1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước mắt kẻ đặt bom, tống tiền

Ở tuổi 15, Nguyễn Phạm Duy Cường đã làm chồng, 17 tuổi làm cha và 18 tuổi trở thành một tên tội phạm. Gã thanh niên tưởng đã nếm đủ “mùi đời” giờ đang nức nở như một đứa trẻ khi phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/12/155464.vip">đe dọa đặt bom, tống tiền</a> tại siêu thị Co-op Mart Cống Quỳnh.

Cáo trạng mô tả, tháng 12/2005, Cường đã soạn thảo một kế hoạch mang tên Lucky nhằm đe dọa, tống tiền giám đốc siêu thị Co-op mart để lấy 100.000 USD. Thực hiện kế hoạch, Cường mua thuốc súng, ống sắt, đèn ngủ để chế tạo quả nổ. Một tuần sau chế tạo xong, Cường và vợ không hôn thú là Nguyễn Ngọc Phượng đến siêu thị, gửi đèn ngủ có chứa quả nổ vào tủ giữ đồ của khách. Bảo vệ siêu thị phát hiện một ngày sau đó. Cùng lúc, mẻ lưới của công an cũng giăng ra và sau vài cuộc điện thoại hẹn giao tiền, Cường bị bắt.

Thẩm vấn bị cáo Cường, chủ tọa phiên tòa cứ hỏi đi hỏi lại về các cách thức mà Cường đã chế tạo quả nổ cũng như kế hoạch Lucky đã được Cường soạn thảo, tổ chức một cách chi tiết, có cả bí số, ký hiệu, phương án 1, 2... Ông ngạc nhiên bởi sự thông minh của một thanh niên mới lớn, trình độ học vấn chỉ mới lớp 9, không biết gì về vũ khí, chỉ xem phim hình sự Mỹ mà có thể bắt chước để tính toán công suất, lắp đặt được một quả nổ hoàn chỉnh đến thế. Bởi lúc phạm tội, Cường chỉ mới 18 tuổi 8 tháng.

Tuy nhiên, sự thông minh ấy cũng chỉ hơn một đứa trẻ với lối suy nghĩ thật giản đơn trong vài chi tiết khác. Cường khai rằng, cậu chọn siêu thị Co-op Mart để kiếm tiền vì đọc báo thấy siêu thị có doanh thu quá cao, chắc họ sẽ dễ dàng bỏ ra 100.000 USD. Và ngay đến động cơ trong hành động của Cường cũng thể hiện một ước muốn con trẻ là để có tiền cho mẹ trả nợ. Quá trình thẩm vấn tại tòa khiến những người dự khán không khỏi xót xa bởi phía sau hành vi phạm tội của Cường là bi kịch của một gia đình.  

Cường sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản, sung túc. Bố là lái xe, mẹ là đầu mối xuất khẩu trái cây có tiếng ở chợ nông sản Thủ Đức nên chưa bao giờ biết đến cái nghèo. Nhưng đến năm 2000, việc kinh doanh mẹ gặp khó khăn, gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất. Căn nhà của gia đình trên đường Cô Giang, quận 1 phải bán nhưng không trả hết được khoản nợ trên 3 tỷ. Và từ đó, ngày ngày, những cuộc cãi vã của cha mẹ, những tiếng chửi bới của chủ nợ cứ tác động vào đầu óc Cường khiến cậu suy sụp, trầm lặng hẳn đi.

Không lâu sau, cha mẹ Cường chia tay. Cũng từ lúc này, Cường quyết định bỏ học khi đang dang dở chương trình lớp 9 của trường chuyên Thực nghiệm Sư phạm để phụ mẹ buôn bán nhằm kiếm tiền trả nợ. Ngày ngày lăn lê quanh góc chợ, Cường gặp rồi đem lòng yêu Phượng bán cà phê gần đó, hơn cậu 4 tuổi, lại đã có một đời chồng và 1 đứa con. Mặc dù bị mẹ nhất mực cản ngăn nhưng sự hiếu thắng ở một cậu bé mới lớn không làm Cường thay đổi. Đến khi mẹ phải vào viện để điều trị bệnh tâm thần thì Cường về sống chung như vợ chồng với Phượng dưới một mái nhà.

Căn phòng hơn 6m2 mà vợ chồng con cái cậu đang cư ngụ vốn đã chật chội, kể từ khi nợ nần thúc bách, mẹ thì bị chủ nợ đánh gãy sống mũi, vợ con lại ốm đau không tiền thang thuốc, đói ăn, thiếu mặc... thì nó lại càng bức bối, tù túng hơn. Ngày nào Cường cũng nghĩ nhưng mãi vẫn không ra cách nào thoát khỏi cảnh khốn khó. Cuối cùng cậu quyết định chọn phương thức kiếm tiền nhanh gọn nhất. Cách giải quyết này cũng cắt đứt của cậu tất cả: tự do, tương lai, hạnh phúc của một gia đình trong khu chung cư cũ nát ấy, bằng bản án 15 năm tù cho mình và 7 năm tù cho vợ.  

Gặp mẹ Cường sau phiên tòa, bà vẫn cứ nức nở mãi. Bà bảo bà ân hận lắm vì những sai lầm của cuộc đời bà đã khiến con mình nông nổi. Bà bảo rằng, kể từ ngày Cường phạm tội, bà không dám ngẩng đầu mỗi khi ra đường bởi bà xấu hổ với anh em bạn bè, với bà con chòm xóm bởi từ nào đến giờ, dòng họ nhà bà toàn làm cách mạng, chưa biết lấy cái kim sợi chỉ của ai...

Rồi bà kể về thằng con trai ngoan ngoãn hiền lành của bà ngày xưa, về tình thương dành mẹ thì đến giờ vẫn vậy. "Tôi vẫn không tin được thằng Cường nó lại làm cái việc tày đình đó, cô ạ. Hôm nó bị công an dẫn về, tôi rụng rời cả tay chân nhưng cũng chỉ nghĩ được là nó đánh nhau với ai nên bị bắt. Có ngờ đâu... Biết chuyện, bà nội Cường đau buồn mà đổ bệnh, phải năm một chỗ. Đến giờ, nhà cũng phải nói dối cụ là nó đi tù chỉ hơn một năm rồi về... để cụ hy vọng mà sống", bà xót xa kể.

Niềm an ủi bà trong lúc này là thằng cháu đích tôn, con Cường đang mỗi ngày mỗi lớn. Kể từ ngày Cường bị bắt, bà xót thương tình cảnh hai mẹ con Phượng côi cút nên mặc nhiên chấp nhận cô con dâu mà bà từng chối bỏ. Bà về sống với con dâu, mẹ con đỡ đần chăm sóc cho nhau dưới một mái nhà. Sắp tới, bà còn phải gánh vác trách nhiệm của cha mẹ thằng bé khi con dâu bà cũng phải đi thi hành án. Hy vọng duy nhất của bà trong lúc này là ngày trở về của thằng con trai. Suốt cả cuộc nói chuyện, bà cứ lầm rầm cầu trời khấn phật, mong con mình cải tạo tốt để sớm về nhà, để nuôi dạy con, đừng để cháu bà rơi và hoàn cảnh vắng cha như con bà từng phải chịu.

Theo Nguyễn Hải
Ngôi Sao