lao động nghèo của địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

 

Theo Hoàng Tuyết

Báo Tin tức

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm