1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đồng Nai:

"Nữ tướng" chống gian lận xăng dầu đã thâm nhập “điểm nóng” thế nào?

(Dân trí) - Một mình đi trinh sát, rồi đóng giả người tiêu dùng để trực tiếp đối chiếu tình trạng gian lận trong buôn bán xăng dầu. Nữ Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Đồng Nai được xem như “khắc tinh” của những điểm kinh doanh xăng dầu gian lận.

anh2-1442057009998

Đoàn kiểm tra "nhập vai" vào trinh sát các cây xăng nghi có dấu hiệu gian lận - (ảnh do Sở KHCN Đồng Nai cung cấp)

Chúng tôi hẹn gặp chị Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Đồng Nai vào một buổi sáng cuối tuần. Với dáng người thanh mảnh và khuôn mặt hiền hậu, nhưng "ẩn chứa" bên trong con người ấy lại là một tinh thần kiên định, quả cảm... Chị đã không ít đêm thức trắng, một thân một mình nhập vai trinh sát để bắt quả tang "gian lận thương mại" tại hàng chục cây xăng trên địa bàn tỉnh. Quả thật, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ này chính là “khắc tinh” của những trạm xăng dầu gian lận.

Chị Phương mở đầu câu chuyện: Đầu tháng 3/2015, khi đang làm Trưởng phòng Pháp chế (thuộc Sở KHCN Đồng Nai) thì được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, chị nhanh chóng bắt tay vào công việc mới với quyết tâm “phải làm sao giải quyết được nạn gian lận xăng dầu tồn tại bao lâu nay”.

Xem xét hồ sơ công việc, chị nhận ra rằng hầu hết công tác kiểm tra các trạm xăng chỉ bị phát hiện gian lận về nhãn hiệu hàng hóa, không chấp hành đúng quy định về bảo quản tem, chứ chưa có trường hợp nào vi phạm về đo lường và chất lượng. Để nắm bắt tình hình, chị Phương quyết định tiến hành đi thực tế. Tuy nhiên, sau 10 ngày đầu tiến hành đi kiểm tra 15 trạm xăng theo kiểu "truyền thống" thì chị cũng chẳng phát hiện được được vi phạm nào về đo lường của các trạm xăng.

“Kiểm tra theo phương pháp truyền thống là đi xe biển số xanh, tới cây xăng rồi thong dong, đường đường chính chính đi vào trình quyết định kiểm tra. Chờ chủ doanh nghiệp đến, lấy thiết bị ra kiểm tra. Lần kiểm tra nào cũng vậy, không phát hiện được vi phạm nghiêm trọng nào trong gian lận xăng dầu” - chị Phương giải thích thêm.

Nhận thấy cách kiểm tra truyền thống có hạn chế lớn là các chủ trạm xăng có quá nhiều thời gian để đối phó, xóa dấu vết gian lận, chị Phương quyết định “nhập vai” người tiêu dùng để thu thập chứng cứ. Những cây xăng có dấu hiệu khả nghi được đưa vào tầm ngắm của vị Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL. Bắt đầu “nhập vai”, chị Phương mang hai can nhựa đến một trạm xăng của tập đoàn Nhà nước vừa được kiểm định, mua một can dầu, một can xăng, mỗi can 200.000 đồng.

“Trong kinh doanh xăng dầu có hai "giới" là các công ty Nhà nước và công ty tư nhân. Việc gian lận ở công ty nhà nước thường rất ít. Trong khi công ty tư nhân, do có "khả năng" tự làm chủ nên sẽ tự quyết được việc có gian lận hay không. Vậy nên, tôi đã làm thử một bài kiểm tra, khi đổ xăng ở cả cây xăng của công ty nhà nước và công ty tư nhân thì thấy rõ sự chênh lệch. Số lượng xăng đổ ở cây xăng tư nhân luôn ít hơn khoảng 10%.” - Chị Phương chia sẻ.

Quá trình đi trinh sát và kiểm tra hành vi gian lận của nữ Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (ảnh do Sở KHCN Đồng Nai cung cấp)
Quá trình đi trinh sát và kiểm tra hành vi gian lận của nữ Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (ảnh do Sở KHCN Đồng Nai cung cấp)

Sau khi mua xăng, chị kẻ một vạch ngang mức xăng, dầu mua được để làm chuẩn. Từ đây, chị đóng vai người đi mua xăng về bán lẻ. Để “nhập vai” một cách tốt nhất, chị Phương đã mượn một chiếc xe máy cũ nát, ăn mặc giống như dân buôn rồi đến những trạm xăng nghi ngờ mua đúng số tiền trên để kiểm tra chênh lệch. Kết quả cho thấy số trạm xăng gian lận về đo lường là rất lớn, đối chiếu 10 trạm kiểm tra thì có đến 8 trạm “dính” và số lượng gian lận rất lớn. “Theo quy định của Bộ thì 10 lít cho sai số là 0,3%, đối với đoàn kiểm tra là 0,45%. Nhưng khi trinh sát, tôi phát hiện sai số lên đến 2 -15%. Như vậy với 10 lít bán ra, doanh nghiệp đã ăn cắp của khách hàng đến 1,5 lít” - Chị phương làm một phép toán đơn giản để dễ chúng tôi hình dung.

Khi được hỏi về lý do phải dấn thân, tự mình trở thành trinh sát, chị Phương chia sẻ: “Vì bản thân mình là người tiêu dùng, đổ ở trạm xăng đó thấy rõ hao hụt nên tôi suy nghĩ phải đi trinh sát để nắm bắt sự thật và tôi quyết định đi một mình” - Chị Phương khẳng định, muốn thành công trong phát hiện gian lận của các trạm xăng cần có yếu tố bất ngờ.

Chính vì vậy, khi trinh sát xong mặc dù biết chắc trạm xăng nào gian lận nhưng chị chưa vội tổ chức kiểm tra ngay mà còn phải quan sát, nắm rõ sơ đồ, vị trí, nơi bố trí nguồn điện, có bao nhiêu trụ bơm… để khi ập vào bắt người của Chi cục sẽ án ngữ những vị trí đó ngăn không cho nhân viên trạm xăng tác động xóa đi giấu vết... - Chị Phương chia sẻ thêm về quá trình thâm nhập thực tế cũng như phương án cùng đồng đội tác nghiệp sao cho công việc được hiệu quả nhất.

(Mời bạn đón đọc kỳ II:  “Nữ tướng” chống gian lận xăng dầu: Con người của hành động!)

Vĩnh Thủy

 

"Nữ tướng" chống gian lận xăng dầu đã thâm nhập “điểm nóng” thế nào? - 3

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm