1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Núi Hồng chi chít "vết sẹo": Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm

(Dân trí) - Chưa cắt tầng khai thác theo thiết kế được duyệt, chưa có sơ đồ hiện trạng mỏ, một số công trình bảo vệ môi trường chưa hoàn thành, chưa nộp đủ tiền thuế tài nguyên... Với ngần ấy sai phạm, doanh nghiệp vẫn vô tư "xẻ" núi Hồng.

Nhiều sai phạm

Chiều ngày 29/10, lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin tới PV Dân trí một số kết quả kiểm tra bước đầu các nội dung báo phản ánh về thực trạng khai thác đá bất hợp lý tại núi Hồng Lĩnh - danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở miền Trung.

Vị lãnh đạo này thừa nhận, có thực trạng doanh nghiệp sau khi khai thác đã quên hoàn thổ, trồng rừng tái tạo môi trường khiến núi Hồng loang lổ, mất mỹ quan như phản ánh.

“Chúng tôi chưa thống kê đầy đủ nhưng có nhiều trong tổng số 29 mỏ đá đã đóng cửa mỏ ở khu vực núi Hồng Lĩnh chưa hoàn thổ như báo phản ánh. Hiện chúng tôi đang cho rà soát lại và buộc các doanh nghiệp phải thực thi hoàn thổ, trồng rừng như cam kết”- vị lãnh đạo này cho biết.

Núi Hồng chi chít vết sẹo: Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm - 1

Sở TN-MT Hà Tĩnh thừa nhận, rất nhiều trong số 29 mỏ đá đã đóng cửa mỏ nhưng doanh nghiệp không tiến hành hoàn thổ, trồng rừng tái tạo môi trường như cam kết.

Đáng chú ý, theo vị lãnh đạo Sở TN-MT Hà Tĩnh, qua kiểm tra thực trạng khai thác đá tại núi Hồng, hai đơn vị trực thuộc là Thanh tra và Phòng Khoáng sản đã phát hiện Công ty Việt Nam 1- chủ mỏ lớn nhất đang khai thác đá tại khu vực núi nằm giáp ranh giữa phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) và xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc)- có rất nhiều sai phạm.

Núi Hồng chi chít vết sẹo: Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm - 2

Công ty VN1 nơi được Sở TN-MT Hà Tĩnh phát giác có nhiều sai phạm trong quá trình khai thác.

Cụ thể, theo vị lãnh đạo nêu trên, Công ty VN1 được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động khai thác trong vòng 10 năm (2015-2025) với trữ lượng hơn 720.000m3.

Đến thời điểm này, dù đã khai thác rầm rộ, tuy nhiên, Cty VN1 chưa cắt tầng khai thác theo thiết kế được duyệt, chưa có sơ đồ hiện trạng mỏ, một số công trình bảo vệ môi trường chưa hoàn thành.

Đáng chú ý, công ty này cũng chưa nộp đủ tiền thuế tài nguyên 1,9 tỷ đồng và chưa nộp phí bảo vệ môi trường.

Núi Hồng chi chít vết sẹo: Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm - 3

Dù đã khai thác rầm rộ, tuy nhiên, Cty VN1 chưa cắt tầng khai thác theo thiết kế được duyệt.

“Hiện nay chúng tôi đang thống nhất phương án xử lý, trong đó phương án được xem xét là đóng cửa mỏ nếu Cty VN1 không khắc phục các sai phạm nêu trên” - vị lãnh đạo Sở TN-MT Hà Tĩnh cho hay.

Kiến nghị đóng khẩn cửa mỏ để cứu núi Hồng

Liên quan đến tình trạng khai thác đá khiến núi Hồng loang lổ, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa mà danh lam thắng cảnh này mang lại, lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh cần sớm đóng các cửa mỏ còn lại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường cho rằng, phương án tối ưu nhất để cứu núi Hồng là tiến hành đóng cửa các mỏ đá dù còn thời hạn cấp phép khai thác, tiến hành hoàn thổ, trồng rừng trên đồng loạt các mỏ đá đã khai thác.

Núi Hồng chi chít vết sẹo: Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm - 4

PV Dân trí làm việc với ông Nguyễn Duy Cường.

“Tôi đã từng đề xuất với đồng chí Giám đốc Sở TN-MT tỉnh là phải đóng cửa mỏ thì mới cứu được bộ mặt của núi Hồng, chứ khai thác như thế đúng là quá mất mĩ quan. Vướng mắc lớn nhất là giấy phép khai thác của doanh nghiệp vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo tôi, tỉnh có thể thỏa thuận với doanh nghiệp. Phương án có thể là đẩy nhanh tiến độ khai thác, hoặc hoán đổi, cấp phép cho doanh nghiệp ở những khu khai thác tập trung khác”- ông Cường nêu giải pháp.    

Ông Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cũng khẳng định, việc đóng cửa mỏ, khẩn trương hoàn thổ, trồng cây tái tạo môi trường là một giải pháp cần tiếp tục được tỉnh quan tâm.

Núi Hồng chi chít vết sẹo: Doanh nghiệp vô tư xẻ núi dù có nhiều sai phạm - 5

Lãnh đạo thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh đóng cửa những mỏ đá như thế này để cứu núi Hồng.

Lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận những kiến nghị của các địa phương, đồng thời cho biết, hiện đã chỉ đạo Phòng Khoáng sản làm việc với phía các doanh nghiệp thống kê, kiểm kê thật chính xác trữ lượng được cấp phép còn lại bao nhiêu để xin kế hoạch, chủ trương xử lí của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Doanh nghiệp không hoàn thổ vì ký quỹ quá thấp

Ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) thống kê, toàn phường có 12 mỏ đá thì chỉ còn 1 mỏ đá (Cty VN1) đang hoạt động.

Trong số 11 mỏ có 5 mỏ được các doanh nghiệp, HTX hoàn thổ, trồng rừng tái tạo môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả tái tạo môi trường không được như mục tiêu đặt ra, nhiều chỗ cây trồng chết, không thể che phủ đất đá khai thác.

Số còn lại là HTX và doanh nghiệp không hoàn thổ, trồng rừng như cam kết. Lý do mà ông Thắng nêu ra là tiền ký quỹ bảo vệ môi trường quá thấp, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mất phí chứ không tiến hành hoàn thổ, trồng lại rừng như cam kết.

Văn Dũng – Tiến Hiệp