Vượt quãng đường hơn 80km từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi đặt chân tới thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Rồi từ thị trấn Mai Châu đến Trạm y tế xã Pà Cò, huyện Mai Châu là quãng đường dài hơn 30km nhưng phải mất hơn một giờ đồng hồ vật lộn với bao đèo dốc quanh co. Nơi đây được mệnh danh là “sơn cùng thủy tận” của huyện Mai Châu.
Một góc Pà Cò
Giữa nơi rừng thẳm núi cao, khó khăn bậc nhất này, xuất hiện tấm gương nữ bác sỹ tha thiết với nghề, đang hằng ngày, hằng giờ bám bản, bàm làng vì mục tiêu cao cả là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Gần 17 năm qua, chị Lường Thị Lan Anh đã tình nguyện về quê cùng đồng nghiệp đồng cam cộng khổ với bà con dân tộc thiểu số để giúp họ chống chọi và chiến thắng bệnh tật.
Xã Pà Cò, huyện Mai Châu đa số là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh chưa được người dân coi trọng.
Bao đời nay, bà con nơi đây vẫn duy trì thói quen là nhờ thầy mo cúng ma trừ bệnh cho người ốm. Ăn không đủ, thuốc chữa bệnh còn thiếu thốn làm nhiều người già, trẻ nhỏ và cả thanh niên đều ốm yếu, bệnh tật. Ngày trước, bà con dân tộc Mông chỉ có thói quen sinh đẻ tại gia đình chứ chưa xuống trạm y tế xã.
Tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Hòa Bình, cô y sỹ trẻ Lường Thị Lan Anh về quê hương Mai Châu công tác với bao hoài bão. Chị bắt đầu công tác tại Trạm y tế xã Pà Cò với vai trò làm y sĩ điều trị. Qua nhiều năm gắn bó với vùng cao, với bà con dân tộc Mông. Năm 2001, thực hiện Đề án đào tạo bác sĩ, dược sĩ đại học tuyến y tế cơ sở, nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học ở tuyến y tế cơ sở, chị được cử đi đào tạo bác sỹ tại Học viện Quân Y.
BS Lường Thị Lan Anh thăm khám cho bệnh nhân
Sau khi tốt nghiệp ra trường, chị lại về điều trị, chia sẻ khó khăn với bà con vùng cao. Hàng ngày, chị và các cán bộ y tế của trạm tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con từ những điều đơn giản nhất là phải uống nước đun sôi, rửa tay sạch trước khi ăn, ngủ phải nằm màn đến việc tiêm chủng trẻ em, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng dịch bệnh thông thường cho đến chuyện đỡ đẻ…
Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của những cán bộ y tế cơ sở đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.
Chị Sùng Y Dua, xóm Pà Cò Con cho biết: “Khi có bệnh ta đến Trạm y tế xã. Ở đó, ta được các y, bác sỹ khám bệnh, kê đơn lấy thuốc điều trị và được phục vụ chu đáo, nhiệt tình lắm. Bà con trong bản ta cũng đã chịu tới trạm xá để khám bệnh rồi”.
Nhờ tấm lòng “lương y như từ mẫu” của chị và các đồng nghiệp mà trong những năm qua, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại xã Pà Cò giảm dần, trung bình mỗi năm tỷ lệ này giảm từ 1 - 2%. Năm 2010, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi của Pà Cò chỉ còn 15,12% trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 11,43 % trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Mỗi tháng có hơn trăm lượt người đến trạm xá để khám bệnh.
Tư vấn sức khỏe cho bà con
Với sự cố gắng, nỗ lực đó, năm 2009, Trạm y tế xã Pà Cò được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cũng trong năm đó, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2, chị vinh dự được Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử trao tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”. Chị được tuyên dương như “người lính” tiên phong của ngành y tế nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Rời xã Pà Cò, chia tay bà con dân tộc Mông nơi heo hút ngàn mây này, chúng tôi ngược về xuôi mang theo hình ảnh nữ bác sỹ nơi miền sơn cước, như bông hoa thơm tỏa hương nơi núi rừng Hòa Bình.
Hồng Dung - Duy Tuyên