1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nữ thương binh “mong có thêm sức lực, của cải để làm từ thiện”

(Dân trí) - Khi đất nước còn chiến tranh, chị trực tiếp ra chiến trường góp sức trẻ cho quê hương. Hòa bình lập lại, trở về quê với đôi mắt mù lòa, là thương binh hạng ¼, chị vẫn nhiệt tình với công tác từ thiện.

Chị là Nguyễn Thị Mùi (SN 1954), trú tại thôn Trường Sơn, xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Chị được người dân biết đến là một nữ thương binh hạng ¼ biết vượt qua khó khăn, ham làm việc thiện.
 
Ngôi nhà rộng chừng 30m2 của chị không có nổi một bộ bàn ghế “tử tế” để tiếp khách.
 
Nữ thương binh “mong có thêm sức lực, của cải để làm từ thiện” - 1
Chị Mùi đang xem lại những kỷ niệm một thời chiến đấu oanh liệt.
 
Cũng như bao thanh niên khác, tháng 12/1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chị Mùi xung phong vào bộ đội và được biên chế về Trung đoàn 532, Đoàn 592 rồi chuyển sang chiến trường Lào. Tại đây, chị tham gia công tác cấp phát xăng dầu cho xe chạy vào tiền tuyến. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị thanh niên xung phong Nguyễn Thị Mùi ngày ấy chiến đấu không mệt mỏi. Hai năm liền chị được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, hai bằng khen và ba giấy khen.
 
Năm 1978, từ chiến trường trở về với đôi mắt mù do di chứng của căn bệnh sốt rét ác tính. Sau đó được các bác sĩ tận tình chữa trị, mắt chị có phần hồi phục nhưng cũng chỉ có thể nhìn được mờ mờ.
 
Trở về quê với thương tật trên mình, chị Nguyễn Thị Mùi vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương.
 
Nữ thương binh “mong có thêm sức lực, của cải để làm từ thiện” - 2
Những thành tích đáng quý của cô nữ thương binh hạng ¼

Cuộc sống thường ngày của một nữ thương bệnh binh nhiều khốn khó, ngoài tiền chế độ thương tật hàng tháng của nhà nước, chị Mùi còn cố gắng bươn chải cấy thêm ba sào ruộng để có đủ lương thực cho cuộc sống hàng ngày.

Sức khỏe khá hơn một chút, chị lại tham gia các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Chia sẻ những tình cảm của mình với những người con đang ngày đêm canh giữ biên cương cho tổ quốc, mặc dù bản thân tật nguyền nhưng năm 2008, chị đã trực tiếp đóng góp 6 triệu đồng, trong đó có 3 triệu dành để mua sách báo ủng hộ cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường sa.

Cảm thương trước hoàn cảnh gia đình của chị Lê Thị Thuấn ở xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa, chị đã thuê xe ôm vượt quãng đường gần 50 km từ huyện Quảng Xương lên tận gia đình chị Thuấn để ủng hộ tiền. Chị từng bỏ 400 ngàn thuê xe lai mang 40 kg gạo tặng trực tiếp cho Hội “những người già không nơi nương tựa” ở Hòa Bình. Tháng 2 vừa qua, một gia đình không có tiền mở quán sửa xe để kiếm sống, chị sẵn sàng đứng ra vay 300 ngàn đồng...
 
Nữ thương binh “mong có thêm sức lực, của cải để làm từ thiện” - 3

Chia sẻ với Dân trí, chị Mùi tâm sự: “Thật lòng trong tâm tôi luôn nghĩ tới lời dạy của Bác Hồ, “lá lành đùm lá rách”, thương binh “tàn nhưng không phế”. Tôi muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình để chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôi chỉ tiếc ông trời không cho tôi thêm chút sức lực hay của cải, tôi sẽ ủng hộ tất cả cho người nghèo và những cụ già không nơi nương tựa”.

Hiện chị Mùi đang nuôi một mẹ già đã 90 tuổi, đau ốm thường xuyên, uống thuốc quanh năm và một cậu con trai đang học trường Cao đẳng dầu khí ở Thái Nguyên. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, âu lo là thế nhưng chị vẫn cố sống thật tằn tiện, dè xẻn từng đồng để có điều kiện giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Lan Anh - Duy Tuyên