An Giang:
Nông dân vùng lũ "thảnh thơi" đến... méo mặt
(Dân trí) - Những ngày lũ chưa về, PV Dân trí tìm đến những xóm dân cư vùng lũ huyện An Phú, An Giang. Đến đây mới biết, lũ cạn bà con sống nghề câu, lưới “thảnh thơi” đến méo mặt. Nhiều hộ nằm cheo veo trong nhà, hộ khác tung ra chạy xe ôm, đưa đò… kiếm sống.
Ngao ngán qua xứ người bắt tôm, cá
Nhiều năm qua với những hộ sống nghề câu lưới vùng biên giới An Giang, Đồng Tháp… chờ lũ về, qua nước bạn Capuchia bắt tôm, cá sinh sống. Nhưng hiện nay, bà con đã ngao ngán với cảnh qua xứ người giăng câu, thả lưới, vì tôm cá ít, có khi còn bị bắt bớ… Do vậy, lâu nay cảnh mưu sinh trên cánh đồng nước ở xứ người như một trò đỏ đen.
Đến xã Phú Hội, vượt qua kênh Ruột là đến đất bạn Camphuchia. Những năm trước đây toàn cánh đồng vài trăm ha nằm sát ranh giới Campuchia (ngoài đê bao) thời gian này, nước trên ruộng đã cao 50 – 60cm. Còn hiện nay, lúa gạ, cỏ mọc xanh tươi; UBND xã Phú Hội đang nạo vét kênh Ruột để phục vụ tưới tiêu cho vụ sau.
Ông Huỳnh Văn Gừng - ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội cho biết: Khoảng 3-4 năm về trước, lúc này cánh đồng bên mình bà con đã ra đồng đặt dớn xom tụ rồi. Riêng năm nay mực nước còn thấp hơn cả năm rồi nên bà con vẫn còn nằm võng, ngóng lũ về. Còn những hộ không “cục đất chọi chim” như gia đình tôi cũng là những hộ bám chặt nghề “bà cậu” (chỉ nghề đánh bắt tôm, cá - PV).
Ông Huỳnh Văn Gừng cho biết, muốn sang đất Campuchia bắt tôm,cá, cua... đều phải đóng tiền trước. Lũ nhỏ thì nguy cơ mất vốn rất cao.
Ông Gừng nói xong, chứng minh ngay: Như thằng con tôi đây, vừa rồi do nóng lòng quá nên đóng tiền qua nước bạn đặt dớn, không may bị lực lượng chức năng bên đó bắt rồi thu chiếc vỏ lãi, máy và toàn bộ dớn… Riêng số dớn họ đã đốt hết rồi, còn cái vỏ và máy thì đang nhờ người chuộc về. Những người con khác của tôi thì thành lập tổ với các thanh niên trong xóm qua Campuchia đuổi chuột, đặt lợp cua, kiếm sống, chứ nhà 4-5 miệng ăn mà ngồi chờ lũ đến chân thì đói cả lũ.
Anh Giang Văn Phương - ấp Phú Nghĩa đang hành nghề chạy xe ôm, ngao ngán nói: Trước đây vì không ruộng đất, không nghề nghiệp nên tôi cũng qua đồng Campuchia đóng thuế giăng câu thả lưới nhưng cũng khó khăn và có lúc nguy hiểm vô cùng. Bởi vậy, tôi bỏ luôn nghề ăn theo mùa lũ, lên bờ chạy xe ôm cả chục năm nay.
Theo những người sống nghề câu lưới trên đất bạn Campuchia cho biết, bắt đầu mùa lũ, Campuchia bán đồng. Một số người Việt Nam vào đấu giá, sau đó bán đồng lại cho bà con sống nghề câu, lưới bằng hình thức đóng tiền. Cụ thể, hộ đặt lợp cua, đóng 13 triệu/mùa, đặt lợp tôm thì 8 triệu/mùa, giăng lưới 2 triệu/tháng, ụ lươn 2 triệu/tháng, còn đuổi chuột thì 30.000 đồng/người… Tất cả người dân muốn hành nghề đều phải đóng tiền trước. Do vậy, như 1-2 năm trở lại đây lũ nhỏ, tôm cá ít, bà con chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì tiền câu, lưới, lợp… cả đêm chỉ đủ mua gạo ăn. Còn những hộ đặt lợp tôm như ông Gừng thì bị lỗ vốn, vì nghề đặt lợp tôm, nước trên đồng phải lớn, đặt mới dính tôm.
Lũ nhỏ nên anh Giang Văn Phương và nhiều nông dân khác đã bỏ nghề câu lưới.
Hiện nay việc qua nước bạn Campuchia bắt tôm cá, hết thảy bà con đều ngao ngán. Nguyên nhân là nguồn thủy sản cũng cạn kiệt vì 3-4 năm qua lũ nhỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân làm họ chán là vì thuế cao, đã vậy họ còn bị bắt bớ, tốn thêm tiền chuộc. Nhiều hộ vì quá nghèo, khi bị bắt, liều mình đánh trả, chạy thoát thân nên có khi bị bắt lại, bị đánh đập và còn có khi dính đạn.
Âm thầm chuyển đổi nghề
Có đến vùng lũ biên giới mới thấy bà con nghèo vất vả thế nào. Ông Kiều Văn Ngại - ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội nhìn ra mấy gièo cá lóc giống nói: Hầu hết bà con không ruộng đất ở vùng này đều bám vào con lũ sinh sống nhưng bên mình còn cá đâu nên phải đóng thuế sang Campuchia bắt cá. Nhưng bên đó, họ nhiều đảng phải, tổ chức, mình đóng cho hộ này, hộ kia bắt mình… Chán cảnh đó, rồi cộng thêm mấy năm qua lũ nhỏ nên tôi bỏ nghề về đây học ương cá giống, sống cũng được.
Ông Phạm Hồng Chạp – Trưởng ấp Phú Mỹ cho biết: “Nếu tính từ năm 2013 đến nay, trong ấp đã có vài trăm hộ bỏ xứ đi lao động ở các thành phố. Còn hiện nay, do lũ nhỏ, việc qua nước bạn Campuchia khai thác thủy sản không còn thuận lợi như trước nữa nên nhiều bà con đã rục rịch tính chuyện đi làm công nhân, một số hộ khác thì chuyển đổi nghề, như trong ấp đã có cả chục hộ nuôi trăn, ương cá… Nhưng bà con đang gặp khó về vốn, về kỹ thuật lắm”.
Chị Phạm Thị Điệp - ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình vừa lấy mấy bó cỏ cho đàn bò ăn xong, chị ngồi vắt vẻo trên chiếc võng buồn xoa nói: “Bà con không có ruộng đất ở vùng biên giới như tụi tui bầy giờ khổ lắm mấy chú ơi. Mấy năm trước, họ còn cho dân Việt mình sang thuê đất trồng lúa nên dân tay trắng như chúng tôi bám theo, đi làm thuê sinh sống. Còn hiện tại Campuchia đã cắt hết hợp đồng rồi, không cho người Việt thuê đất nữa nên dân nghèo tụi tôi cũng thất nghiệp theo. Bà con ở không mà méo hết cả mặt. Bởi thế nhiều hộ đi Bình Dương, Sài Gòn… làm công nhân hết rồi”.
Chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 957, chạy thẳng lên xã Khánh An, bà con sống nghề câu lưới nơi đây cũng có chung tâm trạng như bà con ở các xã Phú Hội, Nhơn Bình, Khánh Bình… là chờ lũ về. Một số hộ có sẵn cái ăn thì nằm võng chờ lũ. Riêng những hộ tay trắng thì bung ra chạy xe ôm, đưa đò… kiếm sống.
Anh Tú (quốc tịch Campuchia) – đang đưa đò tại bến Đình xã Khánh An cho biết: "Nửa tháng nay bên Campuchia cấm các bến đò qua lại sông Khánh An. Tôi thấy bà con, học sinh không có gì qua sông nên trong khi chờ lũ về, tôi lấy ghe đưa đò. Mỗi ngày cũng kiếm vài trăm sinh sống nhưng chẳng biết chính quyền hai bên sẽ cấm bến đò tui khi nào nữa đây".
Ông Bùi Thanh Sơn – Chủ tịch UBND xã Phú Hội cho biết: “Toàn xã hiện nay có trên 3.000 hộ dân nhưng có đến 30% số hộ sống nghề câu lưới mùa lũ. Còn những hộ chuyên sống nghề câu lưới (không có ruộng đất, không nghề nào khác), hiện nay là 150 hộ. Những năm gần đây, lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản khan hiếm nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con sống nghề câu, lưới. Do vậy, nếu nước lũ tiếp tục về thấp như 1-2 năm qua thì địa phương sẽ kiến nghị cấp trên cho sản xuất 2 vụ lúa một vụ màu, đồng thời tập trung tuyên truyền cho bà con đi lao động trong và ngoài nước. Đặc biệt là tích cực mở thêm các lớp đào tạo nghề tại địa phương để bà con có cái nghề sinh sống, không bám vào con lũ nữa”.
Rời xã Phú Hội, chúng tôi phải qua một con đò. Mực nước sống Phú Hội còn thấp, dốc bến đò gần như thẳng đứng, làm khổ nhọc người dân lên xuống đò. Một nông dân không vội lên đò, than thở với chúng tôi: "Lũ về cũng lo, lũ không về cũng tiếc! Nhưng bà con không đất, trắng tay như tụi tui cần nhất, vui nhất là có việc làm ổn định tại đia phương".
Nguyễn Hành