45 năm chiến dịch giải phóng Xuân Mậu Thân 1968:
Nữ du kích sông Hương ngày ấy - bây giờ
(Dân trí) - Đã 45 năm kể từ xuân Mậu Thân 1968 với sự kiện giải phóng Huế đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về một thời hào hùng, về những thế hệ chỉ biết quên mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn vẹn nguyện trong tim người nữ du kích sông Hương ấy.
Ký ức trong từng bức ảnh
Không khó để tìm đến nhà bà Hoàng Thị Nở, một trong 11 cô gái du kích sông Hương ngày ấy. Trong căn nhà ấm cúng, khang trang mới xây lại năm 2008 ở số 131/1 đường Bà Triệu, TP Huế, cô Nở luôn tiếp đón mọi người bằng câu chuyện của những năm tháng không thể nào quên.
“Quên răng được cái thời mà mấy chị em mới mười tám, đôi mươi cùng nhau làm cách mạng. Nói làm cách mạng thì to tát quá, chứ nhiệm vụ chính của mình là làm vào thành phố nắm tình hình đi lại của bọn Mỹ và những địa điểm quan trọng, vẽ sơ đồ các đường phố, địa hình, địa vật để báo cáo lại với lãnh đạo, làm giao liên dẫn đường. Thứ hai nữa là vận động bà con nhân dân tham gia các hoạt động cách mạng, nam nữ thanh niêm tham gia hoạt động du kích, các phong trào đấu tranh để giặc Mỹ không đạt được âm mưu, thủ đoạn của chúng là lôi kéo hòng chia rẽ nhân dân ta. Cuối cùng là dẫn bộ đội chủ lực vào thành phố chiến đấu”. Cô Nở run run đôi bàn tay, lật giở từng trang ký ức. Đó là những hình ảnh hiếm hoi của mấy chị em tranh thủ chụp lại cho đến ngày giải phóng đất nước.
Bà vừa nói, vừa vuốt nhẹ từng bức ảnh đen trắng quý giá, như thủ thỉ cùng đồng đội của mình, cũng là để trả lời thắc mắc của chúng tôi: “Biết là chiến tranh thì phải có mất mát, hy sinh nhưng sự ra đi đường đột quá làm mình hụt hẫng. Giờ chừ bức ảnh thì đề là 11 cô gái sông Hương mà chỉ có 8…”. Bức ảnh “11 cô gái sông Hương (1968)” được chụp trong thời điểm quân và dân ta đã đẩy lùi được các đợt tấn công và làm phá sản âm mưu của Mỹ sau 25 ngày chiến đấu không nghỉ tết Mậu Thân 1968. Nhưng cũng chỉ trong chừng ấy ngày, các chị Hoàng Thị Sau, Đỗ Thị Hoa, Hoàng Thị Hết và Nguyễn Thị Diên đã anh dũng hy sinh.
Nhiệm vụ chính của tiểu đội du kích đã giúp cho bộ đội chủ lực tiểu đoàn K2 đặc công, K10 và các đội biệt động nhắm đúng vào các mục tiêu, tiêu diệt đánh địch chiếm sở chỉ huy Phan Sào Nam, đánh chiếm căn cứ quan sự Hoa Mai, An Cựu, đánh vào khách sạn Hương Giang, Ty Cảnh sát ngụy, Nha thẩm vấn nhà lao Lê Quý Đôn, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến ở Sân vận động Huế vào đêm mồng 1 Tết năm 1968… và giành nhiều thắng lợi to lớn.
Đặc biệt chỉ tính riêng trong ngày 12/2/1968 dương lịch, tiểu đội nữ 11 cô gái Sông Hương đã tổ chức đánh địch phản kích, đẩy lùi một Tiểu đoàn bộ binh Mỹ, tiêu diệt 120 tên tại ngã ba chợ Cống, phường Phú Hội, Tp Huế do địch phản kích từ hướng Thuận An lên, góp phần giữ vững địa bàn và bảo toàn lực lượng cho bộ đội chủ lực. Trước thắng lợi đó, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi với bốn câu thơ:
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương
Bà Hoàng Thị Nở tin tưởng: “Khi lực lượng của mình mỏng dần vì sự càn quét dã man của địch, ai có khả năng cũng muốn cầm súng đánh giặc và vẫn luôn tin tưởng mình chiến thắng. Vì răng? Vì đây là địa bàn mình, dân mình, đất mình, đường đi lối lại mình đã thông tỏ, không có lý do chi để thua những kẻ từ trên trời rơi xuống, dù cho vũ khí chúng hiện đại đến mô cũng thắng mần răng được…”.
Trước nhiệm vụ đặt ra của cuộc chiến tranh, “11 cô gái du kích Sông Hương” được bổ sung thêm thành một trung đội vũ trang mang tên chị Võ Thị Sáu (thành lập ngày 26/3/1968) và hoạt động ngày càng lớn mạnh. Người này ngã xuống, đã có người khác thay thế vào, cứ thế những nhiệm vụ dù khó khăn đến đâu các chị cũng càng thêm động lực để hoàn thành xuất sắc.
Hòa bình, tri ân
Gặp nhau trong bom rơi đạn lạc, khi cái chết cận kề thì tình yêu vẫn được ươm xanh. Bà Nở, một nữ du kích gan dạ, thông minh khi gặp anh bộ đội kiên cường Trần Công Sanh đã hẹn thề cưới nhau khi đất nước thống nhất. Và đám cưới giản dị đã được diễn ra vào năm 1977 cùng với niềm vui được nhân lên khi hai cô con gái lần lượt chào đời.
Bà tâm sự: “So với các chị em trong đội, mình là người quá may mắn vì vẫn còn được sống đến dừ, có gia đình hạnh phúc nên cũng không đòi hỏi chi hơn”.
Hòa bình lập lại, 11 cô gái Sông Hương ngày nào kẻ còn, người mất. Trong đó tên tuổi của người đội trưởng, chị Phạm Thị Liên đã trở thành tên một con đường ở phường Kim Long, TP Huế, nơi chị đã anh dũng hy sinh ngày 24/4/1972. Những người khác được phân công về từng địa phương làm việc, còn bà Hoàng Thị Nở được ở lại thành phố, là thương binh hạng 4/4 nhưng vẫn cố gắng hoạt động, làm việc hăng say như thể đang cố gắng sống thay cho đồng đội.
Từ năm 1980 cho tới lúc về hưu, bà giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân thành phố. Bà nói: “Mình hoạt động nhiều nên có cơ hội được 3 lần đi ra Hà Nội viếng lăng Bác. Nhưng nguyện vọng không chỉ của cô mà của tất cả các chị em ngày trước là được cùng nhau ra thăm Bác một lần (1968) nhưng ra không kịp… Ai ngờ cho đến giờ chừ vẫn dở dang”.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ hay lễ tết, bà cùng các bà Nguyễn Thị Hợi, Nguyễn Thị Hoa, Chế Thị Mừng vẫn gặp nhau, ôn lại chuyện cũ và đến thăm nhà mệ Nguyễn Thị Bờ, là mẹ chị Liên nhưng cũng là người mẹ chung của cả tiểu đội. Riêng chị Nguyễn Thị Xê vì lấy chồng ở tận Ninh Bình nên cũng khó khăn khi gặp gỡ hơn nhưng mọi người vẫn luôn giữ liên lạc và hỏi thăm nhau thường xuyên. Giờ đây, bước sang tuổi xế chiều, những cô gái sông Hương xưa vẫn vẹn nguyên một trái tim tri ân đồng đội.
Ngọc Bích - Đại Dương