Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn 46 năm giữ bên mình chiếc đồng hồ của Bác
(Dân trí) - Nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn Phạm Thị Phàn (Thái Thụy, Thái Bình) đã mang theo bên mình chiếc đồng hồ Poljot mà Bác Hồ tặng suốt 46 năm qua.
Giữa bộn bề công việc, chiều 4/5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng vẫn sắp xếp thời gian để chủ trì buổi gặp mặt các cựu nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn - đội nữ tài xế chiến trường duy nhất trong hai cuộc kháng chiến.
Theo trung tá Nguyễn Thị Hòa - Trưởng ban liên lạc đại đội nữ lái xe Trường Sơn - vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Mỹ huy động nhiều máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường. Lúc này, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Được giao nhiệm vụ tăng khối lượng chi viện, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) đã giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9 và Binh trạm 12 (Bố Trạch, Quảng Bình) tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để lập thành đội lái xe vận tải tuyến hậu phương, hỗ trợ cho các khu vực cửa khẩu.
Sau khi trải qua một khóa huấn luyện tại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, 35 nữ chiến sĩ lái xe và 5 thợ sửa chữa máy đã được tuyển chọn. Đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ bắc sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) và sau đó chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập.
“Chị em lúc đó được cấp giấy phép lái xe tạm thời. Chị lái giỏi thì 1 chị 1 xe, lái yếu thì 2 chị 1 xe. Đường Trường Sơn lúc đó là mạch máu sống còn nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, núi cao, vực sâu, xuyên rừng, lội suối, vượt đèo, đi dưới làn bom rơi đạn nổ của kẻ thù ngày đêm đánh phá. Nhưng mà chị em đâu chỉ có lái xe không, chúng tôi còn là những chiến sĩ bốc xếp, vận chuyển hàng, làm đường. Khi lái xe chuyển thương binh, chị em còn là những hộ lý dịu hiền, xoa dịu những nỗi đau của thương binh trên đường về trạm điều trị”- trung tá Nguyễn Thị Hòa kể lại.
Bà Hòa kể, chiến công lớn nhất của đội nữ lái xe là lần vượt Cổng Trời (tỉnh Quảng Bình) vào cuối năm 1969. Đây là điểm tập kết hàng hóa và thương binh, nối giữa hai tuyến đường Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây nhưng vào lúc mùa mưa ở Lào bắt đầu thì Mỹ điên cuồng bắn phá.
Đêm 2/4/1969 đội xe nữ nhận nhiệm vụ cấp tốc chở súng ống, đạn dược vượt Cổng Trời chi viện cho các đơn vị phía trong. Cô gái nhỏ thó Phạm Thị Phàn (Binh trạm 12) lúc đó mới 19-20 tuổi đã xung phong lái xe dẫn đầu đoàn, chở hàng đi ngay trong đêm.
“Đoàn xe xuất phát từ Binh trạm 12 ở Bố Trạch, Quảng Bình vào chiến trường. Đường thì chỉ có 1 lối, cây cối đổ ngổn ngang, trên đầu máy bay địch rải bom đạn xuống không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng chị em chúng tôi vẫn quyết tâm bám đường, lái xe dưới ánh sáng hỏa pháo của địch và động viên nhau bằng mọi giá phải tới đích đúng giờ như chỉ đạo của cấp trên”- bà Phàn nhớ lại.
Sau lần đó, bà Phàn cùng một đồng đội (nam giới) ở Binh trạm 12 được Bác Hồ gửi tặng đồng hồ Poljot. “Hồi ấy được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ này là quý lắm đấy. Tôi luôn đeo trên tay mỗi khi lái xe vào chiến trường. Chiếc đồng hồ đã hỏng lâu rồi nhưng 46 năm qua tôi luôn mang theo nó bên mình như một kỷ vật”- bà Phàn (hiện sinh sống ở thôn Ninh Thanh, xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy, Thái Bình) hồi tưởng.
Kết thúc buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định: “Những hành động của các chị trong thời chiến là tấm gương sáng, góp một phần quan trọng vào lịch sử đấu tranh của dân tộc. Các chị đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đây không chỉ là niềm tự hào riêng của các chị, quân đội mà còn của ngành giao thông cả nước chúng ta. Chúng tôi thực sự biết ơn các chị. Các chị luôn là tấm gương để ngành giao thông vận tải noi theo”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Bộ Giao thông vận tải sẽ chung tay, góp sức cùng các cấp ngành để chăm lo, hỗ trợ cuộc sống của các cựu nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn được tốt hơn.
Thế Kha