1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nước mắt một “người lái đò” tận tụy

(Dân trí) - 30 năm tha phương gắn bó với mảnh đất Quảng Trị, “gia tài” của cô là bệnh xoang mãn tính, viêm đại tràng và khối u xơ. Đạt nhiều thành tích, nhận vô số bằng khen, nhưng đã vài tháng nay, đôi mắt thâm quầng của cô không lúc nào khô nước mắt.

Một đời nghề miệt mài trên “quê hương thứ hai”

Cô Nguyễn Thị Phương Dung cuối năm học trước còn là giáo viên dạy giỏi của trường THTP Cam Lộ (Cam Lộ - Quảng Trị), còn năm nay cô đã “được” chuyển về Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của huyện. Chúng tôi đến theo một lá đơn thống thiết của cô, và không định viết về cá nhân cô. Nhưng ánh mắt lúc tuyệt vọng, lúc sáng ngời lạ lùng của cô đã khiến chúng tôi phải viết.

Cô Dung đã 49 tuổi, gầy gò với đôi gò má xương xẩu và nước da xanh xao. Cô gầy đến mức người đối diện chỉ xót xa chứ không bất ngờ khi nghe cô kể về tiền sử bệnh cô đang mang trong người: 3 năm trước đi mổ u xơ, hiện vẫn bị căn bệnh viêm đại tràng và xoang hành hạ khi trở trời hơi gió.

Thế nhưng điều ám ảnh nhất là đôi mắt, đôi mắt cô luôn sáng, trong và long lanh mỗi khi nhắc đến nghề giáo, nhắc đến 30 năm lăn lộn trên mảnh đất cằn Cam Lộ và cả mối tình đã đưa cô đến với miền đất này. Và cô nói rất khỏe, khúc chiết và tình cảm, như một thứ “bệnh nghề nghiệp” của giáo viên, mà lại là giáo viên môn Sử.

Năm 1979, khi tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, cô gái Thái Bình đã đem lòng yêu một anh đồng nghiệp, đồng khóa là thầy Thủy, người chồng của cô bây giờ. Thời trẻ cô Dung duyên dáng, năng nổ và hát hay nên anh bộ đội xuất ngũ là thầy Thủy đã đem lòng yêu trong những ngày cùng bước lên giảng đường. Có nhiều người theo đuổi, nhưng cô Dung đã chọn thầy Thủy vì sự chất phác, dung dị đầy chất lính và cả sự cảm thông cho hoàn cảnh nghèo khó của người trai đất Quảng Bình.

Mối tình đó đã đưa cô đến với “đất lửa” Quảng Trị. Dạy ở trường cấp 3 Đông Hà được 2 năm, cô xung phong lên trường “vừa học vừa làm” ở vùng miền núi Tân Lâm và ở rặt đó đến 11 năm trước khi về trường Cam Lộ.

Trong gần 20 năm gắn bó với mái trường này, cô đã đưa đò cho nhiều thế hệ học sinh lớn lên. Học trò thành đạt đã nhiều, còn thầy cô vẫn sống bình dị trong căn nhà nhỏ, dồn tất cả tình yêu và sự chăm chút cho hai đứa con trai, giờ đã trưởng thành.
 
Nước mắt một “người lái đò” tận tụy - 1
Cô Dung đứng trước căn nhà nhỏ, gia sản của một đời làm giáo viên

Cô kể, nhiều đồng nghiệp gọi cô là “chị Dậu”. Gia sản của “chị Dậu” là những tấm bằng khen, chứng nhận cao quý xếp đầy ngăn tủ - sự ghi nhận của ngành giáo dục và của xã hội với những đóng góp của cô với nền giáo dục Quảng Trị nói chung và ngôi trường THPT Cam Lộ nói riêng.

Viết về cô trong tập sách Hoa đời thường, ông Nguyễn Xuân Quy - Ban tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Trị đã gọi cô là: “Một giáo viên hết lòng yêu ngành, yêu nghề”.

Những đêm trắng nhòa trong nước mắt

Tiếp chúng tôi, nước mắt cô chảy dài trên hai gò má, lã chã từng giọt rơi trên tập bằng khen, giấy khen, chứng nhận xếp trên bàn. Đã 2 tháng nay, đêm nào cô cũng khóc, những giọt nước mắt đã làm được cái điều mà những căn bệnh mạn tính không thể làm được: khiến cô suy sụp và nghỉ tiết dạy.

Đó là cái ngày cô Dung nhận được quyết định điều chuyển công tác về TTGDTX huyện, rời mái trường đã gắn liền với một nửa nghiệp giảng dạy của cô, cũng là nơi cô được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh đầu tiên trong trường và là một trong hai người được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phong tặng danh hiệu Phụ nữ xuất sắc 5 năm (2002-2006).

Quyết định đó của Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Trị không chỉ khiến cô Dung ngã ngửa, mà còn khiến Huyện ủy Cam Lộ bất bình, Công đoàn ngành giáo dục bất ngờ và thầy Hiệu trưởng trường Cam Lộ tiếc nuối.

Đó sẽ là một quyết định bình thường, không đi ngược lại chủ trương chung của ngành nếu cô không ở cái tuổi 50, chưa từng cống hiến, chưa từng được ghi nhận, chưa từng dạy ở ba trường cả miền núi lẫn miền xuôi, không phải là cốt cán và không được học sinh yêu quý như người mẹ thứ hai.

Về TTGDTX, cô phải bắt quen với một môi trường giáo dục với 4 lớp học, đối tượng học sinh mới, cách dạy mới và mọi thứ mới mẻ khác mà một giáo viên trẻ có thể học cách thích nghi tốt hơn nhiều một người đã ngấp nghé tuổi về hưu.

Cô Dung nói trong nước mắt: “Cho đến giờ cô vẫn không nghĩ mình đã bị chuyển đi, bởi quyết định đó đến với cô quá bất ngờ và quá sức tưởng tượng. Những đêm không ngủ, cô cứ tự hỏi mình có phải vì cô đã đấu tranh vì tập thể quá nhiều, đã khiến quá nhiều người mếch lòng nên cô phải đi?”.

Để tìm câu trả lời đó, cô Dung đã tìm người ra quyết định để hỏi và nhận được câu trả lời: Vì cô sức khỏe yếu nên được chiếu cố chuyển về TTGDTX. Thậm chí, tập thể người ra quyết định này còn cho rằng có thông tin “nhạy cảm” về cái gọi là mối quan hệ tình cảm giữa cô và thầy hiệu trưởng trường THPT Cam Lộ, thông tin mà chính thầy Thủy - chồng cô - cười ngao ngán: “Vợ tôi sống với tôi đã 30 năm nay, tôi hiểu vợ tôi như hiểu chính mình, làm sao có chuyện đó được. Có một lần, vợ tôi và thầy hiệu trưởng làm việc trong phòng hiệu trưởng, chính tôi đã đợi để chở vợ về. Ấy vậy mà sau đó chẳng hiểu vì sao có người đồn thổi vợ tôi và thầy nọ kia!”.

Càng nhiều cách lý giải về lý do điều chuyển, cô Dung càng không hiểu chuyện gì đang thực sự xảy ra, khi mà mới cách đó mấy tháng, người ký quyết định điều chuyển cô cũng là người ký bằng khen chứng nhận giáo viên giỏi cho cô.

“Sau những năm tháng nhá nhem dưới thời hiệu trưởng cũ (nay là Chánh thanh tra Sở GD-ĐT - Dân trí sẽ thông tin về vụ việc này trong những bài tiếp theo), tôi và những đồng nghiệp tâm huyết đang nỗ lực xây dựng một môi trường giáo dục ngày một tốt hơn. Vậy mà đùng một cái tôi phải đi, đi như một người bị kỷ luật. Có phải tôi bị kỷ luật ngầm vì đã nói, đã đấu tranh, đã nỗ lực làm trong sạch nội bộ? Có phải thế không?” - cô Dung hỏi, nhưng chúng tôi không thể trả lời, bởi cô hỏi đó mà trả lời đó, bởi cô không có cách khác để lý giải nguyên nhân cô phải rời mái trường đã trở thành một phần máu thịt của mình.

(Còn nữa)

Hồng Kỹ