Nước thiệt, dân nghèo vì… khai khoáng?
(Dân trí) - Thảo luận về Luật khoáng sản sửa đổi ngày 16/6, QH ghi nhận thực trạng thất thoát, chảy máu tài nguyên do thiếu chặt tay trong quản lý thời gian qua. Nhà nước thất thu, người dân “phát hoảng” khi rơi vào khu vực có khoáng sản, chỉ doanh nghiệp khai khoáng hưởng lợi…
Đại biểu “đau đầu” vì thất thoát, chảy máu tài nguyên (ảnh minh họa: Việt Hưng).
Đại biểu Nguyễn Thị Đương khái quát nơi nào có khoáng sản được khai thác đời sống dân càng khó khăn, đường xá đi lại hỏng hóc, môi trường tàn phá, thất nghiệp, tệ nạn xã hội… phức tạp. Bà Đương đề nghị cần có quy định buộc đơn vị khai thác có trách nhiệm bồi hoàn cho những hệ quả gây ra.
Đại biểu Trần Đình Nhã (Vũng Tàu) nhấn mạnh thêm, hiện gần 450 mỏ đang khai thác, hàng triệu dân bị ảnh hưởng. Vùng than Quảng Ninh, hàm lượng khí quá giới hạn cho phép gấp 3 - 5 lần, khu lân cận cũng quá 3 lần. Những vùng mỏ vàng thì “lĩnh đủ” kịch độc xianua.
“Người dân ở nơi khai thác khoáng sản không chỉ nghèo mà còn kinh hoàng khi biết mình ở trên khu đất có tài nguyên nên rất sợ “ông địa chất” phát hiện dưới nhà mình hay gần nhà có mỏ” - ông Nhã hóm hỉnh.
Ông Nhã chỉ ra cái giá của sự đánh đổi quá lớn cho việc khai thác, bán tài nguyên, người hưởng lợi và chịu thua thiệt trong 3 nhóm chủ thể: doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng dân cư.
Nhà nước có một tài sản khổng lồ nhưng chỉ mang về chưa tới 3,5% GDP nguồn thu từ bán khoáng sản trong khi phải chi rất nhiều cho việc làm cầu, làm cảng để xuất tài nguyên, chưa tính đến những chi phí vô hình như chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngược lại DN khai khoáng, theo ông Nhã lại “được” rất nhiều vì chỉ phải nộp phí tài nguyên rất thấp, phí bảo vệ môi trường cũng ko đáng kể để “mua” mỏ, bóc tài nguyên đem bán thu lời.
Đại biểu cho rằng vấn đề khi xây dựng luật là phải thiết kế được hệ thống quy định sao cho khoáng sản thực sự là tài nguyên của toàn dân, khai thác có hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nói về những thất thoát, lãng phí trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) cũng nặng lòng với bài toán, than bán giá quá… bao cấp tạo ra một trận chiến không cân sức với than lậu, gây thiệt hại lớn. Việc xuất lậu titan ngoài phao số 0 cũng gây thất thu thuế khó tính.
Ông Thế cảnh báo việc xuất khẩu cát thời gian qua khiến mỗi năm Việt Nam mất nguyên hòn đảo nửa km2, “sau này con cháu sẽ chất vấn”.
“Việc cấp mỏ nhỏ lẻ biến mỏ to thành mỏ nhỏ, biến mạnh thành yếu. Không phân chia được nguồn thu hợp lý giữa ngân sách TƯ và địa phương từ hoạt động khai khoáng thì không huy động được nguồn lực vào việc bảo vệ tài nguyên, dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực” - ông Thế phân tích những bất hợp lý trong việc phân cấp thẩm quyền quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản.
Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) “hiến kế” quản lý tài nguyên khoáng sản một cách chặt chẽ, tập trung. Theo đó, đại biểu đề xuất không cho phép chuyển nhượng mỏ như quy định trong dự luật. Đơn vị trúng đấu thầu quyền khai thác khoáng sản mà không triển khai được thì phải trả lại nhà nước kèm tiền bồi thường để tránh hiện tượng chạy dự án, mua bán, đầu cơ mỏ để thu lợi.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) phân tích, Việt Nam không phải nước nghèo khoáng sản nhưng chỉ có nhiều những thứ thế giới không thiếu và không có những thứ thế giới cần. Đầu tư cho hoạt động khai khoáng quá lớn, lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để xuất tài nguyên cho nhiều nước nhập khoáng sản của Việt Nam về không phải dùng ngay mà tích trữ, để dành.
Tổn thất khoáng sản theo ông Dũng, than tới 40%, xăng dầu tới 50%. Thất thu, thất thoát từ khoáng sản quá lớn. 2005 phát hiện những vỉa than khai thác lậu tới 41.000 ha.
Ông Dũng dùng khái niệm “lời nguyền tài nguyên” để nhấn mạnh tình trạng thất bại ở việc làm giàu bằng việc bán khoáng sản so với những nước kém tài nguyên hơn. Bài học của Nigieria sau ít năm rầm rộ phát triển công nghiệp khai khoáng đã trở thành 1 trong những nước nghèo nhất thế giới được đại biểu dẫn chứng như một cảnh báo.
Chiều 16/6, QH đã bỏ phiếu thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 84,79% đại biểu tán thành, Luật các tổ chức tín dụng với 86,21% phiếu thuận. QH cũng phê chuẩn Nghị quyết quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, với tổng nguồn thu gần 550.000 tỷ đồng, tổng chi 590.000 tỷ đồng, tỷ lệ bội chi bằng 4,58% GDP. |
P. Thảo