Nước biển tăng tốc xâm thực đe dọa hàng nghìn hộ dân ở Thừa Thiên Huế
(Dân trí) - Tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đe dọa hàng ngàn hộ dân.
Tại khu vực bờ biển xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), tình trạng biển xâm thực, ăn sâu vào đất liền diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.
Theo người dân ở thôn 2, xã Vinh Thanh, nước biển ngày càng dâng cao, xói sâu vào đất liền bình quân mỗi năm 5-10m, với tổng chiều dài khoảng 0,7km. Nhiều cây phi lao tại khu rừng phòng hộ xã Vinh Thanh bị sóng biển đánh bật gốc, khiến diện tích ngày càng thu hẹp.
"Trước đây biển ở ngoài xa, nhưng ngày càng ăn sâu vào đất liền. Năm 2016, tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển xảy ra nặng nhất, khiến tuyến đường bê tông và nhiều hàng quán tại khu vực bãi tắm Vinh Thanh bị hư hại. Hiện nay, khu bãi tắm đã được quy hoạch, xây dựng lại khang trang hơn, nhưng đường bờ biển của xã còn nhiều đoạn sạt lở", người dân xã Vinh Thanh nói.
Dọc theo tuyến bờ biển các xã Phú Diên, Phú Hải, Phú Thuận (huyện Phú Vang), tình trạng xâm thực, xói lở đường bờ biển cũng diễn biến phức tạp, kéo dài, đe dọa các khu dân cư ven biển.
Tại xã Phú Thuận, khu vực từ thôn Tân An đến thôn Xuân An là trọng điểm của sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ, 4.087 khẩu, gây nguy cơ mất nơi ở, ảnh hưởng sản xuất.
Điều đáng nói là trong suốt những tháng hè vừa qua, tình trạng biển xâm thực vẫn xảy ra tại khu vực Phú Thuận. Đây là hiện tượng hiếm thấy, xảy ra lần đầu và gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân địa phương.
Theo lãnh đạo xã Phú Thuận, địa phương này đã được đầu tư xây dựng khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm với tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng, trong đó, đoạn kè thôn Tân An hoàn thành vào năm 2023. Các công trình này đã phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết toàn tỉnh có khoảng 138.000 người dân sinh sống dọc dãy đồi cát ven bờ, kéo dài từ xã Điền Hương (Phong Điền) đến đèo Hải Vân, với 21 xã, phường, thị trấn của các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế.
Hằng năm, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nhất là dâng do bão, đã làm cho tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, bồi lấp cửa biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.
Trung bình mỗi năm, bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị xâm thực, xói lở sâu 5-7m, có nơi 10-15m. Hiện có khoảng 14,5km trên tổng số 127km bờ biển của tỉnh này bị sạt lở.
Tình trạng sạt lở nặng nhất tập trung tại các xã ven biển thuộc huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thành phố Huế, với chiều dài khoảng 10,5km, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân; có nguy cơ mở cửa biển mới, gây ảnh hưởng đến đường giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ, an ninh quốc phòng.
Theo ông Hòa, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư xây dựng được khoảng 9,38km kè chống sạt lở bờ biển tại các đoạn xung yếu, nguy hiểm và ổn định cửa biển với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Các công trình kè chống sạt lở bờ biển đã phát huy hiệu quả, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân.
Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở bờ biển xung yếu qua các thôn Tân An, Trung An, Xuân An thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng kinh phí dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.