1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nông nghiệp công nghệ cao bén rễ vào đời sống nông dân Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới thực sự đã bén rễ vào đời sống, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn Bình Định.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, việc thực hiện Chương trình hành động số 11-CT/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, có nhiều thay đổi tích cực, một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Nông nghiệp công nghệ cao bén rễ vào đời sống nông dân Bình Định - 1

Huyện trung du Hoài Ân dần trở thành "thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Đơn cử, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp đạt gần 3,3% (chỉ tiêu đề ra 3,2-3,6%); diện tích rau an toàn hợp chuẩn VietGAP được chứng nhận gần 115ha (chỉ tiêu 100ha).

Sản lượng thủy sản khai thác đạt 264 nghìn tấn (chỉ tiêu 220 nghìn tấn); sản lượng khai thác thủy sản xa bờ 220 nghìn tấn (chỉ tiêu 200 nghìn tấn); sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh là 217 sản phẩm (chỉ tiêu 165 sản phẩm).

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay, để đạt được kết quả này, các địa phương chủ động ban hành kế hoạch, từng bước tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình hành động.

Cùng với đó, Sở đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao; nhân rộng các mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao sản lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông nghiệp công nghệ cao bén rễ vào đời sống nông dân Bình Định - 2

Bưởi da xanh trở thành sản phẩm cây ăn quả chủ lực ở Hoài Ân (Ảnh: Doãn Công).

Điển hình như mô hình thâm canh lúa SRI, duy trì các cánh đồng liên kết trong sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm với 270 cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, diện tích 11.000ha. Tỉnh đã xây dựng và duy trì được 8 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 106ha với hơn 1.200 hộ dân tham gia.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho hay Sở sẽ tích cực phối hợp với các địa phương quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trọng điểm.

Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo điều hành phù hợp; hỗ trợ các địa phương rà soát, đánh giá để áp dụng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và sản phẩm đặc trưng

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, Chương trình hành động số 11 tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, trong đó nổi lên huyện trung du Hoài Ân trở thành "thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh; thị xã Hoài Nhơn với thế mạnh phát triển kinh tế biển và sản phẩm đặc trưng; huyện Phù Cát là trung tâm của việc triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng cạn cho hiệu quả cao.

Nông nghiệp công nghệ cao bén rễ vào đời sống nông dân Bình Định - 3

Ngư dân tỉnh Bình Định ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương, tăng giá trị xuất khẩu (Ảnh: Doãn Công).

Theo UBND huyện Hoài Ân, huyện đã và đang thực hiện việc cấp chứng nhận VietGAP và hữu cơ cho 145ha bưởi và dừa xiêm; cấp mã số vùng trồng cho 50ha bưởi đạt chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho rằng quan trọng nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm, do vậy, huyện tính toán quy hoạch vùng sản xuất mới đủ tiêu chuẩn ban đầu (cụ thể là vùng bưởi và dừa xiêm tập trung) nhằm áp dụng đồng bộ quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Huyện cũng xây dựng hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, mức độ nhận diện cho sản phẩm nông nghiệp của Hoài Ân thông qua việc tiếp tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm của địa phương.

Đối với thị xã Hoài Nhơn, ngoài thế mạnh kinh tế biển luôn duy trì mức tăng trưởng cao, những năm qua, thị xã có một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp, đó là phát triển làng nghề, sản phẩm đặc trưng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công, đến nay, Hoài Nhơn có 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao trở lên, trong đó có 2 doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu là bánh tráng Sachi và nước mắm Bếp xưa.