Nuôi 1kg cá tra tốn 28.000 đồng chi phí... chỉ bán được 26.000 đồng
(Dân trí) - Xuất khẩu cá tra Việt Nam đang suy giảm về cả sản lượng và giá thành. Theo lãnh đạo ngành NN&PTNT, không đảm bảo chất lượng có thể là điểm yếu khiến ngành này "đánh mất mình".
Phát biểu tại hội nghị An toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cá tra, tổ chức sáng 5/8 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Trên thế giới không nơi nào có điều kiện nuôi trồng, chế biến cá tra như chúng ta. Nhưng giá thành, chất lượng sản phẩm đang là điểm yếu. Nếu không nâng niu, không nâng giá trị, cá tra của chúng ta sẽ đánh mất mình, sẽ đánh mất lợi thế độc tôn.
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, 96% sản phẩm cá tra Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Ngành cá tra có hơn 140 thị trường quốc tế, các thị trường chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...
Do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, kim ngạch xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra nửa sau năm 2023 sẽ có khởi sắc do lạm phát tại Hoa Kỳ dần hạ nhiệt, các nhà nhập khẩu sẽ mua hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Tuy nhiên, do giá và sản lượng đều giảm, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra cao nhất chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 440 triệu USD so với năm 2022.
Về chất lượng sản phẩm cá tra, đại diện Cục Thủy sản - Bộ NN&TPNT đánh giá tồn tại nhiều vấn đề. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, có trên 63% số vùng nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long không đạt nhiều tiêu chí về điều kiện nuôi, cơ sở hạ tầng và đang phải khắc phục.
Ở nhiều cơ sở, mặc dù nhật ký ao nuôi không ghi nhận sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, nhưng khi kiểm nghiệm mẫu cá lại phát hiện.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp nuôi cá đều than khó khăn vì giá sản phẩm đã không tăng trong nhiều năm. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp lớn, hiện để sản xuất 1kg cá tra tốn khoảng 28.000 đồng, nhưng giá bán trên thị trường chỉ khoảng 26.000 đồng/kg, dẫn đến thua lỗ.
Về chất lượng sản phẩm, đại diện doanh nghiệp cho rằng họ khó kiểm soát các tiêu chí kim loại nặng, chất kháng sinh, nguyên nhân có thể đến từ nguồn nước nuôi hoặc con giống. Họ đề xuất quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè và cá da trơn tránh xung đột nguồn nước nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cá tra Việt Nam có lợi thế độc tôn về điều kiện tự nhiên. Ngành nuôi trồng, chế biến cá tra nước ta cũng có ưu thế về kinh nghiệm và công nghệ.
"Trên thế giới không nơi nào có điều kiện nuôi trồng, chế biến cá tra như chúng ta. Nhưng giá thành, chất lượng sản phẩm đang là điểm yếu. Nếu không nâng niu, không nâng giá trị, cá tra chúng ta sẽ đánh mất mình, sẽ đánh mất lợi thế độc tôn", ông Nam nói.
Theo ông Nam, từ nay đến cuối năm ngành hàng cá tra cần tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, xây dựng lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bán lẻ sang bán sỉ, hội nhập sâu, liên kết với doanh nghiệp phân phối ở các thị trường quốc tế để có đầu ra ổn định. Các doanh nghiệp cũng cần đoàn kết, hỗ trợ nhau để xây dựng thương hiệu cá tra quốc gia.
Doanh nghiệp nuôi cá cần khắc phục lỗi trong đảm bảo an toàn thực phẩm triệt để. Không tiếp diễn tình trạng "khắc phục để kiểm tra, sau kiểm tra lại như cũ".
Các địa phương cần xây dựng chuỗi giá trị cá tra, các doanh nghiệp hỗ trợ chuỗi cung ứng phải gắn với vùng nuôi ao nuôi và theo tổ chức hợp tác xã, từ đó kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung.