1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nữ lao động VN chết tại Đài Loan là tự tử?

Phân cục cảnh sát Đại Viên (huyện Đào Viên, Đài Loan), cho biết trước <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2005/10/82321.vip">cái chết có nhiều uẩn khúc của chị Nguyễn Thị Thủy,</a> Viện kiểm sát huyện Đào Viên sẽ tiến hành giải phẫu thi thể để xác minh rõ nguyên nhân. Dự kiến, trong vòng một tuần kể từ khi phát hiện vụ việc, việc giải phẫu sẽ được tiến hành.

Theo báo cáo của Phân cục cảnh sát Đại Viên gửi Ban quản lý lao động và Văn phòng kinh tế văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc, ngày 7/10, với lý do không đảm bảo sức khoẻ, chị Nguyễn Thị Thuỷ xin tự nguyện về nước. Trước khi về, chị Thuỷ đã ký tên, lăn dấu vân tay vào biên bản thanh lý hợp đồng và viết đơn xin về nước. Trong đơn, chị cho biết ở nhà chủ làm việc tốt, chủ đối xử tốt, nhưng mấy hôm nay bị mệt nên xin về nhà chữa bệnh.

 

Công ty môi giới Quảng Oanh (đơn vị ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Công ty Xuất nhập khẩu Thiết bị vật tư thông tin Emico, thuộc Đài Tiếng nói VN) đã ủy quyền cho Công ty Dục Thuận đón, đồng thời đưa lao động ra sân bay về nước. Do chuyến bay ngày 8/10 không còn chỗ, chị Thuỷ được tạm thời lưu trú tại Công ty Dục Thuận, địa chỉ số 91, đường Trung Sơn Nam, đoạn 1, xã Đại Viên, huyện Đào Viên. Khoảng 5h sáng 8/10, sau khi tỉnh dậy, chị Thủy có biểu hiện muốn tự sát bằng kéo, nhưng được một lao động Việt Nam và một lao động Indonesia ngăn cản.

 

Do phải đưa lao động ra sân bay, ông Tạ Minh Huy, nhân viên Công ty Dục Thuận đã dùng khoá tay để khoá tay trái chị Thuỷ, tránh việc chị tiếp tục tự sát. Trên đường ra sân bay, ông Huy đã nhờ người cùng công ty là ông Lưu Phát Chính đến nơi lưu trú kiểm tra tình hình. Nhưng lúc 7h40 ngày 8/10, ông Chính phát hiện chị Thuỷ đã tử vong, theo phỏng đoán là tự sát bằng ga trải giường. Tổ điều tra của Phân cục cảnh sát Đại Viên, huyện Đào Viên đang làm rõ vụ việc. Thi thể chị Thuỷ được bảo quản tại Nhà xác Đào Viên.

 

Trao đổi với phóng viên trưa 12/10, chị Bùi Thị Đảm (quê xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), người ở cùng phòng với chị Thuỷ đêm 7/10 và hiện đã về nước, xác nhận thông tin chị Thủy có biểu hiện bất bình thường. “Trong nhóm chuẩn bị về nước, chỉ có em và chị Thuỷ (sau này mới biết tên) là người Việt nên em hay bắt chuyện. Nhưng chị chẳng nói năng gì cả, mặt buồn rầu. Suốt đêm 7/10, chị cứ đi đi lại lại. Sáng ra, trong lúc mọi người chờ nhau ra sân bay, chị lấy kéo đặt vào đầu, em và một cô người Indonesia sợ quá nên đã giằng lại”.

 

Chị Đảm cho biết thêm, sau đó chị cố gặng hỏi tại sao lại dùng kéo đâm vào đầu, chị Thuỷ nói bị đau đầu. “Đến khi bị còng tay, chị cứ đòi gặp nhà chủ. Lúc chị nói tiếng Việt, lúc nói tiếng Trung, rất khó nghe”, Đảm kể tiếp.

 

Để đảm bảo quyền lợi của lao động Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, cho biết, hôm nay sẽ làm việc với Phân cục cảnh sát Đại Viên, huyện Đào Viên. Trước đó, ngày 11/10, Chủ nhiệm Văn phòng Việt Nam tại Đài Loan đã có công văn gửi Cơ quan Ngoại giao, Ủy ban Lao động, Cục Cảnh sát Đào Viên đề nghị nhanh chóng điều tra, làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của lao động Nguyễn Thị Thuỷ.

 

Cũng trong hôm nay, đại diện Công ty Emico đã về quê chị Thuỷ, là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để thông báo vụ việc, đồng thời đề nghị gia đình phối hợp giải quyết.

 

Chị Nguyễn Thị Thuỷ sinh ngày 12/12/1971. Ngày 9/5/2004, chị nhập cảnh Đài Loan theo đơn hàng ký giữa Công ty Emico và Công ty Quảng Oanh (trụ sở ở đường Hưng Hoa, khu Nam Cảng, thành phố Đài Bắc). Trong thời gian ở Đài Loan, chị Thủy làm việc tại gia đình chủ sử dụng Vương Linh Anh ở số 55, lầu 2, ngõ 80, đường Nam Cảng, thành phố Đài Bắc. Thời hạn hợp đồng là 2 năm, nhưng nếu làm tốt, chị Thuỷ có thể được kéo dài thêm 1 năm.

 

Theo Như Trang

Vnexpress