Nửa đêm ra đồng... cấy lúa
(Dân trí) - Buổi tối là thời gian nghỉ ngơi nhưng nhiều nông dân ở Thanh Hóa lại phải lao động cật lực để cấy lúa cho kịp thời vụ. Thời tiết nắng nóng oi bức ban ngày khiến nhiều nông dân cực chẳng đã phải chọn cách ra đồng cấy lúa vào ban đêm.
Những ngày này, trên nhiều cánh đồng ở Thanh Hóa, bà con nông dân đang xuống đồng cấy vụ lúa hè thu. Do thời tiết những ngày qua nắng nóng kéo dài nên công việc đồng áng của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi nắng nóng khô hạn, không có nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi có nước nhưng thời tiết lúc nào cũng ở ngưỡng 39 – 40 độ C, người nông dân không thể phơi mình dưới cái nắng như rang. Nước nóng, cây lúa cấy xuống không bén rễ, bị chết, nên nông dân không thể cấy lúa vào ban ngày.
Để cho kịp thời gian vụ mùa, lúa được cấy đúng thời vụ, nông dân nhiều nơi ở Thanh Hóa đã chọn phương pháp ra đồng lúc nửa đêm để cấy lúa. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, bà con nông dân ở một số huyện như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hà Trung, Đông Sơn… vào mỗi buổi tối lại nhộn nhịp sản xuất trên các cánh đồng.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa vào lúc 21h đêm. Những ánh đèn pin lấp ló trên nhiều thửa ruộng, dưới ánh sáng đèn pin, những bàn tay thoăn thoắt cấy mạ xuống bùn sâu.
Chị Nguyễn Thị Hường cười nói: “Ban ngày trời nắng nóng quá, ở trong nhà còn không chịu nổi chứ nói gì ra đồng mà đi cấy lúa. Ban ngày không đi cấy được chỉ còn cách là phải đi cấy ban đêm cho kịp thời vụ”.
Những ngày này, lịch làm việc của gia đình chị Hường bị đảo lộn hoàn toàn. Ban ngày, gia đình làm các công việc nhà và nghỉ ngơi. Ban đêm cả nhà lại ra đồng đi cấy lúa, công việc làm đồng bắt đầu từ 17h chiều. Khi trời chưa tối, mọi người trong gia đình chị cùng nhổ mạ rồi chuyển xuống ruộng lúa, bón phân, xong hết các công việc trên mới cấy lúa.
Về bữa cơm tối của gia đình, chị Hường cho hay: “Có hôm thì ăn cơm ở nhà rồi mới ra đồng, có bữa thì một người ở nhà nấu rồi mang ra cho những người ở ngoài đồng ăn luôn tại ruộng. Làm nông nghiệp thì ăn uống cũng thất thường lắm. Nhất là vào ngày mùa và những ngày nắng nóng như thế này, có ăn cũng cho qua bữa. Gia đình tôi gắng làm sao để cấy xong được hơn 5 sào lúa cho kịp được thời vụ là đỡ lo hơn, chứ cứ nắng thế này không cấy nhanh hết nước khô hạn lúa chưa bén rễ, chết thì mất mùa”.
Đang cấy lúa sát bên gia đình chị Hường là chị Trần Thị Nga và bà Ngô Thị Lan. Thửa ruộng nhà chị Nga hơn 2 sào đã cấy được hơn 2/3. Chị Nga cho hay, để cấy được diện tích lúa như vậy chị đã phải ra đồng hai đêm nhưng vẫn chưa xong. Buổi tối hôm nay, chị Nga mượn thêm bà Lan cấy để gắng cho xong được thửa ruộng này để chuyển qua nơi khác cấy không ruộng bị khô hết nước.
“Gắng cấy hết hôm nay mà không kịp, chắc ngày mai tôi phải thuê thêm người cấy giúp không có ruộng bị khô nước, cấy không kịp được thời vụ. Thuê người đi cấy thuê ban ngày cũng khó lắm, dù công cao nhưng nắng như thiêu đốt nên chẳng ai đi. Thuê cấy ban đêm thì lại không đủ thời gian làm việc, trời cứ nắng mãi thế này làm nông nghiệp vất vả trăm bề” – chị Nga than phiền.
Bà Ngô Thị Lan chia sẻ: “Cấy ban ngày đủ ánh sáng thì hàng lúa đẹp hơn, ban đêm cấy bằng đèn tối quá cũng không thấy rõ nên hàng lúa không được đẹp cho lắm. Trời tối cấy hàng lúa hơi thưa nên sau khi lúa bén rễ lại phải đi rậm lại, cũng mất công lắm. Làm nông nghiệp bây giờ chẳng ăn thua gì, một vụ lúa có khi còn lỗ, khổ nỗi giờ ở quê không làm ruộng thì biết làm gì được?”.
Tâm sự của bà Lan cũng là nỗi niềm chung của nhiều bà con nông dân. Biết là mỗi vụ múa chẳng cho thu nhập được bao nhiêu nhưng bà con nông dân không bám lấy ruộng thì biết làm gì để sống?
Thời gian càng về đêm, trên nhiều cánh đồng công việc cấy lúa của bà con nông dân càng khẩn trương, nhộn nhịp. Nhiều người dân ở huyện Đông Sơn ví von, cái thời “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” qua đã lâu nay trở lại.
“Nghe ông bà kể cái thời xưa “ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” chúng tôi ai cũng thấy đậm chất khổ của người xưa. Giờ thời hiện đại người dân cũng phải đi cấy ban đêm nhưng không phải bằng ánh trăng mà hiện đại hơn là có cái đèn pin, đỡ tối và chủ động hơn nhiều. Bà con nông dân chúng tôi vừa cấy ban đêm vừa hát bài dân ca “đi cấy” cho quên mệt nhọc” – ông Trịnh Minh Thành ở huyện Đông Sơn chia sẻ.
Thái Bá