1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Núi đá “tật nguyền”

(Dân trí) - Chưa bao giờ người dân Nghệ An lại thấy sợ hãi và tiếc thương đến thế khi phải chứng kiến những dãy núi đá sừng sững, oai hùng “tàn tật” dần theo thời gian. Những núi đá đang bị chính con người đả thương.

Công cuộc khai thác khoáng sản ở huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) được bắt đầu từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng lúc đó nạn khai thác quặng thiếc chủ yếu do những người dân tứ xứ đổ về.

Tuy nhiên đến năm 1997, khi mỏ đá trắng Việt - Nhật “đóng đô” ở xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp) được quy hoạch và sau đó đi vào hoạt động khai thác thì các tổ hợp, doanh nghiệp, công ty TNHH… khai thác đá trắng ở Quỳ Hợp cũng bắt đầu hình thành và phát triển nhanh đến chóng mặt, nhanh hơn cả một cơn bão.

Đến đầu năm 2000, công cuộc khai thác đá trắng đã bắt đầu rầm rộ… và chiếm một vị trí quan trọng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Quỳ Hợp.

Cuối năm 2009, toàn huyện Quỳ Hợp đã có 135 doanh nghiệp, tổ hợp, công ty TNHH… hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá trắng. Trong đó có tới 83 đơn vị khai thác, chế biến đá trắng…

Bên cạnh những nguồn lợi mang lại, những hậu quả của việc khai thác khoáng sản cũng rất nặng nề: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, tai nạn lao động, tệ nạn xã hội… mà không biết đến bao giờ mới khắc phục được!

Ngoài ra, khai thác đá trắng mang tính nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm” đã làm cho một nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước bị “băm nát” đến tiêu điều, “thương tật”…
 
Nhìn những ngọn núi méo mó, dị dạng dưới đây, không chỉ người dân Nghệ An mới thấy xót xa...
 
Núi đá “tật nguyền” - 1
Khai thác đá ở xã Liên Hợp
 
Núi đá “tật nguyền” - 2
Tan hoang núi đồi ở xã Châu Lộc
 
Núi đá “tật nguyền” - 3
Nham nhở núi đá hoa cương, cạnh tỉnh lộ 532, xã Thọ Hợp
 
Núi đá “tật nguyền” - 4
Đá trắng được khai thác ở Thung Cồn, xã Châu Quang
 
Núi đá “tật nguyền” - 5
Núi bản Piêng Tồ, xã Châu Hồng đang bị tan nát vì khai thác đá
 
Núi đá “tật nguyền” - 6
Khéo sâu vào lòng núi bản Thắm, xã Châu Cường
 
Núi đá “tật nguyền” - 7
Quỳ Hợp - thủ phủ của đá trắng giờ đang tan hoang, cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài sản quốc gia...
 
Sau khi có kết luận số 128 ngày 20/1/2010 của Thanh tra Chính phủ và quyết định số 1184/QD-UBND.TN ngày 19/3/2010 của UBND tỉnh Nghệ An, công tác quản lý khoáng sản đã có sự điều chỉnh, huyện Quỳ Hợp đã thành lập nhiều tổ công tác tiến hành đình chỉ hoạt động của nhiều đơn vị khai thác khoáng sản. Điều này làm nảy sinh những mâu thuẫn mới giữa các công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn.
 
Trong khi các doanh nghiệp, điểm mỏ bị tạm đình chỉ thì một loại hình vi phạm khác lại nổi lên khá phổ biến là lợi dụng giấy phép thăm dò để khai thác, thậm chí là khai thác thổ phỉ, lại diễn ra.
 
Trước tình hình hiện nay, huyện Quỳ Hợp đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục pháp lý; phối hợp với các ngành, cấp liên quan để quản lý tốt hơn theo nội dung của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh như vấn đề đất đai, khai thác chế biến, bảo vệ môi trường, thuê đất… (Trịnh Viên)
 
Thái Tâm - Nguyễn Phê