Hà Tĩnh:
Nụ cười hạnh phúc của cựu binh sau hàng chục năm đi đòi quyền lợi
(Dân trí) - Sau loạt bài “Cựu chiến binh hàng chục năm "ôm" mảnh đạn đi đòi chế độ thương binh” mà Dân trí phản ánh, cơ quan chức trách vào cuộc, chấm dứt chuỗi ngày vô vọng đi đòi quyền lợi chính đáng của ông.
"Cảm ơn báo Dân trí, tui thực sự rất ấm lòng".
Sáng ngày 1/8, phóng viên Dân trí nhận được điện thoại của ông Trần Văn Thái (SN 1947, trú thôn 12, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nhân vật trong loạt bài viết “Cựu chiến binh hàng chục năm "ôm" mảnh đạn đi đòi chế độ thương binh”.
Bên kia điện thoại, giọng người đàn ông chất phác, thật thà mừng mừng, tủi tủi: “Chú ơi, thế là tui chính thức được công nhận là thương binh rồi, đã nhận quyết định, giấy chứng nhận thương binh, quyết định nhận trợ cấp hàng tháng cách đây ít ngày rồi . Không có niềm vui nào hơn lúc này chú ạ. Mấy hôm nay vợ chồng mừng không ngủ được”.
Sáng ngày 2/8, PV Dân trí đã ngược lên xã Cẩm Mỹ để chia sẻ niềm vui với người cựu binh già. Buổi PV có mặt cũng là ngày giỗ của mẹ ông mất trước đó nhiều năm. Ông Thái thắp nén nhang rồi báo cáo với mẹ về niềm vui được công nhận thương binh, chế độ trợ cấp của mình.
Khỏi phải nói hết niềm vui của ông Thái và người vợ tảo tần, lo toan sức khỏe cho ông suốt hàng chục năm qua. Ông Thái lấy túi hồ sơ, khoe về Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, trợ cấp và phụ cấp hàng tháng số 14-QĐ BTL do Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Bộ Tư lệnh QK4 ký ngày 10/5/2020.
Theo quyết định và thẻ thương binh kèm theo, ông Trần Văn Thái là được công nhận là thương binh hạng A, thương tật hạng 4/4 (Tỷ lệ suy giảm khả năng lao 30%), hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP là 1.562.000 đồng.
Ngoài ra, ông Thái còn được truy lĩnh số tiền hơn 115 triệu đồng, tính từ tháng 1/2013.
Cầm quyết định và thẻ thương binh trên tay, ông Thái mừng tủi, rồi nở nụ cười hiền khô, chất phác. “Tui quá mừng chú à. Tui mừng vì tui xứng đáng nhận được quyền lợi chính đáng ni. Tui là người thật, việc thật, cũng vì quá thật thà, đi lại khó khăn kèm với sự thiếu hiểu biết mà bao năm qua vẫn không được công nhận là thương binh”- ông Thái ấm lòng nói.
Rồi ông nói thêm, từ nay bệnh tật ốm đau đi viện đã có chế độ thương binh chi trả, đỡ đi được phần nào. Rồi số tiền truy lĩnh cũng giúp ông bà trả nợ, bởi bao năm qua gia đình gặp quá nhiều biến cố, ¾ đứa con mất vì nhiều lí do khác nhau, nợ nần chồng chất.
Trong niềm vui, sự xúc động, ông Thái bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới báo điện tử Dân trí đã đồng hành, phản ánh câu chuyện tréo ngoe của ông tới công luận và cơ quan chức năng, giúp ông chấm dứt chuỗi ngày đằng đẵng đi đòi quyền lợi chính đáng.
“Tôi thật sự cảm ơn chân thành tới báo Dân trí. Nếu không có sự vào cuộc của báo hẳn là hồ sơ của tui đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Tôi thật may mắn khi được báo hỗ trợ nhiệt thành”- ông Thái xúc động nói.
Nhìn lại hành trình “mịt mù” đòi quyền lợi
Ngày 22/6/1972, giữa lúc Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt miền Bắc, chàng thanh niên Trần Văn Thái cùng nhiều thanh niên khác của miền quê Cẩm Mỹ lên đường nhập ngũ.
Đơn vị ông tham gia là B2, C35, D20, thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ của Tỉnh đội Nghệ Tĩnh bấy giờ. Tiểu đoàn của ông được bố trí bảo vệ nhiều cứ điểm, trong đó có cầu Đông, một cây cầu trọng yếu từng nhiều lần bị địch dội bom tàn phá ở xã Thạch Linh, huyện Thạch Hà. Và chính trong trận địa pháo bảo vệ cây cầu này vào sáng ngày 27/9/1972, bom đạn của đế quốc Mỹ đã cướp đi mạng sống của 15 chiến sĩ của tiểu đoàn. 9 người lính khác, gồm cả ông Thái, bị thương.
Sau quá trình an dưỡng ông Thái nén những cơn đau tiếp tục tham gia chiến đấu cùng đơn vị. Từ cuối năm 1973, đơn vị nhập vào sư đoàn 341 đóng quân tại Quảng Bình, ông là quân số của D19, E80.
Sau ngày đất nước hòa bình, ông Thái được Sư đoàn trưởng 341 cho phục viên theo quyết định số 823/QĐ ngày 1/4/1977. Cuộc sống của người cựu chiến binh này trải qua nhiều sóng gió, đau buồn. Vốn đã chịu thương tích bom đạn chiến tranh, 3 trong 4 người con của ông lại lần lượt qua đời vì bạo bệnh khiến sức khỏe, tinh thần ông thêm ốm yếu. Vợ chồng ông phải nương tựa nhiều vào gia đình người con út vốn cũng chẳng khá giả gì.
Cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người cựu binh này có thể đã đỡ hơn phần nào nếu ông được hưởng chế độ chính sách thương binh mà ông xứng đáng được hưởng.
Không những còn những vết thương, mảnh đạn dưới ngực trái, ông Thái còn lưu giữ nhiều giấy tờ gốc, có bút tích của cả lãnh đạo đơn vị, đến cả tấm phim chụp ảnh vết thương của ông từ tận năm 1972 ông vẫn còn lưu giữ. Vậy mà ông vẫn không được hưởng chế độ chính sách của nhà nước.
Từ những năm 2000, theo hướng dẫn, ông làm hồ sơ để được công nhận, hưởng chế độ thương binh. Hồ sơ làm rất hoàn chỉnh, ngoài hồ sơ gốc, ông còn có 2 đồng đội đi cùng làm chứng, danh sách niêm yết ở xã 100% ý kiến đồng ý, nhưng hồ sơ của ông bị cơ quan chức trách trả về với lý do giấy tờ gốc của quyết định phục viên bị tẩy xóa. Ông Thái buồn bã, chán nản vì những giấy tờ gốc bị nghi tẩy xóa.
Tháng 10/2014, ông lại làm hồ sơ. Nhưng 2 năm ròng hy vọng, ông lại được Xã đội phó xã Cẩm Mỹ gọi lên trả lại hồ sơ. Ông lại được yêu cầu bổ sung ý kiến của thủ trưởng đơn vị, nhưng hỡi ôi thủ trưởng của ông đã mất, không còn ai để bổ sung. Ông Thái cũng không hiểu vì sao hồ sơ của mình bị ngâm đến hơn 2 năm mới trả lại.
Ông Thái bức xúc cho rằng trong khi ông hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật thường xuyên, đi lại khó khăn mà vẫn cố hết sức để hoàn tất, bổ sung các giấy tờ liên quan; thì xã, huyện lại rất thiếu trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ. Tất cả các giấy tờ, từ Biên bản họp Hội đồng xác nhận người có công, Biên bản niêm yết công khai, Danh sách niêm yết quân nhân đề nghị xác nhận thương binh của ông đều không được xã ghi rõ mốc thời gian xác nhận.
Từ tháng 5/2017, báo điện tử Dân trí đã vào cuộc, thực hiện nhiều bài viết về những thiệt thòi mà người cựu binh này phải gánh chị u. Từ loạt bài trên, Huyện đội Cẩm Xuyên, Tỉnh đội Hà Tĩnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4… đã vào cuộc.
Và kết quả là ông Thái được làm lại hồ sơ, được Hội đồng Y khoa Quân khu 4 giám định tỷ lệ thương tật vào tháng 3/2020, đủ điều kiện để được hưởng chế độ chính sách thương binh như đã nói ở trên.