1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nữ sinh trường chuyên tự tử vì sự bồng bột

(Dân trí) - Nhà trường không thể lý giải được việc nữ sinh M.T quyết định thắt cổ tự tử. Phía công an điều tra thì khẳng định đây không phải là một vụ án hình sự mà đơn thuần chỉ là một phút bồng bột của nữ sinh.

Ngày định mệnh

Chiều ngày 1/3, với vẻ mặt hốc hác bởi sự buồn rầu cũng như cùng gia đình lo làm các thủ tục để mai táng cho nữ sinh M.T, thầy Cao Xuân Hùng - Hiệu trường THPT Lê Hồng Phong - chia sẻ: “Thật sự chúng tôi rất buồn khi xảy ra câu chuyện đau buồn như vậy. Một học sinh ngoan và học tốt nhưng chỉ vì một chút bồng bột mà lại làm điều dại dột mà không ai dám nghĩ tới.”
 
Nữ sinh trường chuyên tự tử vì sự bồng bột
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.

Cũng theo thầy Hùng, sáng ngày 28/2, nhà trường tổ chức thi 60 phút đánh giá môn Lịch Sử. Do toàn bộ khối 12 đều thi nên trường tổ chức thành các ca khác nhau, có lớp thi sớm, lớp thi muộn. Khoảng 7h sáng, em M.T vẫn cũng bạn bè từ KTX đến trường để dự thi nhưng giữa đường thì lại quay về. Trước đó thì em cũng không có đơn xin phép nghỉ thi.

Những ngày bình thường thì khi HS ở KTX đi học thì bảo vệ đều đi kiểm tra các phòng. Nhưng hôm 28/2, do có sự việc trường tổ chức thi đánh giá nên bảo vệ không đi kiểm tra bởi có em đi trước, em đi sau. Ai ngờ vào đúng ngày định mệnh đó em M.T lại quyết định ra đi. Khi mọi người phát hiện ra thì mọi chuyện đã quá muộn. Trước khi tự tử M.T đã để lại hai bức thư, một gửi cho bố và một gửi cho 7 bạn cùng phòng.

Sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, nhà trường đã báo cáo sự việc lên công an phường, công an thành phố và Sở GD-ĐT Nam Định. “Ở trường, em M.T sống hòa đồng và học tốt. Với sức học như vậy thì việc em trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương, Ngoại giao… là điều ở trong tầm tay” - thầy Hùng chia sẻ.

Liên quan đến hai bức thư, thầy Hùng cho hay, đại ý của bức thư thứ nhất nữ sinh M.T nói lên tình cảm với người bố và xin lỗi bố vì hành động của mình. Bức thư thứ hai gửi cho các bạn cùng phòng với nội dung: “Mình cũng không có lỗi gì với các bạn”. Hai bức thư do M.T để lại không hề oán trách ai về điều gì.

Lãnh đạo nhà trường cũng cho hay, sau sự việc, thầy cô, bạn bè đã trực tiếp tham gia giúp đỡ gia đình mai táng cho nữ sinh này. Bản thân cô Tâm, phó hiệu trưởng nhà trường cùng các bạn học sinh trong lớp cũng đã về để tiễn đưa bạn. Gia đình của M.T cũng thừa nhận rằng sự ra đi của cháu là một sự nông nổi và cảm ơn nhà trường đã quan tâm, động viên và giúp đỡ chu đáo.

Tự tử do sự bồng bột

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của 7 nữ sinh cùng phòng. Sau khi tìm hiểu cụ thể về sự việc, phía công an có cho hay: Quan hệ giữa các nữ sinh trong phòng rất tốt, các bạn sống chan hòa và yêu thương nhau. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng dặn dò nhà trường không nên truy xét sự việc để ảnh hưởng đến tâm lý của những học sinh còn lại. Sự việc em M.T tự tử không liên quan gì đến với các bạn trong phòng.
 
Nữ sinh trường chuyên tự tử vì sự bồng bột
Phòng 303, nơi nữ sinh M.T thắt cổ tự tử.

Hiệu trưởng trường chuyên Lê Hồng Phong cũng có biết thêm: Do phía công an điều tra đã có yêu cầu và bản thân nhà trường đánh giá vụ việc này không liên quan gì đến các em còn lại nên chúng trường cũng không truy xét gì thêm.

“Nếu ở đây mà có trách nhiệm của người lớn thì chúng tôi sẵn sàng làm sáng tỏ và sẽ truy xét đến cùng nhưng ở đây lại không phải vậy” - thầy Hùng nhấn mạnh.

Cũng để tìm hiểu thêm sự việc chúng tôi đã có buổi làm việc với Công an thành phố Nam Định. Lãnh đạo của đơn vị này cho hay, khi sự việc xảy ra, trách nhiệm của công an là phải có mặt ở hiện trường để làm sáng tỏ. Quá trình điều tra thông qua hiện trường cũng như hai bức thư để lại cho thấy, đây không phải là một vụ án hình sự mà đơn thuần chỉ là phút bồng bột của nữ sinh này.

Chúng tôi đã thông báo kết luận này tới đại diện gia đình nạn nhân và họ cũng rất đồng tình và xin phép để đưa cháu về mai táng. “Các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm, động viên tới 7 nữ sinh còn lại để giúp các em thoải mái về mặt tinh thần, sớm ổn định công việc học tập. Bởi những em cùng phòng sẽ là người chịu tác động tâm lý nhiều nhất” - lãnh đạo này nói.

Liên quan đến 7 nữ sinh cùng phòng, cô Tâm - Hiệu phó trường Lê Hồng Phong - bùi ngùi chia sẻ thêm: Sau khi sự việc xảy ra tâm lý của các em không ổn định. Mặc dù nhà trường đã luôn khẳng định các em không có lỗi gì trong chuyện này nhưng đôi khi các em vẫn dằn vặt bản thân. Để làm vơi đi những sự ám ảnh đó, nhà trường cùng với gia đình đã bố trí cho các em đi viếng nữ sinh M.T.

“Hiện tại ngoài việc động viên 7 em cùng phòng chúng tôi còn làm công tác tư tưởng đối với những HS đang sống ở KTX. Cần phải sớm động việc các em vượt qua về yếu tố tinh thần để đảm bảo việc học hành” - Phó hiệu trưởng nhà trường nói.

Được biết, chiều 1/3, lãnh đạo nhà trường đã có buổi họp với 7 phụ huynh có con ở cùng phòng với nữ sinh M.T. Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà trường đã động viên các em học sinh còn lại vững vàng hơn trong tâm lý và yên tâm học tập. Hiện các em đã đi học trở lại và tâm lý cũng đã khá hơn phần nào.

 

Cần quan tâm đến kỹ năng sống của học sinh hơn

Theo lãnh đạo công an thành phố Nam Định, hiện nay, ý thức chấp hành pháp luận của giới trẻ rất yếu. Chính vì thế, nhà trường cùng cần phải quan tâm các em hơn về mặt kỹ năng sống. Một số sự việc gần đây dẫn đến nhưng câu chuyện đau lòng không đáng có này đều có một phần xuất phát từ sự yếu kém của kỹ năng này.

Tuy nhiên, qua sự việc của trường Lê Hồng Phong lại thấy xuất hiện một góc cạnh khác về giáo dục giới trẻ. Bởi với sự quan tâm của nhà trường là chưa đủ để hình thành nhân cách sống cho các em.

Theo thầy Cao Xuân Hùng, môi trường học tập tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong không hề tạo áp lực cho học sinh, các em học vì niềm đam mê và yêu thích.

Để giúp các em luôn cảm thấy ham thích học tập, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa sôi nổi như thể thao, võ thuật, nghệ thuật... Hàng tuần, các lớp đều đứng ra tổ chức các chương trình tự biên tự diễn trước toàn trường. Ngoài ra cũng thường xuyên mời các chuyên gia tâm lý để tư vấn cho các em học sinh và thậm chí là các bậc phụ huynh về cách giao tiếp và trò chuyện với con cái trong gia đình.

Tuy nhiên, thầy Hùng cũng thừa nhận việc các kỹ năng sống được nhà trường trang bị rất nhiều thông qua các hoạt động nhưng việc các học sinh tiếp thu được đến đâu thì nhà trường cũng không dám khẳng định.

Xét về một góc độ khác, cô tâm Hiệu phó nhà trường cũng chia sẻ thêm: Mỗi học sinh đều có cá tính riêng và ẩn sâu trong các em là những uẩn ức không thể biết được. Chính vì vậy, dù giáo viên đã cố gắng hết sức nhưng vẫn còn chưa thể hiểu hết được các em.

 

N.H