1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Nuôi báo cô” 2 hành khách nước ngoài tại Nội Bài

(Dân trí) - Hai vị khách người Nigeria “quá cảnh” Nội Bài để bay tiếp tới Campuchia. Tuy nhiên, nhà chức trách tại Campuchia đã từ chối tiếp nhận và sảnh cách ly quốc tế tại Nội Bài trở thành “mái ấm” bất đắc dĩ của 2 hành khách này.

Hai thanh niên da đen sẫm ngồi lặng lẽ trong sảnh cách ly quốc tế tại sân bay Nội Bài khiến nhiều người lầm tưởng họ là những hành khách bình thường đang đợi chuyến bay để về nhà… Không tiền bạc, không hành lý, cuộc sống của họ hơn 1 tháng nay là trông chờ vào ga hàng không Nội Bài.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 5/9, một lãnh đạo hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết: hai vị khách này mang quốc tịch Nigeria có tên Ogbari Emu (SN 1983) và Baba Puntune (SN 1979) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 12/6/2008 trên chuyến bay của hãng hàng không Malaixia Airlines. Đến ngày 17/7/2008, Emu và Puntune xuất cảnh từ Nội Bài đi Xiêm Riệp (Campuchia).

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu 2 hành khách này không bị nhà chức trách tại Xiêm Riệp từ chối cho nhập cảnh và buộc phải quay trở lại Hà Nội. Theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhà vận chuyển cuối cùng (trong trường hợp này là Vietnam Airlines - PV) sẽ phải chịu trách nhiệm với những vấn đề phát sinh với hành khách. Cũng từ đó đến nay, 2 vị khách kể trên trở thành “công dân” bất đắc dĩ tại sảnh cách ly quốc tế của cảng hàng không Nội Bài.

Sự cố liên quan đến 2 vị khách đặc biệt kể trên khiến Cục hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan phải "đau đầu". Bên cạnh việc cung cấp ngày 3 bữa ăn, nhà chức trách tại sân bay luôn phải giám sát chặt chẽ phòng khi những vị khách này trốn khỏi sảnh cách ly. Trong hơn một tháng qua, Emu và Puntune sinh sống không một cắc bạc trong túi, không một gam hành lý bên người đã phải lấy ghế làm giường, vật vờ qua ngày.

Ông Trịnh Ngọc Thành, phát ngôn viên của VNA, cho rằng: “Việc kiểm tra nghiêm ngặt giấy tờ tùy thân… của hành khách là rất khó khăn bởi hãng vận chuyển không phải là lực lượng chuyên trách về công việc này”.

Điều này cũng được một lãnh đạo Cục Hàng không VN chia sẻ: "Việc kiểm tra giấy tờ tùy thân, thị thực nhập cảnh… của hành khách để có cơ sở từ chối bay là điều kiện khó với hãng vận chuyển vì họ không phải là nhà chức trách để có thể kiểm tra kỹ lưỡng".

Thực tế, việc một công dân “đặc biệt” nào đó buộc phải sinh sống tạm thời tại một ga hàng không đã không còn nhiều lạ lẫm tại nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, đã có trường hợp một hành khách "gửi gắm" bản thân tại ga hàng không xứ người đến ngót chục năm. Ngay như VNA cũng đã một số lần phải chi trả vé, phí để những “hành khách đặc biệt” như Emu, Puntune rời khỏi Việt Nam.

Việc từ chối cho nhập cảnh cũng là điều bình thường. Gần đây nhất, ngày 19/8 nhà chức trách sân bay Nội Bài vừa từ chối một hành khách nước ngoài quốc tịch Nigeria nhập cảnh vào Việt Nam và yêu cầu xuất cảnh theo lộ trình cũ.

Hành khách này có tên Orjia Kor Antpho (SN 1976), đi trên chuyến bay mang số hiệu VN 790 hành trình Hồng Kông - Hà Nội hạ cánh lúc 15h25 ngày 19/8. Khi làm thủ tục nhập cảnh, Orjia tuy có thị thực nhập cảnh vào Việt Nam nhưng vé khứ hồi không trùng với ngày tháng ghi trong visa; địa chỉ và mục đích đến Việt Nam không rõ ràng; vị khách này cũng không có tiền trong người...

Sau khi bị từ chối nhập cảnh, đáng lẽ vị khách này đã được hãng vận chuyển đưa về địa điểm xuất phát ngay trong ngày nhưng do anh ta có thái độ bất hợp tác nên đã bị cơ trưởng chuyến bay từ chối chở. Điều này khiến nhà chức trách sân bay phải câu lưu hành khách này để chờ chuyến bay tái xuất thích hợp.

Phúc Hưng