Nữ đại biểu mang bánh kẹo trôi nổi vào nghị trường chất vấn giám đốc sở
(Dân trí) - Nữ đại biểu mang vào hội trường một số gói kẹo có chữ nước ngoài và dành câu hỏi cho Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An về trách nhiệm quản lý đối với mặt hàng này trước cổng trường học.
Thực phẩm "bẩn" tấn công trường học, bệnh viện
Sáng 11/7, kỳ họp 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII bước vào phiên chất vấn. Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, là một trong 2 lãnh đạo sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (tổ đại biểu thành phố Vinh) đưa vào hội trường một số gói bánh, kẹo có màu sắc bắt mắt, nhãn mác và thông tin trên bao bì được thể hiện bằng chữ nước ngoài.
Theo nữ đại biểu, 5 gói kẹo này được mua trước cổng trường học với giá 16.000 đồng, không rõ nguồn gốc, rất dễ mua. Các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc bày bán công khai trước cổng trường học, không chỉ ở hàng rong mà ngay cả các cửa hàng cố định.
Bà Linh cho rằng đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Nữ đại biểu đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An về giải pháp quản lý chặt chẽ đội ngũ bán hàng, kiểm tra, quản lý chất lượng đối với các mặt hàng này để bảo vệ sức khỏe người dân, học sinh.
Theo ông Phạm Văn Hóa, quản lý hàng rong trước cổng trường là trách nhiệm của đội ngũ quản lý đô thị, còn Sở Công Thương hay lực lượng quản lý thị trường và công an không thể túc trực để kiểm tra hay quản lý.
Ông Hóa cho rằng, bán hàng rong trước cổng trường, bệnh viện là trách nhiệm của các địa phương. Ông Hóa cũng thừa nhận các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn được bán tại các cửa hàng cố định trước cổng trường học. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuy nhiên chỉ kiểm soát được mức độ nào đó.
Theo ông Hóa, giải pháp quan trọng nhất và đầu tiên là vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, quản lý thị trường, chính quyền địa phương... cần tăng cường phối hợp kiểm tra hoạt động này thường xuyên.
"Đây là cuộc đấu tranh 2 mặt, giữa cái tốt, cái xấu; giữa hàng thật, hàng giả, trong đó có vai trò quan trọng của người tiêu dùng chứ không phải hoàn toàn dựa vào lực lượng chức năng.
Đề nghị các địa phương tuyên truyền vận động, giáo dục học sinh và cả phụ huynh không tham gia vào thị trường này. Không có người mua thì không có người bán", Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nói.
Về vấn đề hàng trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường học, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận là mua dễ và giá rất rẻ. Theo Phó Chủ tịch tỉnh, ngoài việc phối hợp, quản lý của các ngành chức năng, cần có sự quản lý chặt của các phụ huynh và các cơ sở giáo dục. Phụ huynh không thả nổi, cho tiền để con có cơ hội mua các sản phẩm nói trên.
"Dễ bán, dễ mua nhưng không có cung thì cầu sẽ giảm", ông Vinh nói.
Thói quen tiêu dùng là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng kém chất lượng
Giai đoạn 2021-2023, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính 20.591 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khởi tố hình sự 1.050 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 805 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, ngành chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính 4.233 vụ, khởi tố hình sự 896/1163 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 115 tỷ đồng.
Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đang phức tạp. Đặc biệt, hoạt động mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến nhưng khó kiểm tra, xử lý.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, thói quen tiêu dùng của người dân là mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng kém chất lượng sinh sôi.
"Người tiêu dùng thích mua hàng trôi nổi; không cảnh giác, quan tâm nguồn gốc xuất xứ và thường không lấy hóa đơn xuất xứ; đáng ngại nhất là ít có ý thức đấu tranh khi mua phải hàng giả, hàng nhái trừ hàng nhiều tiền, còn hàng vừa tiền hoặc ít tiền nói ra sợ xấu hổ. Đây là điều khác biệt của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước so với nhiều quốc gia", ông Hóa nói.
Theo thông tin vị Giám đốc Sở Công Thương cung cấp, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Nghệ An đã thành lập hơn một năm nhưng đến nay chưa nhận được đơn thư nào của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Hồng Vinh cũng cho rằng thói quen của người tiêu dùng là một trong những trở ngại lớn trong công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.
"Thói quen sử dụng hàng hóa, nói là thói quen nhưng thực ra là do thu nhập. Thu nhập thấp rõ ràng phải sử dụng hàng hóa rẻ tiền hơn. Hàng hóa rẻ tiền có thể không đảm bảo chất lượng", ông Vinh nói.
Tại phiên chất vấn, lãnh đạo ngành công thương và tỉnh Nghệ An cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề liên quan đến buôn lậu, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.