Vụ giảng viên kiện hiệu trưởng:
Nữ giảng viên bật khóc tại tòa
(Dân trí) - Phiên tòa xét xử vụ giảng viên kiện hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn trường Đại học Ngân hàng TPHCM “nóng” từ đầu đến cuối. Mỗi bên đều có lý lẽ để bảo vệ cho mình. HĐXX quyết định lùi đến ngày 7/3 mới tuyên án.
Ngay từ sáng sớm, nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã có mặt tại trụ sở tòa để xem tòa xét xử. Do số lượng người dự khán tăng đột biến nên tòa phải chuyển sang phòng xử có diện tích rộng hơn mới đủ sức chứa.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đào Mai là luật sư Nguyễn Quốc Hùng – Văn phòng luật sư Quốc tế (Đoàn luật sư TPHCM). Ông Ngô Hướng và Nguyễn Đình Chiến không có mặt mà ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Kính và một nữ luật sư bào chữa cho bị đơn.
Tại tòa, bà Đào Mai yêu cầu phía bị đơn phải gửi thư cho Đại học Tây Bắc Thụy Sĩ (FHNW), cải chính lá thư của Công đoàn Đại học Ngân hàng TPHCM gửi cho FHNW ngày 11/2/2010. Ông Hướng, ông Chiến phải có văn bản gửi đến FHNW và thông báo cho toàn trường Đại học Ngân hàng TPHCM rằng, bà Đào Mai không lấy trộm con dấu của Công đoàn trường, bà không phạm pháp, không kích động giáo viên, nhân viên trong trường gây chia rẽ nội bộ… Đồng thời, bà Mai đòi bị đơn phải bồi thường khoản tiền bù đắp cho tổn thất tinh thần, chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện… với số tiền hơn 108 triệu đồng.
Tại phiên tòa, phía bị đơn cũng phản tố đòi nguyên đơn phải bồi thường số tiền 80 triệu đồng. Tuy nhiên, cả nguyên đơn và bị đơn không bên nào chịu chấp nhận yêu cầu bồi thường.
Trước HĐXX, bà Đào Mai cho rằng, chuyện bà có gửi thư cho FHNW, nếu có cũng là chuyện bình thường vì ai cũng có quyền tự do ngôn luận. Trước thông tin bà Đinh Thị Ngọc Liên - Giám đốc trung tâm hợp tác quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - nhận lương 86 triệu đồng/tháng và còn có thông tin bà Liên làm việc, nhận lương tại FHNW khiến nhiều cán bộ, giảng viên bức xúc, bà Đào Mai, ông Nguyễn Đình Chiến và các công đoàn viên đã cùng nhau thảo lá đơn để gửi sang FHNW nhờ đối tác xác minh. Qua 4 lần viết nháp, ông Chiến với tư cách là Chủ tịch công đoàn trường có đặt bút chỉnh sửa bản thảo và bút phê cuối cùng. “Ông Chiến đã xem, ký phê duyệt trên góc và bảo tôi đóng dấu gửi qua đường bưu điện cho FHNW”, bà Mai khai.
Tuy nhiên, khi lá thư gửi đi thì tối ngày (12/2/2010), ông Chiến điện thoại bảo bà Mai dừng việc gửi thư vì ông Ngô Hướng không cho phép. Bà Mai nói: “Em lỡ gửi đi rồi”. Sau đó, ông Hướng có viết email, còn ông Chiến làm một văn bản khác gửi cho FHNW nói rằng, bức thư gửi ngày 11/2/2010 là giả mạo, không phải của Công đoàn trường.
Ông Nguyễn Hữu Kính (đại diện ông Hướng, ông Chiến) thì khai rằng, ông Chiến không soạn thảo và sửa văn bản. Ông Kính còn cáo buộc bà Đào Mai ăn trộm con dấu của Công đoàn để đóng dấu vào văn bản và tự ý gửi đi. Luật sư bị đơn đề nghị tòa không công nhận bức thư đầu tiên (gửi ngày 11/2/2010) là của công đoàn trường. “Ông Hướng, ông Chiến viết thư phản hồi cho FHNW không vì mục đích cá nhân, đề nghị tòa bác yêu cầu của bà Mai. Ở đây không có thiệt hại, mà ngược lại, hành vi đi kiện của bà Mai đã gây nhiều khó khăn cho nhà trường. Tôi xin phản tố bằng việc đòi bà Mai bồi thường cho bị đơn 80 triệu đồng”, nữ luật sư của bị đơn tranh tụng.
Luật sư của bà Mai cho rằng: “Ông Chiến có bút phê và là người chấp bút cuối cũng, tức ông ấy là đồng tác giả bức thư gửi FHNW”. Tiếp đó, luật sư đưa ra văn bản có bút tích của ông Chiến thì ông Kính thừa nhận đó là nét chữ của ông Chiến. “ông có chứng cứ gì nói bà Mai ăn trộm con dấu? Chứng cớ gì nói bà Mai gây chia rẽ nội bộ?”, luật sư hỏi.
Đến lúc này, ông Kính nói không có căn cứ và xin rút lại việc cáo buộc bà Mai ăn trộm con dấu.
Đến lúc này, bà Mai nức nở trước tòa: “Nói vậy chẳng khác nào khẳng định tôi kích động và ăn trộm con dấu. Bằng chứng đâu mà nói vậy? Đây không chỉ là sự vu khống mà còn sỉ nhục, hạ thấp danh dự của tôi”.
Phiên tòa kéo dài đến hết buổi chiều với phần tranh tụng “nảy lửa” giữa luật sư 2 bên. Phía dưới, người dự khán cũng bàn tán xôn xao khiến thư ký tòa phải nhiều lần nhắc nhở.
Trong lúc HĐXX vào nghị án, nhiều người đứng bên ngoài hồi hộp đợi giây phút tòa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, thư ký phiên tòa bất ngờ ra thông báo lùi thời gian tuyên án sang lúc 14h ngày 7/3 khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Công Quang