1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nghệ An:

Núi nứt đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân dưới chân Núi Thành thuộc khu vực xóm 8, xã Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên) hơn 1 năm qua phải sống trong nơm nớp lo sợ thảm hoạ lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo phản ánh của những người dân sống quanh khu vực Núi Thành thì đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy hiện tượng núi bị rạn nứt theo hình vòng cung. Vết nứt bắt đầu xuất hiện vào tháng 8/2007 ở phía trên phần mái núi cạnh vách đứng ở khu vực Hồ Thình, có chiều rộng từ 10 - 15 cm.

 

Do ảnh hưởng cơn bão số 2 năm 2007, đến tháng 8 cùng năm bỗng dưng đất đá, nước từ trên núi chảy "hồng hộc" vào nhà dân và vùi lấp cả lòng hồ điều hoà nước của khu vực dân cư nơi đây.

 

Bước sang mùa mưa năm 2008, vết rạn nứt trên tiếp tục có hiện tượng ngày càng rộng thêm, từ 0,7 - 1 m, chiều dài hơn 300m và rất nhiều chỗ nứt dăm, sâu từ 10 - 15 m. Trên toàn diện tích rạn nứt khoảng 3 - 3,5 ha, có nơi còn bị sụt lún thấp hơn mặt đất tự nhiên liền kề từ 0,3 - 0,5 m.

 
Khảo sát tình hình tại hiện trường và cuộc họp giữa đại diện các Sở TN&MT Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Sở Văn hoá, đã có kết luận về nguyên nhân gây nên hiện tượng rạn nứt và sụt lún ở khu vực Núi Thành.

 

Theo đó, hiện tượng núi bị rạn nứt là do 2 nguyên nhân: Thứ nhất là từ năm 2000 về trước, khu vực dưới chân Núi Thành đã bị khai thác đất để thi công tuyến đê Tả Lam, tạo thành vách đứng có chiều cao 30 - 35 m, gây nên tình trạng sạt lở đất đá. Nguyên nhân thứ hai là do hoạt động kiến tạo và biển đổi dòng chảy của Sông Lam.

 
Núi nứt đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân - 1


Những vết nứt tại Núi Thành ngày càng lớn khiến hàng chục hộ dân lo âu.


Tuy nhiên theo nhận định của cơ quan chức năng thì nguyên nhân thứ hai là ít có khả năng tác động đến hiện tượng rạn nứt hơn. Tình trạng rạn nứt và sụt lún ở khu vực Núi Thánh đã gây nên tâm lý lo sợ của những người dân sống quanh khu vực này.
 
Hiện nhà cửa của một số hộ dân xóm 8 đã xuất hiện vết nứt trên tường các công trình phụ, bờ rào và mặt nền giếng láng xi măng, bị đẩy dồn khoảng 5 - 7 cm. Không chỉ ảnh hướng đến cuộc sống của những hộ dân sống quanh chân núi mà tình trạng rạn nứt Núi Thành còn có nguy cơ ảnh hưởng đến Di tích lich sử Núi Lam Thành.
 
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Ngô Minh Hạ, Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết: “Nguy cơ sạt lở là rất lớn, thảm hoạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với cuộc sống của 14 hộ dân xóm 8. Từ khi phát hiện có hiện tượng các vết rạn nứt trên, UBND xã đã báo cáo tình hình lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Núi nứt đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân - 2


Đã có nhiều trâu bò bị sẩy chân xuống các vết nứt.

Trước mắt để tránh những thảm hoạ đáng tiếc có thể xảy ra trái ý, UBND xã đã lên phương án sơ tán 14 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời nghiêm cấm việc chăn thả trâu bò trong khu vực nguy hiểm.
 
Xã cũng đã thuê lại khu văn phòng của nhà máy đường Sông Lam trước đây, cách khu vực Núi Thành hơn 700m, tiến hành tu sửa lại để những hộ dân sơ tán ra ở tạm. Trước mắt chính quyền xã chưa thể lập được phương án đền bù, di dời và khu vực tái định cư cho những hộ dân này.
 

Núi nứt đe dọa cuộc sống hàng chục hộ dân - 3


Khai thác dưới chân núi là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng nứt núi.

Về phương án khắc phục, để giảm áp lực tải trọng khối đất đá nằm trong cung sạt trượt có nguy cơ sạt lở kéo theo mảng sạt lớn, các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đã đề ra nhiều phương án cụ thể như tiến hành đào, xúc khối lượng đất đá có nguy cơ sạt lở của cung sạt trượt, giật theo từng cấp.

 
Đồng thời cho trồng cây, thảm cỏ để giảm nguy cơ sạt lở về sau. Phương án đề ra là phải hoàn thành các bước trước mùa mưa năm 2009. Nhưng để làm được việc này thì cần phải có sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng và cấp trên!

 

Duy Tuyên - Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm